Trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do”

Thứ tư - 17/07/2024 00:01
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024); 57 năm ngày giải phóng Nhà lao Hội An (15/7/1967-15/7/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do” tại di tích Nhà lao Hội An.
khai mat khat vong tu do
Khai mạc trưng bày “Khát vọng tự do” - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Trưng bày kể câu chuyện về những chiến sĩ kiên trung, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc, quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với Nhân dân. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ hay hòa mình vào biển sâu khi vượt ngục không thành; có người may mắn được trở về nhưng cơ thể không còn vẹn nguyên. Tất cả những gian khổ, hy sinh ấy đều không ngăn được hành trình đến với tự do của những người con yêu nước, được giới thiệu qua 3 nội dung trưng bày: Xiềng xích; Tung cánh giữa màn đêm Dấu ấn vượt thời gian.

     Nội dung đầu tiên Xiềng xích thể hiện khát vọng tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và những ngày bị bắt, giam trong các nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc), năm 1942 - 1943.

     Dưới chế độ cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc, cuộc sống của người Việt Nam trở nên cùng cực. Trong màn đêm tăm tối, dân tộc Việt Nam phải gồng mình chống đỡ những chính sách bóc lột, nô dịch, khủng bố nặng nề; hệ thống công cụ đàn áp liên hoàn gồm: Tòa án, Sở mật thám, Nhà tù được chính quyền thực dân, đế quốc thiết lập khắp các địa phương.

     Trong chốn “địa ngục trần gian” Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Trại giam Tù binh Phú Quốc, Nhà lao Hội An… kẻ thù cho thi hành chế độ sinh hoạt và lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí những người Việt Nam yêu nước. Không phút buông xuôi, các chiến sĩ cách mạng vẫn quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo, như những cánh chim khao khát tự do, bay đến vùng ánh sáng cách mạng. Đó cũng chính là nội dung thứ hai của trưng bày mang tên: Tung cánh giữa màn đêm!

     Tại Nhà tù Hỏa Lò - “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” đã diễn ra những cuộc vượt ngục “thần kỳ” năm 1932, 1945, 1951 bằng các hình thức: Thăng thiên (trèo tường), Độn thổ (chui cống ngầm) và Vuốt râu hùm (đi qua cửa ngục).

     Nhà lao Hội An, một trong những nhà lao lớn nhất nằm trong hệ thống nhà tù thực dân ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nơi diễn ra các cuộc đấu tranh giải phóng nhà lao năm 1954, 1967 và cuộc vượt ngục ngày 17/1/1964.

     Hay, tại Căng An Trí Phú Bài, ngày 09/3/1945, nhân cơ hội Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Huỳnh Đắc Hương cùng 500 bạn tù phá ngục Phú Bài, trở về tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

     Tại Nhà tù Sơn La diễn ra hai cuộc vượt ngục vào năm 1941 và 1943. Trong số các chiến sĩ cách mạng vượt ngục Nhà tù Sơn La năm xưa, nhiều đồng chí sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước như: đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Văn Trân….

     Nếu vượt ngục trên đất liền đã khó, thì các cuộc vượt ngục giữa khơi xa tại Nhà tù Côn Đảo, Trại giam Tù binh Phú Quốc càng gian nan hơn gấp bội, bởi giữa điệp trùng sóng nước mênh mông, những phương tiện vượt biển thô thường vỡ tan trước những cơn sóng dữ.

     Tại các nhà tù địa phương như: Bắc Ninh, Chợ Chu (Thái Nguyên), Nhà đày Buôn Ma Thuột, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt,… các chiến sĩ cách mạng cũng nhanh chóng tìm đường thoát ngục trở về với cách mạng, với Nhân dân.

     Khép lại trưng bày, nội dung Dấu ấn vượt thời gian, giới thiệu một số đóng góp của các chiến sĩ cách mạng sau khi thoát khỏi các nhà tù thực dân, đế quốc. Bằng niềm tin bất diệt, những người con quả cảm sau khi vượt ngục thành công đã tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tiêu biểu như: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Huỳnh Đắc Hương. Dấu ấn về tinh thần quả cảm trong những cuộc vượt ngục táo bạo năm xưa vẫn lan tỏa như một minh chứng trường tồn cho lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

 
dai bieu tham quan
Các đại biểu tham quan trưng bày “Khát vọng tự do”
 
     Không gian trưng bày được thể hiện qua những gam màu trầm, lạnh với các hình ảnh được đặt cách điệu trong các mắt xích hay trong lưới mắt cáo ở nội dung Xiềng xích. Trong nội dung Tung cánh giữa màn đêm, khắc họa hình ảnh đối lập giữa một bên là sự kiên cố của các nhà tù với khát khao vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng qua hình ảnh ẩn dụ của những cánh chim hướng về tự do. Đóng góp của các chiến sĩ cách mạng sau khi vượt ngục được thể hiện trong nội dung Dấu ấn vượt thời gian.

     Trưng bày “Khát vọng tự do” sẽ góp phần làm cho di tích Nhà lao Hội An thêm nhiều giá trị và trọng trách mới: Là một bảo tàng lịch sử ghi dấu chứng tích tội ác của địch và cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người tù yêu nước; là nơi thề hiện lòng tri ân, đền ơn đáp nghĩa của các thế hệ hôm nay và mai sau với đồng bào, chiến sĩ cách mạng trung kiên, những con người đã nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; Là một “địa chỉ đỏ” có sức lay động, nhân lên niềm tự hào và trách nhiệm của các thế hệ hậu sinh tiếp tục hăng hái lao động, học tập, dựng xây đất nước, quê hương  ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là một thành phố di sản, thành phố anh hùng trong đấu tranh cách mạng và sáng tạo trong lao động.

     Đồng thời, trưng bày lần này cũng sẽ mở ra một hướng tiếp cận đầy đủ hơn, toàn diện hơn và sâu sắc hơn trong nghiên cứu, giới thiệu về Nhà lao Hội An gắn kết với những tư liệu, vấn đề liên quan từ các nhà lao khác; làm cho ký ức của các nhân chứng gần gũi và đầy đủ hơn, tâm thức của các thế hệ hậu sinh sâu sắc và lắng đọng hơn.   

     Và khát vọng tự do của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng năm xưa giờ trở thành khát vọng phát triển đất nước hùng cường của Nhân dân Việt Nam hôm nay.

Tác giả: Nguyễn Trần Cẩm Giang

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây