Các bạn trẻ tham gia trải nghiệm “Phục hồi san hô” và truyền thông tác hại của rác thải nhựa Ảnh: BQL Khu BTB
Bắt đầu từ thông tin người dân địa phương cung cấp về việc nhiều tập đoàn san hô cứng mọc và phát triển tương đối tốt trên nền các bờ kè bê tông tại Cù Lao Chàm vào khoảng giữa năm 2019, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (BQL Khu BTB Cù Lao Chàm) đã thực hiện giám sát nhanh trên hiện trường và phát hiện 2 khu vực có san hô mới mọc. Một khu vực nằm ở vùng nước chân bờ kè thuộc thôn Bãi Làng có 5 tập đoàn san hô cứng, kích thước tập đoàn lớn nhất đo được có đường kính 40 cm, nhỏ nhất 10 cm. Trong đó chủ yếu là loài Montipora vietnamiensis Veron, 2000. Đây là loài phân bố ở vùng Trung tâm Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, loài này phân bố rộng tại nhiều nơi, thường được tìm thấy tại vùng rạn nông và bờ đá.
Một khu vực vùng nước phía Bắc tại cầu cảng Bãi Hương, chủ yếu là san hô mới mọc, phân bổ dày đặc, đường kính lớn nhất của các tập đoàn san hô phát hiện tại khu vực này khoảng 1m. Phần lớn loài Acropora hyacinthus (Dana, 1846) - là loài phân bố ở Ấn Độ - Thái Bình Dương từ các đảo Mascarene tới Tahiti. Tại Việt Nam, loài này phân bố khắp nơi, có màu kem, nâu hoặc màu xanh lá cây, mép ngoài màu sáng hơn hoặc màu xanh, thường kết thành hình xoắn ốc, nhiều lớp hoặc uốn cong như hình cái phễu. Qua giám sát, khu vực phát hiện các quần thể san hô đang tái sinh là khu vực vốn chịu nhiều tác động từ các công trình xây dựng trên đảo, lại sát khu vực dân cư. Đây là khu vực hoạt động qua lại hằng ngày của phương tiện vận tải tàu thuyền, sinh hoạt của người dân, du khách. Chính vì thế, việc các quần thể san hô tái sinh, mới mọc khá tốt ở những khu vực có nhiều yếu tố tác động như thế này được xem là điều đáng mừng, là dấu hiệu tích cực cho thấy môi trường và chất lượng nước biển ở CLC đang từng bước được cải thiện.
Để có được thành quả đáng mừng này, thời gian qua, cộng đồng và các bên liên quan đã rất nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên biển tại Cù Lao Chàm, cùng với BQL Khu BTB Cù Lao Chàm triển khai nhiều chương trình trải nghiệm thực tế, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên nói chung và các rạn san hô nói riêng. Hiện BQL Khu BTB Cù Lao Chàm đang tiếp tục triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô tại Khu vực biển Cù Lao Chàm”. Việc phục hồi thành công các rạn san hô sẽ góp phần điều hòa môi trường biển, cung cấp dinh dưỡng và nơi cư trú cho nhiều loài thủy sinh và thủy sản quý hiếm ở vùng biển đảo Cửa Đại, Cù Lao Chàm (TP Hội An). Theo đó, phối hợp với cộng đồng dân cư địa phương ươm thành công 3.000 tập đoàn san hô nhanh trên diện tích 2.747m2 tại Bãi Bấc và Bãi Tra với tỷ lệ sống đạt 78,9%. Xây dựng được 2 vườn ươm san hô giống tại Bãi Bò, Bãi Nần với 600 tập đoàn, tỷ lệ sống trên 99%. Kết quả phục hồi san hô ở CLC đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đề tài để ứng dụng vào thực tiễn ở vùng biển Quảng Nam.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình trải nghiệm phục hồi san hô, giám sát, tăng cường các hoạt động tuyên truyền bảo vệ, phục hồi san hô cũng được BQL Khu BTB Cù Lao Chàm triển khai thời gian qua với sự hưởng ứng tích cực của các bạn trẻ, cộng đồng cư dân địa phương. Chi đoàn BQL Khu BTB Cù Lao Chàm cũng đã tổ chức chương trình trải nghiệm “Phục hồi san hô” và truyền thông tác hại của rác thải nhựa đã thu hút hơn 30 đoàn viên đến từ các cơ sở đoàn trên địa bàn TP Hội An.
Tác giả: THU HOÀI
Nguồn tin: baovanhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn