Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: Bảo Vy
Tại buổi làm việc, ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc và các cán bộ của Trung tâm đã trao đổi một số nội dung về hoạt động của các làng nghề truyền thống trong điều kiện vừa phát triển vừa bảo tồn di sản, cách người dân thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu như lũ lụt, bão, ô nhiễm môi trường…
Trong chuyến công tác lần này đến Hội An, Giáo sư Graeme Were quan tâm và tìm hiểu sâu những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch xanh tại các địa điểm sinh thái chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như rừng dừa Bảy Mẫu, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng,... Sau buổi làm việc tại Trung tâm, Giáo sư Graeme Were đã đi thăm các bảo tàng, nhà cổ trong Khu phố cổ Hội An và làng gốm Thanh Hà.
Trước đó, vào năm 2016, Giáo sư Graeme Were đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm với chủ đề “
Đổi mới: Hành trình của những ước mơ” khám phá thời kỳ hậu đổi mới từ năm 1986 ở Việt Nam. Năm 2019, Giáo sư Graeme Were đã làm việc với Bảo tàng Đà Nẵng để thực hiện dự án “
Di sản nghề chài và cuộc sống mưu sinh tại Đà Nẵng”. Đặt biệt, vào năm 2016, Giáo sư Graeme Were đã nhận huy chương và bằng khen của Chính phủ Việt Nam vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam.
Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc trung tâm tặng sách cho Giáo sư Graeme Were - Ảnh: Bảo Vy
Hi vọng, với những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực phát triển bảo tàng của Giáo sư Graeme Were cùng những nội dung Giáo sư đang quan tâm tại Hội An sẽ mở ra cơ hội hợp tác về chuyên môn để thành phố Hội An tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn phát huy di sản văn hóa.