Du khách đạp xe khám phá vùng quê Hội An. Ảnh: Đ.HUẤN
Chương trình chia sẻ xe đạp
Hội An “đất chật người đông”, diện tích tự nhiên chỉ hơn 60km2 , bán kính khoảng 5 – 10km, mật độ dân số khoảng 2.000 người/km2 . Những mùa du lịch khi chưa ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội An quá tải bởi sự tăng nhanh về phương tiện tham gia giao thông. Mùa cao điểm, mỗi ngày khu phố cổ đón khoảng 14 – 15 nghìn lượt khách tham quan nên Hội An luôn đối mặt với ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng: “Hội An bị quá tải về giao thông vì phương tiện bây giờ quá nhiều. Chúng ta phải giải quyết bằng cách điều phối giao thông và xây các bãi đỗ xe. Nhưng phải điều phối giao thông chứ không biết làm bao nhiêu bãi đỗ cho vừa!”.
Trong định hướng quy hoạch và những giải pháp đồng bộ điều phối giao thông nhằm xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch, năm 2019 Hội An chính thức phát động Chương trình sử dụng phương tiện giao thông bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời khai trương hệ thống xe đạp chia sẻ tại thành phố.
Chương trình có sự phối hợp của Tổ chức HealthBridge Việt Nam (HBV) và Tổ chức Hợp tác phát triển của Đức (GIZ/TUMI). Trong đó thành phố đặt mục tiêu “phần lớn dân số sẽ sống và làm việc trong khoảng cách đi bộ và đạp xe nhằm giảm nhu cầu đi lại bằng các phương tiện giao thông cơ giới”, từ đó khuyến khích mọi người đi bộ và đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng như là các phương tiện đi lại chính.
Tầm nhìn của chương trình được xác lập: “Hội An sẽ trở thành một thành phố có khả năng đi lại bằng xe đạp an toàn, thân thiện và kết nối cho mọi người dân và du khách”, hướng tới đạt các lợi ích về phát triển sức khỏe cộng đồng, phát triển môi trường đô thị, phát triển kinh tế địa phương và cải thiện bình đẳng trong giao thông đô thị.
Ông Jan Rickmeyyer – Cố vấn chính sách giao thông Tổ chức Hợp tác phát triển của Đức (GIZ) trao đổi: “Hội An có một cơ hội rất lớn có thể tận dụng chương trình chia sẻ xe đạp để trở thành một thành phố giao thông phi cơ giới bởi cách đây 5 năm tỷ lệ người sử dụng xe đạp ở Hội An đạt 40% và bây giờ chỉ còn 4% thôi. Nếu chính quyền thành phố quyết tâm thì chắc chắn có thể trở thành một thành phố phi cơ giới, một thành phố xe đạp!”.
Thuận lợi sử dụng xe đạp
Đã có thời gian Hội An từng là thành phố có số lượng người sử dụng xe đạp khá cao so với trong nước và là thành phố có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp so với các đô thị trung tâm khác. Ở Hội An, người dân đi xe đạp còn là dịp để giao lưu, chia sẻ tình cảm cho nhau. Họ vừa đi xe vừa gọi nhau ơi ới, gần gũi thong dong...
Nhiều du khách cũng thừa nhận, không ở đâu thích hợp với việc di chuyển bằng xe đạp như Hội An, từ việc lang thang trong những con phố nhỏ nở đầy hoa, đến con đường dọc theo các sông lạch dẫn ra biển Cửa Đại, An Bàng rợp mát bóng cây, hay những con đường bê tông thẳng tắp qua những cánh đồng bát ngát, chạy xuyên qua những ngôi làng xanh sạch, thân tình.
Hội An hội tụ đủ hành trình khám phá thú vị cho một chuyến đi xe đạp. Cùng với các thành phố Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu…, qua mạng lưới báo chí và du khách, đã có thời Hội An từng được bình chọn là 1 trong 5 thành phố tuyệt vời cho xe đạp ở Việt Nam. Và cùng với một số thành phố khác trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), Paris (Pháp), Florence (Ý)…, Hội An cũng từng được Tạp chí dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda bình chọn vào danh sách các điểm đến có cung đường đạp xe lý tưởng nhất thế giới trong các chuyến du lịch.
Hội An, đất không rộng, địa hình đơn giản, hài hòa là ưu thế để người tham gia giao thông sử dụng xe đạp thuận lợi. Nhiều du khách đã chọn xe đạp để làm phương tiện ngao du, khám phá các vùng quê sông nước. Số lượng cơ sở lưu trú như khách sạn, biệt thự, homestay mở dịch vụ cho du khách thuê xe đi thăm thú, dạo chơi quanh thành phố ngày càng tăng.
Mặt khác, Hội An nối với đô thị lớn Đà Nẵng và đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ bằng đường bộ với 2 chiều đi lại, nằm ngoài các trục giao thông liên tỉnh nên xung đột với các loại xe có trọng tải lớn, tốc độ cao... được giảm thiểu, là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông phi cơ giới, giao thông bằng xe đạp.
“Hội An có những ưu điểm, tiềm năng phát triển xe đạp một cách thuận lợi vì liên quan đến quy hoạch của thành phố. TP.Hội An là đô thị nhỏ, khoảng cách di chuyển rất ngắn, bán kính di chuyển khoảng 5km. Đó là điều kiện rất có lợi cho việc phát triển xe đạp bởi xe đạp phát triển phục vụ tốt nhất cho quãng đường dưới 5km. Vì vậy Hội An hoàn toàn có khả năng phát triển thành một thành phố xe đạp” - ông Đinh Đăng Hải (đại diện Tổ chức HealthBridge Việt Nam) nói.
Tác giả: Đỗ Huấn
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn