Vai trò của cộng đồng trong phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Thứ tư - 07/10/2020 23:06
“Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể luôn phải lưu ý đến việc huy động sự tham gia của các cộng đồng; đặt quyền lợi và lợi ích của cộng đồng lên trên hết”- PGS,TS. Bùi Hoài Sơn- Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định.
gia ve tham quan hoi an 5

Phố cổ Hội An

Theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn, cộng đồng có vai trò đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Các hoạt động liên quan đến di sản được tổ chức bền vững là nhờ sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng dân cư địa phương. Nhiều ví dụ cho thấy, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức thiếu sự tham gia của cộng đồng, không phù hợp với cộng đồng đều không thể tổ chức tiếp tục và không mang tính bền vững. Đó chính là lý do, càng gần đây, người ta càng chú ý nhiều hơn đến vai trò của cộng đồng, văn hóa địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để vừa tạo ra bản sắc độc đáo của văn hóa địa phương, vừa kích thích sự chủ động, tích cực của người dân trong việc tổ chức và tham gia hoạt động liên quan đến di sản.

Để nâng cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng cần lưu ý đến một số vấn đề mang tính nguyên tắc như sau:

Cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đây là điều kiện căn bản để người dân có thể chủ động tích cực tham gia vào tổ chức hoạt động di sản văn hóa phi vật thể ngay từ ban đầu. Người tổ chức hoạt động cần tham khảo ý kiến người dân địa phương, tạo điều kiện để họ tham gia vào quá trình lên kế hoạch tổ chức hoạt động này, từ đó, đảm bảo cho sự khởi đầu của việc tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành công.

Cộng đồng phải được tham gia vào việc tổ chức hoạt động vảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Khi cộng đồng trực tiếp tham gia vào các hoạt động sẽ tạo ra những dấu ấn mang tính mộc mạc, chân thực của riêng họ mà không đoàn văn công, nghệ thuật chuyên nghiệp nào có thể làm được. Điều này chắc chắn được đánh giá cao bởi du khách, khán giả- những người đóng vai trò quyết định đánh giá một thành công của một hoạt động.

Cộng đồng phải được tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. PGS,TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, người dân cần phải là một thành phần tham gia vào quá trình đánh giá đó để thể hiện ý kiến của chính họ, những lợi ích thật sự mà họ được hưởng chứ không phải là do những người bên ngoài đánh giá. Bên cạnh đó, qua quá trình  tham gia đánh giá hiệu quả, người dân có thể hoàn thiện việc tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tốt hơn từ những kiến thức mà họ có.

Đặc biệt, cộng đồng phải được hưởng lợi từ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Xét cho tới cùng, lợi ích là một yếu tố chi phối rất nhiều đến việc tổ chức hoạt động. Lợi ích của việc tổ chức một hoạt động không chỉ dừng lại ở mặt tài chính mà còn phải được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Từ phương diện cộng đồng, những lợi ích này có thể là việc củng cố và phát huy hình ảnh địa phương, niềm tự hào của người dân hay những lợi ích lâu dài, gián tiếp khác…

Để phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn đã có một số kiến nghị như: Gắn các sinh hoạt văn hóa cổ truyền với các di tích; người dân địa phương phải chủ động tham gia vào các sinh hoạt văn hóa cổ truyền; chính quyền địa phương cần tạo những hành lang về chính sách cho việc phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; quảng bá hình ảnh du lịch ở Hội An gắn liền với những giá trị di sản văn hóa phi vật thể để du khách thấy một Hội An sống động hơn; phục hồi các sinh hoạt văn hóa cổ truyền ở Hội An, trong đó chú trọng sinh hoạt có khả năng thu hút khách du lịch; chú ý đến vai trò của các nghệ nhân và các bang trưởng trong việc phục hồi và tổ chức các sinh hoạt văn hóa cổ truyền…

 

Tác giả: TH

Nguồn tin: quangnam.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây