Về hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên thế kỷ XVII-XVIII

Thứ ba - 08/04/2014 05:14
Trong khoảng thế kỷ XVII-XVIII, đô thị thương cảng Hội An trở thành trung tâm buôn bán sầm uất của xứ Đàng Trong, ở nơi đây hoạt động giao lưu buôn bán diễn ra sôi nổi, tấp nập giữa các vùng miền trong cả nước, cũng như nơi các thương nhân nước ngoài đến trao đổi hàng hóa và buôn bán. Thời kỳ này, các hiệu buôn ở Hội An ra đời gắn liền với những nhà buôn nổi tiếng như La Thiên Thái, Diệp Đồng Nguyên, Tấn Ký, Hiệp Ký, Quân Thắng v.v…Trong đó, hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên trở thành một địa điểm buôn bán sôi nổi và nhộn nhịp.
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên - Số 80 - Nguyễn Thái Học - Hội An
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên - Số 80 - Nguyễn Thái Học - Hội An
        Theo gia phả hiện còn tại nhà Diệp Đồng Nguyên cho biết ông Diệp Ngộ Xuân là người họ Diệp đầu tiên từ Gia Ứng, Quảng Đông, Trung Hoa sang Hội An buôn bán dưới thời vua Hàm Phong nhà Thanh năm 1856. Sau khi định cư tại đây, ông Diệp Ngộ Xuân mở tiệm buôn bán thuốc bắc với tên hiệu buôn là Diệp Đồng Xuân. Đến đời cháu nội là Diệp Khải Minh vẫn tiếp tục buôn bán và lấy tên hiệu buôn là Diệp Đồng Nguyên, lấy Ông Phật làm biểu tượng. Tên hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên được lấy theo tên chủ nhân. Lúc đầu hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên là một tiệm tạp hóa nhỏ, về sau quy mô buôn bán được mở rộng với nhiều loại sản phẩm đa dạng và phong phú như sành sứ, vàng bạc, xăng dầu, áo quần, thuốc bắc, thuốc sốt rét, thuốc đau bụng, máy may, sách quốc ngữ, gốm sứ, tơ lụa…. Ngoài các hàng hóa có nguồn gốc trong nước, một số hàng hóa được vận chuyển từ các nước bên ngoài về bằng đường thủy qua hải cảng Đà Nẵng, chủ yếu là hàng hóa từ Trung Quốc, Pháp.
          Bên cạnh các loại hàng hóa phân định sẵn trong nhà để buôn bán, còn sử dụng các bảng viết tên sản phẩm bằng chữ Hán treo trước cổng nhà, như câu “Lương bồi cơ phát lãnh hoàn, Chu đại đồng tế chúng thủy”. Trong đó Phát lãnh hoàn là thuốc đau bụng, Tế chúng thủy là thuốc sốt rét. Thuốc bắc Mã Bá Lương là Nhị thiên đường. Điều này cũng dễ hiểu, vì việc mua hàng hóa không chỉ dành cho người địa phương, mà hàng hóa còn được bán cho một số người Trung Hoa, nước ngoài biết tiếng Hán sang sinh sống và buôn bán tại đây.
          Việc buôn bán thường tập trung tại khu vực nhà trước, còn khu vực phía sau dùng để sinh hoạt, hàng hóa thường chất trên gác để tránh lũ lụt. Thường số lượng lao động trong hiệu buôn chiếm số lượng lớn, khoảng trên 15 người gồm người bán hàng, làm sổ sách (gọi là Mã chính), người vận chuyển hàng hóa… Trong đó người làm sổ sách và nhận hàng hóa về thường là con cháu trong nhà.
          Phương thức thanh toán chủ yếu là dùng tiền xu, trong một số trường hợp hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên sử dụng một loại tín phiếu nhưng người có hộ khẩu trong phố mới có card để mua hàng hóa được. Đây là một nét khác biệt so với các hiệu buôn khác ở Hội An thời kỳ này.
          Đến giữa thế kỷ XIX, do nhiều nguyên nhân, đô thị thương cảng Hội An ngày càng đánh mất vai trò vị trí, hoạt động buôn bán trở nên trì trệ, kém phát triển, một số hiệu buôn vì vậy cũng phá sản và hoạt động kém hiệu quả hơn so với trước, hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên cũng không tránh khỏi tình cảnh này.
          Hiện nay, thế hệ con cháu không còn tiếp tục hoạt động buôn bán nữa, nhưng hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên gắn liền với ngôi nhà cổ kính trở thành một di tích tiêu biểu trong quần thể di sản thế giới Hội An. Không chỉ bảo tồn được những nét kiến trúc truyền thống, có giá trị lịch sử gắn liền với giai đoạn phát triển thịnh vượng của thương cảng    Hội An mà ngôi nhà này còn chứa một kho cổ vật và nhiều nguồn tư liệu có giá trị được con cháu sưu tập và giữ gìn. Vì vậy, khi ghé thăm Hội An, chúng ta không thể không đến đây một lần để chiêm ngưỡng và nghiên cứu.
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây