Bánh ú tro

Thứ năm - 12/09/2013 23:32
Hằng năm, vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch, bà con Hội An và các vùng lân cận như Điện Bàn, Đà Nẵng đổ về phố Hội An để mua bằng được vài trăm bánh Ú Tro về cúng ông bà - tổ tiên và làm quà cho người thân, nhân dịp lễ tết mồng năm lại đến.
         Hôm ấy, đứng bên tôi có một cậu bé ngạc nhiên hỏi mẹ: "bánh đó có ngon không mà sao ai cũng mua vậy mẹ?" Một người phụ nữ khoảng chừng năm mươi tuổi trả lời: "Ừì, không những ngon mà nó còn hàm chứa nhiều ý nghĩa đó con". Tìm hiểu mãi tôi mới biết dân gian truyền rằng: vào thời Chiến Quốc tại nước Sở có một người tên là Khuất Nguyên vừa là một thầy thuốc vừa là một trung thần nhưng không được vua trọng dụng, ông trầm mình tại sông Mịch La thuộc nước Sở vào ngày 5/5 Âm lịch. Từ đó về sau, đến ngày ấy, nhân dân mua bánh ú tro để cúng ông, vì bánh ú tro có bốn góc nên thả xuống nước cá không ăn được. Phong tục đó dần dần được người Việt tiếp thu và chuyển hóa thành tết mồng năm với tục hái lá thuốc và giết sâu bọ khá đặc trưng. Dường như người ta không còn nhớ mình cúng ai vào ngày này nhưng bánh ú tro, thịt vịt, hoa quả thì phải sắm đủ.....

          Du khách đến Hội An đúng vào ngày này thì sẽ bị thu hút vào dòng người tranh mua bánh ú tro. Ôi! những chiếc bánh nhỏ xíu, xếp vào nhau trong những chiếc giỏ tre đầy ắp, với cái màu đất của lá kè bên ngoài sẽ khiến cho bạn sự tò mò xem bên trong có gì. Đó là cái bánh mịn màng với màu vàng óng trong veo, với mùi hương rất lạ, thơm của lá hòa quyện trong hương thơm nồng của bánh làm bạn vừa đưa lên ngửi thì lưỡi đã hỏi thăm. Ngon thật, chiếc bánh vừa mềm dẻo lại vừa dòn sựt sựt, nhưng ăn nó phải có đường cát thì mới hợp gu.

          Tôi không hiểu do đâu mà bánh ngon đến thế, lần lữa mãi một cụ già mới tiết lộ bí quyết cho tôi: muốn bánh ngon phải gói bằng lá kè tại núi ngoài Huế. Nếp phải lựa kỹ không cho lộn gạo, đãi sạch ngâm với nước  tro mè (Cây mè, đốt lấy tro, hòa vào nước, lọc qua hồ cát) để qua đêm.Nước tro pha một ít phèn sa để bánh không bở. Nhờ nước tro mè mà hạt nếp nhuyễn thành bột. Kỹ thuật gói bánh ú tro cũng rất công phu, không phải ai cũng gói được. Để có những chiếc bánh ú tro xinh xắn, đủ góc, có người đã phải trãi qua nhiều năm trong nghề gói bánh.  Chỉ có một muỗng cà phê nếp mà những chiếc bánh được xếp góc vuông vứt, do vậy ông bà ta thường dạy: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Ngoài ra để có những chiếc bánh không sống, không nhão, qua kinh nghiệm cho biết, khi nước sôi thì thắp một cây hương, đến khi hương tàn thì bánh chín. Công phu như vậy, nên tại Hội An hiện nay cũng chỉ còn vài gia đình biết làm loại bánh này.

          Ngày nay, ở Hội An ngày mồng 5/5 còn là ngày hội của bánh ú tro, khoảng 3 - 4 giờ sáng từng đoàn xe đạp thồ, xe máy rầm rầm tỏa về khắp mọi nơi như Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quế Sơn, Đại Lộc để giới thiệu món ăn truyền thống của hai dân tộc Việt - Hoa mà chỉ Hội An mới có.
 
Xem tiếp
 
 
 
 
 
 
 
 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây