Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: Thị Hoài
Đại diện lãnh đạo phòng Tài nguyên Môi trường, Công ty Cổ phần Công trình Công cộng Hội An (PWC) cùng đại diện Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và các chuyên gia đã tham dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Tamoto Norihide, Chuyên gia về chính sách Quản lý nước thải của tổ chức JICA đã trình bày chuyên đề “Hướng tới phát triển đô thị sạch và an toàn từ quan điểm quản lý thoát nước “thông minh”. Chuyên đề gồm ba nội dung chính: Chống ngập đô thị; tăng cường đấu nối vào hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; phục hồi tài nguyên (các chất hữu cơ trong đó có bùn thải).
Về chống ngập đô thị, bên cạnh những giải pháp mang tính cơ giới, ông Tamoto Norihide trình bày những giải pháp mềm liên quan đến hệ thống thông tin hỗ trợ việc giảm ngập úng với công nghệ thông minh để cảnh báo sớm nguy cơ ngập theo thời gian thực. Thành phần hệ thống này bao gồm: Quan trắc và dự báo lượng nước mưa với độ chính xác cao cùng giải pháp radar thời tiết quan trắc lượng mưa, quan trắc mực nước bằng nắp hố ga thông minh, phát hiện khu vực ngập lụt bất kể thời gian và thời tiết với độ phân giải và tần số cao bằng vệ tinh Sar nhỏ, dự báo mực nước và khu vực ngập bằng mô hình mô phỏng dựa trên Al (trí tuệ nhân tạo). Giải pháp hệ thống thông tin này rất cần thiết, phù hợp cho thành phố Hội An trong việc chuẩn bị xây dựng đô thị di sản thông minh.
Để tăng cường đấu nối vào hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, chuyên gia cho biết, các dự án ODA bao gồm các hợp phần cho cống bao, trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải, trong khi đó mạng lưới cống thoát nước chưa được xây dựng/nâng cấp do thiếu kinh phí đầu tư và nhiều hộ gia đình không muốn đào nền nhà. Theo đó, chuyên gia đưa ra các khuyến nghị liên quan đến việc sử dụng ngân sách để hỗ trợ/trợ cấp việc đấu nối, phát triển các cống cấp 3 bằng kinh phí của thành phố.
Trong nội dung về phục hồi tài nguyên (các chất hữu cơ trong đó có bùn thải), chuyên gia đã trình bày những tiềm năng tái sử dụng bùn thải hệ thống thoát nước. Theo đó, ông đưa ra những đề nghị về việc sử dụng bùn thải từ hệ thống thoát nước để làm năng lượng, phân bón hay vật liệu xây dựng, từ đó thiết lập vòng tuần hoàn lý tưởng của nước, bùn thải để kiến tạo một xã hội bền vững.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác đã khảo sát tại Khu phố cổ và nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu để đánh giá thực trạng quản lý nước thải ở Hội An.
Chuyến công tác của các chuyên gia tổ chức JICA cùng những nội dung trong chuyên đề “Hướng tới phát triển đô thị sạch và an toàn từ quan điểm quản lý thoát nước “thông minh”. mà chuyên gia Tamoto Norihide trình bày có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố Hội An trong việc phát triển cơ sở hạ tầng mới, đặc biệt đối với dự án đô thị di sản thông minh mà Hội An đang xây dựng.