Chùa Cầu

Thứ sáu - 30/08/2013 05:08
Cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An với tên gọi đã đi vào ca dao, dân ca ở Hội An - xứ Quảng đó là Chùa Cầu, còn có tên gọi khác là Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều, do Chúa Minh Vương - Nguyễn Phúc Chu đặt năm Kỷ Hợi - 1719. Cầu nằm ở cuối đường Trần Phú và đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai.
         
Chua Cau 1

Chùa Cầu Hội An - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
Chua Cau 4

      Trên tấm bia đá dựng năm Đinh Sửu - 1817 hiện còn lưu giữ tại đây cho biết: Tương truyền Cầu do người Nhật xây dựng. Như vậy Cầu chắc hẳn được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, còn hiện trạng kiến trúc hiện nay được tái tạo vào thế kỷ XVIII, XIX sau mỗi lần tu sửa bởi cư dân Hoa - Việt. Cầu nằm ở phía Tây khu phố cổ hiện nay, nối đường Trần Phú (Rue du pond de Japonnais) với đường Nguyễn Thị Minh Khai (Rue Khải Định), thông qua một lạch nước, vốn là khe Ồ Ồ/ ào ào (nước chảy rất mạnh) chảy từ phía Bắc ra sông Hội An. Ngoài Cầu còn có thêm phần miếu thờ Thần Bắc Đế Trấn Võ (Huyền Thiên Đại đế), theo tín ngưỡng của người Trung Quốc đây là vị thần trấn ngự tại núi Nhạc ở phương Bắc. Miếu này tục địa phương gọi là Chùa, nên ghép với Cầu thành tên gọi chung là Chùa Cầu. Phần móng và trụ xây bằng đá, bộ khung kết cấu và sàn bằng gỗ, có mái lợp ngói âm dương theo kiểu "thượng gia - hạ kiều" (trên có mái nhà, dưới là Cầu). Bộ khung Cầu chia làm 7 gian vắt qua 2 mố cầu, kết cấu hệ mái của cầu có sự kết hợp rất độc đáo giữa "đấu củng", "tay ngai". "trụ đội", "cột trốn". Miếu/Chùa gắn liền với Cầu thành hình chữ T và được ngăn cách bởi một hệ cửa thượng song hạ bản, vách ván. Kết cấu mái của miếu/chùa theo kiểu trính chồng - trụ đội. Đặc biệt hệ bờ nóc, bờ chảy/bờ hồi trên mái ngói âm dương được tập trung trang trí, thể hiện rất tinh xảo của nghệ nhân nề, với những đề tài: rồng, quả cầu - mây lửa, hình dao lá... kết hợp khá sinh động. Hai cặp tượng chó (linh cẩu) và khỉ (thần hầu) bằng gỗ được thờ hai đầu cầu. Đây là hai con vật gắn với tín ngưỡng thờ linh vật của cư dân phương Đông. Tương truyền ban đầu cầu do người Nhật xây dựng ngoài chức năng giao thông qua - lại một con lạch lớn. Còn mang một hàm ý sâu xa nhằm trấn yểm thủy quái với hình ảnh chiếc cầu giống một thanh đoản kiếm đâm xuống lưng một con Cù - quái vật có đầu ở Ấn Độ, lưng ở Hội An, đuôi nằm Nhật Bản, nó thường hay gây tai họa cho con người (lũ lụt, động đất...). Sau đó, để yên tâm hơn, người Hoa cùng người Việt đã lập miếu, thỉnh ngài Bắc Đế Trấn Võ ở phương Bắc về thờ. Ngài còn có tên là Huyền Thiên đại đế, mặt đỏ dữ tợn, tay cầm con rắn, chân đạp trên con rùa, tư thế luôn sẵn sàng diệt thủy quái - Con Cù để che chở cho người dân nơi đây. Chính vì thế Cầu và miếu/chùa đã gắn chặt với nhau gần 400 năm lịch sử, trở thành biểu tượng độc đáo về sự giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản - Trung Hoa. Chùa Cầu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia theo quyết định số 506 - VH - QĐ ngày 19/3/1985 của Bộ Văn hóa.
 
Xem tiếp 
 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây