Đình Đế Võng ở Hội An

Thứ hai - 03/03/2014 03:05
Trong quá trình Nam tiến dưới thời các chúa Nguyễn, các làn sóng di cư của cư dân Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ diễn ra mạnh mẽ, trong đó có Quảng Nam. Trong dòng người Nam tiến đó, các vị thủy tổ của tộc Nguyễn Viết và các tộc làng đã chọn đất để lập làng Đế Võng. Nguyên thủy trước đây, cư dân làng làm nghề chài lưới, sống ở ven sông, không có đất. Theo sắc tứ hiện còn tại đình Đế Võng cho biết, làng Đế Võng thuộc tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đình Đế Võng được xây dựng để thờ các bậc tiền hiền của làng, văn bia mộ vị tiền hiền của Tộc Nguyễn Viết đồng thời là tiền hiền của làng Đế Võng đã ghi: Vào khoảng thời Thịnh Đức (1653-1658) và thời Cảnh Trị (1663 -1671) các vị đã cùng một số dân từ miền Bắc đến cư trú ở đây lập làng Đế Võng. Theo phong tục chung của người Việt Nam, đình nơi thờ cúng sinh hoạt chung sẽ xuất hiện ngay sau khi đã định hình làng, xã không lâu. Đình Đế Võng cũng trong quá trình như vậy
Đình Đế Võng ở Hội An
          Trải qua năm tháng và chiến tranh, đình Đế Võng đã qua được nhiều lần trùng tu và chuyển dời vị trí, đặc biệt là lần tu bổ lớn vào năm 2013 và giữ được nét kiến trúc truyền thống như ngày nay. Trước năm 1945, đình vẫn nằm ở vị trí cách hiện nay khoảng 500cm về hướng Tây Nam. Sau năm 1945, trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, đình bị phá hủy nghiêm trọng dân làng quyết định chuyển về miếu Âm linh và tu bổ tôn tạo nơi này thành đình Đế Võng hiện nay. Đình Đế Võng là công trình kiến trúc tín ngưỡng, thờ các bậc tiền hiền khai khẩn làng, các vị âm linh, các vị thần sông nước.
          Đình Đế Võng hiện tọa lạc tại khối Sơn Phô 1, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An. Đình nằm trong khuôn viên đất có tổng diện tích trên 610m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Nhìn tổng thể đình Đế Võng là công trình gồm nhiều hạng mục như tam quan, bình phong, nhà Đông, nhà Tây và Đại đình.
 

Đình Đế Võng - khối Sơn Phô 1, phường Cẩm Châu - Ảnh: Phước Tịnh
 
          Đình cách đường bêtông làng 5m, từ ngoài đường nhìn vào là tam quan, có lắp đặt cửa ra vào theo kiểu thượng song hạ bản, mỗi bộ cửa gồm hai cánh được làm bằng gỗ. Phía trên tam quan đắp nổi 3 đại tự chữ Hán ghi đình Đế Võng và 4 câu đối hai bên. Bên trong tam quan là sân đình rộng, nền láng xi măng được chia thành nhiều ô hình vuông nhỏ. Án ngữ giữa sân là bình phong theo kiểu cuốn thư, mặt trước đắp nổi hoa văn hình con phụng, mặt sau đắp nổi hoa văn hình con rồng, hai bên có tượng lân và rùa đá.
          Đình chính gồm 3 gian hai chái, bố cục theo kiểu “Tiền đình hậu tẩm”, toàn bộ công trình lợp ngói âm dương, bờ nóc đắp vẽ đồ án lưỡng long chầu nguyệt. Hệ cửa ra vào Đại đình làm bằng gỗ theo kiểu thượng song hạ bản, mỗi cửa gồm 4 cánh. Hệ vì kèo liên kết với nhau theo lối nhà rường truyền thống, liên kết kiểu cột trốn kẻ chuyền, trính chồng trụ đội, được chạm trổ hoa văn khá công phu. Hệ thống cột đình gồm 5 dãy cột, mỗi dãy gồm 4 cột chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, mỗi cột đặt trên 1 viên đá táng tròn, nền Đại đình và Hậu tẩm láng xi măng. Hai bên Đại đình là nhà Đông và nhà Tây.
          Hệ thống trang trí trong đình khá sinh động, ở Đại đình được trang trí 4 bức hoành và 2 cặp câu đối sơn màu đỏ, chữ vàng, cùng với đó là 4 án thờ đắp vẽ hoa văn rồng, hoa lá, dơi... Phía sau Đại đình là Hậu tẩm, hậu tẩm là nơi thờ các tiền hiền và Thần hoàng bổn xứ, gồm 3 án thờ. Án thờ giữa đắp nổi đại tự Thần bằng chữ Hán. Hai bên án thờ thần được đắp vẽ hoa văn hình cuốn thư, hoa lá, mây.
        Hàng năm, đình tổ chức tế xuân cúng âm linh vào ngày 15-16/1 Âm lịch, đây là lễ tế lớn nhất của đình, bà con chư phái tộc của làng đều tập trung về đây làm lễ tế rất linh đình.
        Có thể nói, đình Đế Võng là một di tích có giá trị kiến trúc, lịch sử - văn hóa, đình còn giữ lại những nét kiến trúc truyền thống ở Hội An và lưu giữ nhiều tư liệu có giá trị lịch sử văn hóa như địa bạ, bia đá… góp phần cung cấp nhiều nguồn tư liệu quý phục vụ nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển làng xã Hội An. Với những giá trị đó, đình Đế Võng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1991.
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây