Nói láo - một sinh hoạt văn hóa Quảng Nam (Tiếp theo kỳ trước)

Thứ năm - 20/03/2014 23:11
Cái chi cũng phải cần một lộ trình. “Cai” nói dóc cũng cần có lộ trình đàng hoàng như cai thuốc lá. Ngày Sơn Nam tiên sinh qua đời, tôi đến viếng vong linh ông. Nhìn ông nằm nghiêm chỉnh trong quan tài, tôi đổ nước mắt khóc và nhớ thương ông. Rồi nghĩ đến kỹ thuật nói dóc của ông và chuyện ông phê phán tôi nói dóc, tôi lại buồn cười. Hỡi Sơn Nam tiên sinh! Tôi đã hứa với ông rằng tôi sẽ cai nói dóc nhưng vẫn chưa bỏ được thói nghiện nói dóc.
         Tháng 10.2008, tỉnh Bạc Liêu tổ chức kỷ niệm ngày ra đời bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ủy ban tỉnh có nhã ý mời tôi về chơi. Tôi trở lại Bạc Liêu trong tâm trạng đứa con trở về nhà mình. Thôi thì ăn chơi mệt nghỉ: Tôi ăn ngon, ngủ tốt, nói cười thoải mái, nghe ca hát, xem nhảy múa tưng bừng. Khi trở về, mấy anh chị còn gửi cho một bịch ni lông bự, trong đó có cá khô, tôm khô và hũ mắm cá chốt.
         Cá chốt Bạc Liêu từng nổi tiếng trong… ca dao. Nó là con cá chốt giấy, trước đây lềnh khênh trong sông rạch Bạc Liêu, bà con câu lên nấu cháo cho heo ăn. Bây giờ, người Bạc Liêu đào vuông nuôi tôm, cua, cá kèo. Cá chốt theo con nước vào vuông, thường trú ở đó; con nào con nấy đều được nuôi dưỡng tử tế, mập mạnh, da dẻ trắng non, mình mẩy tròn lẳn như cánh tay hoa hậu. Nói quý cô tha lỗi, da cá chốt Bạc Liêu còn mịn và láng hơn cả da hoa hậu. Bà con bắt nó làm mắm, dâng cho đời chút hương vị miền quê biển. Tôi không ăn được mắm nên đem hũ mắm tặng cho ông bạn luật sư.
           Luật sư ăn mắm xong, mà rằng:
           - Mắm cá chốt Bạc Liêu ngon quá, ông ạ. Bình thường, xương cá chốt cứng lắm mà sao tôi ăn mắm này lại không thấy xương?
          Tôi lấy phong cách đạo mạo, ân cần giảng giải:
         - Đây là kỹ thuật làm mắm bí truyền của người Bạc Liêu. Anh nên nhớ Bạc Liêu là miền đất hội tụ ba nguồn văn hóa Việt - Hoa - Khmer nên cách làm mắm của bà con cũng có… văn hóa rất đặc biệt. Làm cá chốt sạch sẽ xong đợi đúng giờ Ngọ, người ta mới ủ con cá chốt trong muối. Ủ đúng ba ngày, người ta đem ra dang nắng hai ngày cho thịt con cá mềm ra. Sau đó là một khâu cực kỳ quan trọng: Ông chủ vựa mắm phải đích thân mượn cái nhíp nhổ lông mày của cô em út vợ mình - mà nhớ là nhíp nhổ lông mày chứ không phải là nhổ thứ lông gì khác à nghen - nhẹ nhàng luồn vào thân cá chốt kéo từng khúc xương ra. Quá trình nhổ xương phải nhẹ tay và khéo léo, tránh làm cho thân thể ẻo lả của con cá chốt bị thương tổn. Ông ăn mắm không thấy xương là nhờ vậy.
       Tay luật sư nghe tôi giảng đạo lý làm mắm, phục bà con Bạc Liêu sát đất, lại khen tôi có trí nhớ tốt và hiểu biết sâu về văn hóa làm mắm Nam Bộ. Tuần sau, luật sư tới rủ tôi uống cà phê, chửi:
       - Ông nói dóc tổ mẹ. Tôi điện xuống ông bạn ở Sở Công thương Bạc Liêu hỏi, anh ta bảo có lấy nhíp nhổ xương gì đâu. Chẳng qua là người ta thêm một chất phụ gia vào mắm thì xương cá chốt mềm ra. Làm gì có chuyện ông chủ mượn nhíp nhổ lông mày mà không được mượn nhíp nhổ lông nách của con em vợ? Sao ông nói dóc quá vậy ông?
       Tôi ngoan cường cãi lại:
       - Đừng nóng. Bình tĩnh. Ông có biết tỉnh Minh Hải không?
       - Biết. Mà sao?
       - Sau ngày giải phóng, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nhập lại làm một, gọi là tỉnh Minh Hải. Ở Cà Mau có người nào nói dóc chọc cười danh tiếng?
       - Bác Ba Phi. Mà sao?
      - Tôi sinh ra tại Quảng Nam nhưng lập nghiệp ở Bạc Liêu nên được bà con ở Bạc Liêu coi là dân Bạc Liêu. Mà hễ là dân Bạc Liêu, tôi có ảnh hưởng cách nói dóc của bác    Ba Phi chút đỉnh thì cũng là người Minh Hải ảnh hưởng người Minh Hải. Đâu có gì lạ mà ông nổi nóng? Vô lẽ ở trong cùng địa phương với bác Ba Phi mà việc gì tôi cũng phải nói thiệt với ông?
       Anh bạn luật sư đớ lưỡi, cứng họng. Có thế chứ.
      Nói dóc là cách nói quá sự thật, nói sai sự thật nhằm mục đích tạo ra nụ cười, giúp thỏa mãn nhu cầu giải trí cho người nghe. Người Quảng Nam chúng tôi gọi nói dóc là nói láo; người Quảng Trị gọi nói dóc là nói trạng. Người Quảng Nam có năng khiếu hài hước nên nói láo có ở khắp nơi. Nói láo có tính mục đích rõ ràng, chỉ nhằm chọc cười thiên hạ, không gây ra thiệt hại cho người nghe; không hàm ý lừa gạt, phỉnh phờ người nghe.
      Đất nước ta có một số nhân vật nói láo danh tiếng được nhiều người biết đến như Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai, Tú Xuất, Ba Phi, Thủ Thiệm… Những câu chuyện họ kể lại có thể được người đời sau thêm mắm dặm muối, trở thành những chuyện giải trí thú vị, độc đáo. Tỉnh Quảng Trị có hẳn một làng nói trạng Vĩnh Hoàng. Nhiều câu chuyện của làng nói trạng Vĩnh Hoàng đã được ghi lại trong sách vở.
      Tu từ pháp Việt Nam có phép ngoa dụ, nghĩa là nói quá sự thật. Mục đích của ngoa dụ là nói cho cố để đạt tới mức độ sai sự thật, gây ấn tượng cho người đọc, người nghe. Ca dao đã thể hiện phép ngoa dụ đó: “Lỗ mũi em mười tám gánh lông/ Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho/ Đêm nằm em ngáy pho pho/ Chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà”.
     Ở đây, không thể dùng nhãn quan chính trị để bảo ca dao bêu riếu, thô bỉ hóa hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. Ở đây, đơn giản là nói láo cho vui, thể hiện tình chồng yêu thương vợ đến nỗi cái xấu nhất cũng trở thành cái đẹp nhất. Mà tôi nói thiệt, có cô nào thật bụng thương tôi thì dù trong lỗ mũi có tới… mười chín gánh tôi cũng dám gánh chứ đừng nói mười tám. Ấy là tôi… nói láo nghe chơi vậy chứ nửa gánh đã đủ bỏ của chạy lấy người rồi.
 
(Còn nữa)

Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây