Cầu có tên gọi khác là cầu Nhật bản, tên chữ Lai Viễn Kiều do chúa Nguyễn Phúc Chu ban vào năm Kỷ Hợi (1719). Tương truyền cầu do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, Chùa Cầu hiện mang các đặc trưng kiến trúc của Hội An thế kỷ XVIII - XIX. Hiện nay, di tích Chùa Cầu đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, tuy nhiên, di tích đang trong tình trạng xuống cấp và cần sớm được tu bổ, gìn giữ lâu dài.
Để lắng nghe và ghi nhận những ý kiến đóng góp, những giải pháp, những tư vấn khoa học phù hợp, được sự thống nhất cao giữa các nhà quản lý, các chuyên gia khoa học ở các lĩnh vực liên quan, UBND thành phố Hội An sẽ tổ chức Hội thảo khoa học “Trùng tu Chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp” vào ngày 16/8/2016 tại Thành phố Hội An. Hội thảo sẽ tập trung vào 2 nội dung chính gồm : 1/ Quan điểm định hướng cho việc trùng tu Chùa Cầu; 2/ Đề xuất các giải pháp trùng tu bảo tồn di tích Chùa Cầu. Hội thảo lần này sẽ là dịp để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có sự nhìn nhận, đánh giá chân xác nhất về di tích Chùa Cầu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tu bổ bảo tồn di tích này đạt hiệu quả, vừa đảm bảo tính chân xác, vừa đảm bảo tính kỹ thuật, tìm ra một quan điểm bảo tồn đúng hướng cũng như giải pháp tu bổ phù hợp, chính xác, chuẩn mực là điều hết sức cần thiết trong thời gian đến.