Kinh nghiệm trong ứng phó với bão, lụt ở Cẩm Kim - Hội An

Chủ nhật - 15/11/2015 21:37
Cẩm Kim là địa phương nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, được bao bọc bởi những nhánh sông, địa hình tương đối bằng phẳng, là vùng thấp nên vào mùa mưa bão thường ngập lụt. Chính vì vậy, việc ứng phó với thiên tai được chính quyền và nhân dân địa phương đặc biệt chú trọng, quan tâm. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự ứng phó của nhân dân vẫn là quan trọng nhất.
          Nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do bão, lụt gây ra, trong những năm qua Uỷ ban Nhân dân xã Cẩm Kim đã tiến hành các biện pháp phòng, chống bão, lụt như: Thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các tiểu ban, các đội xung kích. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó cụ thể và triển khai sâu rộng trong cán bộ, nhân dân. Tiến hành thống kê đánh giá phương tiện, trang thiết bị phòng chống bão, lụt đã có để sửa chữa kịp thời và mua sắm mới các trang thiết bị cần thiết. Thường xuyên kiểm tra các công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi … để đánh giá mức độ hư hỏng nhằm kịp thời sửa chữa và có phương án bảo vệ an toàn. Thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo tình hình thiên tai đến nhân dân trên địa bàn toàn xã bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Theo dõi tình hình đời sống trong nhân dân nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ. Ngoài ra còn chuẩn bị tốt công tác 4 tại chỗ. Những người ở trong các ngôi nhà tạm, nhà nằm ở vị trí có nguy cơ sạt lở cao được thông báo chuyển đến tránh trú tại các nhà kiên cố khi cần thiết. Theo dõi và quản lý chặt chẽ số tàu thuyền trên địa bàn. Sẵn sàng phương án hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền vào khu vực an toàn để đảm bảo tài sản và tính mạng.

         Với địa bàn vùng thấp lụt việc xây dựng nhà cửa kiên cố là điều cần thiết hơn hết. Khoảng 20 năm trở lại đây, nhà cửa của nhân dân ở Cẩm Kim được xây dựng khang trang, kiên cố, nền nhà được đắp cao hơn mặt đường từ 1m trở lên. Ngoài một số nhà xây 2, 3 tầng, các nhà còn lại đều có gác lửng bằng gỗ hoặc bằng bê tông cốt thép, một số nhà không có gác, người dân lót vài tấm ván hoặc đan tấm tre kê trên hai cây trính để cất giữ đồ đạc khi có lụt. Trước đây cũng như hiện nay trong vườn nhà một số hộ dân có đắp những ụ, nền đất cao từ 2 đến 3m và dựng nhà tạm trên đó để cất trữ đồ đạc, nhốt giữ các vật nuôi. Khi sắp có bão xảy ra, người dân chủ động chèn chống nhà cửa bằng cách cột chặc dây từ các góc trên mái nhà xuống các cọc đóng sẵn dưới đất hoặc các cây to quanh nhà. Dùng các loại cây gỗ, tre, để chèn chống nhà cửa, trên mái nhà thường dùng các bao đất cát chèn kỹ để tránh gió làm tốc ngói, tôn. Khi bão ập đến người dân ẩn nấp dưới bàn, phản đề phòng trường hợp nguy hiểm do sụp nhà. Tùy theo mức độ của bão, lụt theo dự báo mà một số người ở những ngôi nhà không kiên cố thường di chuyển đến tránh trú tại những ngôi nhà kiên cố hơn ở trong xóm.

          Là vùng sông nước thường bị ngập lụt nên trước đây nhiều nhà ở Cẩm Kim có ghe gỗ, ghe tôn, thúng chai. Đây là phương tiện quan trọng và chủ yếu để di chuyển, đi lại khi có lụt. Nhà nào không có ghe thuyền thì được chính quyền địa phương, người dân xung quanh hỗ trợ. Khi có bão, lụt lớn, những ghe thuyền làm nghề đánh bắt thủy hải sản trên sông, biển thường neo đậu ở các bến sông gần nhà được di chuyển đến hói Hương Phòng để tránh trú vì nơi đây khuất gió và nước êm. Là địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp nên việc bảo quản nông sản trong mùa mưa bão rất được bà con chú ý. Các loại nông sản như lúa gạo, ngô, đậu sau khi thu hoạch được cất giữ trong các vật dụng như chum, lu, bao,... cất kỹ trên gác hoặc vận chuyển lên nơi cao ráo khi có bão, lụt. Một số loại hoa màu, cây trái, rau trồng ở vùng thấp trũng có nguy cơ bị ngập lụt thường được thu hoạch sớm hơn nếu có thể sử dụng được.

         Vào mùa mưa bão người dân thường chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để dự phòng khi thiên tai xảy ra. Trước đây nguồn nhu yếu phẩm này chủ yếu là gạo, khoai, sắn, mắm muối. Khi có lụt lớn, người dân thường rải một lớp tro trong thau nhôm và đặt am kiềng lên trên để nấu thức ăn, nước uống. Nước  uống được dự trữ trong chum, bình, hủ. Ngày nay, cuộc sống phát triển, nguồn cung cấp lương thực thực phẩm phong phú nên việc chuẩn bị lương thực thức ăn có phần chu đáo hơn và chỉ chuẩn bị trước thời điểm thiên tai diễn ra theo dự báo vài ngày. Việc nấu nướng cũng dể dàng hơn do có nhiều dụng cụ như bếp ga, bếp dầu (lò xô)...

          Với các loại gia súc, gia cầm như heo, gà, vịt,..., trước mùa mưa bão người dân thường đem ra chợ bán bớt. Khi có lụt những vật nuôi còn lại được nhốt vào giỏ tre, giỏ sắt treo hoặc đặt trên những vị trí cao ráo, trên những bè chuối. Những người dân chăn nuôi các loại gia súc lớn như trâu, bò thì thường làm chuồng trên những nền đất được đắp cao từ 2 đến 3m so với khu vực xung quanh để nhốt.

        Bằng những kinh nghiệm, biện pháp chủ động ứng phó bão, lụt kịp thời của chính quyền và người dân địa phương nơi đây, trong những năm qua, thiệt hại do bão, lũ gây ra được giảm thiểu, đời sống người dân được cải thiện. Góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cho xã Cẩm Kim nói riêng Hội An nói chung.
 

Tác giả: Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây