Mục đích của hội thảo nhằm trao đổi kết quả nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, xã hội làng xã Quảng Nam - Đà Nẵng từ 1986 đến nay, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi học thuật, hình thành mạng lưới liên kết, hợp tác nghiên cứu giữa hai cơ quan đạt nhiều kết quả hơn trong thời gian đến. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý của Đà Nẵng và Quảng Nam tham gia bài tham luận và tham dự trao đổi tại hội thảo. 14 bài tham luận tham gia hội thảo tập trung vào các nội dung nghiên cứu về: tình hình kinh tế (3 bài: Tác động của nhập cư đối với sự phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng từ 1997 đến nay; Nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình ven biển huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch ở làng rau Trà Quế thành phố Hội An) và tình hình văn hóa - xã hội (11 bài: Nghĩ về sự biến đổi văn hóa làng xã ở tỉnh ta hiện nay; Di sản văn hóa làng nghề ở Quảng Nam – Một số vấn đề đặt ra trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay; Một số ngành nghề đặc trưng và vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của xã đảo Tân Hiệp, Hội An; Văn hóa làng Hội An, những giá trị trường tồn và hướng về tương lai; Một số vấn đề về tổ chức tang lễ ở các làng xã tại thành phố Hội An những năm gần đây; Vài suy nghĩ về biến dổi sinh hoạt làng xã và tộc họ ở Hội An trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay; Bảo tồn và phát huy văn hóa dòng họ tại thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay; Vai trò của dòng họ hiện nay từ góc nhìn đô thị hóa, nghiên cứu trường hợp làng Khái Tây, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; Sự vận động của tín ngưỡng truyền thống trong quá trình đô thị hóa - trường hợp làng biển Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng; Mấy nét về văn hóa truyền thống làng xã ở huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) từ sau khi đất nước đổi mới (1986); Vài nét văn hóa vùng nông thôn Hòa Vang sau 1986 đến nay).
Hội thảo đã lắng nghe 6 báo cáo tham luận của các tác giả và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận trên tinh thần khoa học cởi mở của các đại biểu tham dự về những vấn đề biến đổi làng xã ở Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 1986 đến nay. Hội thảo cũng đặt ra một số vấn đề khoa học liên quan đến chủ đề của hội thảo cần được tập trung nghiên cứu nhận diện trong thời gian tới để từ đó có những giải pháp hỗ trợ định hướng chính sách phù hợp giữa bảo tồn và phát triển.
Một trong những thành công quan trọng của hội thảo là đã tạo được mạng lưới liên kết giữa các nhà khoa học, sự tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong nghiên cứu về lịch sử - văn hóa - xã hội nói chung và về làng xã truyền thống nói riêng ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời gian đến.