Trong một lần làm việc với nhà báo Dominique Foulon - phóng viên báo tiếng Pháp: Carnets du Việt Nam về công tác bảo tồn di sản văn hóa Hội An, ông đã tặng Hội An hai bức ảnh xưa về Chùa Cầu. Một bức ảnh Chùa Cầu có góc ghi hình từ hướng Nam, với nhiều người mặc trang phục truyền thống đứng tựa lan can cầu, có một số trẻ em cởi trần đứng ở dưới khe nước Chùa Cầu. Góc bên phải bức ảnh có ghi chữ: 12 bis - Faifo. Pont Japonais. Bức thứ 2 được dùng như một post card, có dán tem bưu điện: Indochine, đóng dấu bưu cục Faifo. Đây hình chụp về Chùa Cầu ở góc độ máy theo hướng Đông Tây hoặc Tây Đông. Trong ảnh có một số người mặc áo dài khăn đóng, phụ nữ mặc áo tứ thân, đầu chít khăn. Dưới bức ảnh có in dòng chữ: N: 41 - ANNAM - FAI - FOO - LE PONT JAPONNAIS. Về niên đại và tác giả 2 bức ảnh thì chúng tôi chưa rõ nhưng nhìn vào phong cách ăn mặc của người trong ảnh, bước đầu đoán định là ảnh có thể chụp trong khoảng thời gian 1910 - 1930. Đây là hai tư liệu ảnh quý và mới, chưa từng thấy trước đây, góp phần bổ sung nhiều thông tin về kiến trúc Chùa Cầu và trang phục người Hội An đầu thế kỷ XX.