Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống ở Hội An

Chủ nhật - 23/04/2023 21:47
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Đô thị thương cảng Hội An xưa thì các nghề/làng nghề thủ công luôn giữ một vai trò quan trọng. Đó là kết tinh của quá trình lao động đầy sáng tạo, năng động của các lớp cư dân kế tục nhau cư trú trên mảnh đất Hội An có sự giao lưu tiếp biến văn hóa Đông - Tây.
      Sự có mặt nhộn nhịp của các nghề/làng nghề truyền thống ở Hội An trên các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, đến các nghề thủ công, nghề buôn bán, dịch vụ,... trong nhiều thế kỷ trước đây đã góp phần tạo nên sự phát triển phồn thịnh cho Đô thị thương cảng Hội An; quá trình đó cũng là biểu hiện sinh động của quá trình đô thị hóa, quá trình hình thành các đô thị theo kiểu phương Đông, mà Hội An là một trường hợp tiêu biểu1. Nhận thức được tầm quan trọng của di sản nghề truyền thống, trong nhiều thập kỷ qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các nghề/làng nghề truyền thống ở Hội An luôn được cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Với những bước đi riêng của mình, Hội An đã có những cách làm sáng tạo và đạt được những thành quả quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề/làng nghề trên nhiều phương diện.
 
trinh diem moc kim bong
Trình diễn nghề mộc trong dịp giổ tổ nghề mộc Kim Bồng - Ảnh: Hồng Việt
 
      Về công tác nghiên cứu, kiểm kê nhận diện giá trị bộ phận di sản văn hóa nghề/làng nghề: Qua kết quả khảo sát, nghiên cứu thống kê nhận diện của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 50 nghề truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương vẫn được duy trì và phát triển, bao gồm các nhóm thủ công mỹ nghệ, dịch vụ - khai thác, chế biến - gia công và một số nghề đặc biệt khác. Đến nay, phần lớn các di sản nghề truyền thống này đã được nghiên cứu nhận diện cơ bản các thông tin về lịch sử hình thành, phát triển, chủ nhân thực hành di sản, quy trình sản xuất chế biến sản phẩm, thực trạng về quy mô sản xuất, tình hình nghệ nhân, lao động, địa bàn sản xuất, thị trường tiêu thụ, các loại hình dịch vụ chuyên biệt khác,... qua đó tạo nguồn dữ liệu khoa học phục vụ công tác nghiên cứu phát huy bộ phận di sản quan trọng này.

      Từ công tác nghiên cứu, sưu tầm, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã biên soạn, in ấn hơn 20 ấn phẩm có giá trị về lịch sử văn hóa Hội An, trong đó có nhiều ấn phẩm trực tiếp giới thiệu về các nghề/làng nghề ở Hội An như Văn hóa ẩm thực Hội An, Công cụ đánh bắt sông nước truyền thống ở Hội An, Nghề truyền thống Hội An, Làng rau ở Trà Quế, Múa thiên cẩu ở Hội An,… đồng thời, thực hiện hàng nghìn ảnh khảo tả và hàng chục phim tư liệu về nghề truyền thống. Đặc biệt, Trung tâm đã tiến hành nhiều đợt nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, hiện vật lịch sử quý liên quan đến các nghề/làng nghề truyền thống để hình thành nên các bảo tàng chuyên đề hết sức độc đáo trong Khu phố cổ Hội An như Bảo tàng Văn hóa dân gian, Bảo tàng Nghề y truyền thống.

      Việc xây dựng hồ sơ đề nghị các cấp công nhận, chứng nhận các danh hiệu cho các nghề/làng nghề cũng được các ngành chức năng thành phố thực hiện thường xuyên. Tính đến nay, thành phố Hội An đã có 03 làng nghề và 01 phố nghề được UBND Tỉnh công nhận gồm Làng mộc truyền thống Kim Bồng (2004), làng gốm Thanh Hà (2014), làng rau Trà Quế (2016); phố nghề đèn lồng Hội An, khối An Hội, phường Minh An[1]. Đặc biệt, các nghề khai thác yến Thanh Châu, nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế đã được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

      Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ sơ công nhận nghệ nhân các cấp cho các nghệ nhân có đóng góp cho quá trình phát triển nghề cũng luôn được chú trọng. Đến nay, Hội An có 01 Nghệ nhân nhân dân do Chủ tịch nước công nhận là ông Huỳnh Ri (nghề mộc Kim Bồng), 02 Nghệ nhân ưu tú gồm các ông Huỳnh Văn Ba (nghề làm đèn lồng) và ông Huỳnh Sướng (nghề Mộc Kim Bồng)[2].
      Công tác đào tạo nghề nhằm tạo ra đội ngũ thợ trẻ kế cận cho các nghề quan trọng cũng được các cơ quan chuyên môn và các địa phương quan tâm triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả, tạo được ngồn lao động có tay nghề cao để duy trì và phát triển các nghề.
 
lang rau tra que
Làng rau Trà Quế - Ảnh: Quang Ngọc

      Công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa gắn với nghề/làng nghề được Hội An đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và thành phố, Hội An đã tiến hành đầu tư tu bổ, tôn tạo cho hơn 20 di tích kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng liên quan đến lịch sử hình thành các nghề/làng nghề truyền thống trên địa bàn. Qua tu bổ, nhiều di tích được phát huy tốt vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, vừa tạo thành những điểm tham quan lý thú cho du khách trong hành trình trải nghiệm các làng quê, làng nghề tại Hội An.

      Việc phục hồi các lễ hội/lễ lệ gắn với các nghề thủ công truyền thống luôn được chú trọng nghiên cứu phục hồi và tổ chức thường xuyên, trở thành những ngày hội lớn, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng cư dân các địa phương như lễ Giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng, Giỗ Tổ nghề yến ở Cù Lao Chàm và Cẩm Thanh, Giỗ Tổ nghề gốm Thanh Hà, lễ Cầu Bông làng rau Trà Quế, lễ cầu ngư ở Cửa Đại, Ngày hội cây quật cảnh xã Cẩm Hà, Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam. Cùng với đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian như bài chòi, trình diễn các làn điệu dân ca, nghệ thuật tuồng, hát bả trạo, các trò chơi dân gian,… cũng được phục hồi, tổ chức trong các dịp lễ/hội nghề,… tạo thêm sinh khí mới ở các làng quê/làng nghề truyền thống. Những hoạt động này đã làm tăng thêm tính cố kết cộng đồng, góp phần tôn vinh di sản nghề truyền thống của cha ông; đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm thú vị ở các làng nghề truyền thống ở Hội An đối với du khách trong nước và quốc tế.

      Việc đầu tư cơ sở vật chất, gắn với phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống được đẩy mạnh. Trên cơ sở vận dụng các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh, thành phố Hội An cũng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề án, phương án phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống[3]. Theo đó, trong kế hoạch công tác hàng năm, Thành phố cũng đã phân bổ nguồn vốn để các ngành chức năng và các địa phương từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng và phát triển làng nghề gắn với du lịch. Đến nay, các làng nghề quan trọng của Hội An như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, làng nghề làm tre dừa Cẩm Thanh,… đã được quan tâm đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như bãi xe, đường giao thông, cầu cập, các khu vệ sinh công cộng, các nhà đón tiếp khách, điểm dừng chân,… bước đầu để tổ chức phục vụ khách du lịch với tư cách là những điểm tham quan có thu phí. Trong đó, nhiều làng nghề tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ này mang lại nguồn thu đáng kể cho các ngân sách địa phương và thu nhập của người dân, doanh nghiệp thông qua hoạt động du lịch.

      Công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về nghề truyền thống luôn được thực hiện thường xuyên thông qua các sự kiện văn hóa - chính trị, lễ hội hàng năm được tổ chức trên địa bàn thành phố. Hội An cũng đã có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các ngày hội nghề, các hình thức chợ phiên, các hội diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giao lưu với các địa phương trong và ngoài thành phố với sự tham gia tích cực và sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp. Song song với việc quảng bá, xúc tiến thương mại, việc xây dựng thương hiệu, Logo, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống cũng được quan tâm triển khai thực hiện. Qua quá trình xây dựng hồ sơ, đăng ký đề nghị, đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nghề truyền thống có giá trị thương mại cao của thành phố[4], qua đó đã khẳng định được giá trị, nâng cao uy tín và thương hiệu của các sản phẩm nghề truyền thống của Hội An.

      Nhìn chung, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các nghề/làng nghề truyền thống ở Hội An trong thời gian qua đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận; hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tổ chức các loại hình dịch vụ tại các cơ sở nghề/làng nghề truyền thống cũng đã mang lại những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, nhất là khu vực nông thôn, qua đó giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, việc giữ gìn phát triển nghề/làng nghề truyền thống cũng góp phần quan trọng bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi làng/xã; tạo cơ hội giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế xã hội thông qua hoạt động du lịch - dịch vụ, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Hội An. Đặc biệt, các làng nghề truyền thống của Hội An với những nét đặc trưng về cảnh quan sinh thái, không gian kiến trúc độc đáo với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đặc trưng riêng có và giàu bản sắc cũng đã trở thành những điểm tham quan du lịch trải nghiệm hấp dẫn, góp phần quan trọng làm đa dạng các loại hình/sản phẩm du lịch - dịch vụ của Hội An, tạo nên những hấp dẫn lớn thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với thành phố trong nhiều năm qua.

Tài liệu trích dẫn:
1 Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (2008), Nghề truyền thống Hội An, in tại Công ty Cổ phần in Dịch vụ Quảng Nam, Giấy phép xuất bản số: 031/GP-SVHTT, do Sở Văn Thông tin Quảng Nam cấp, ngày 20/3/2008, tr.32.
[1] UBND thành phố Hội An (2022,) “Phát triển và quản lý làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hội An”, Tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn và phát triển nghề truyền thống - Tháo gỡ khó khăn, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm nghề, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 21/5/2022, tại thành phố Hội An.
[2] UBND thành phố Hội An (2022), “Phát triển và quản lý làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hội An”, Tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn và phát triển nghề truyền thống - Tháo gỡ khó khăn, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm nghề, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 21/5/2022, tại thành phố Hội An.
[3] Nghị quyết số 32/NQ-HĐND, ngày 29/12/2016 của HĐND thành phố Hội An về việc thông qua Đề án “Xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái Cẩm Kim, giai đoạn 2017-2025”; Quyết định số 1766/QĐ-UBND, ngày 19/9/2019 của UBND thành phố về phê duyệt Phương án phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An; Quyết định số 1780/QĐ-UBND, ngày 23/9/2019 của UBND thành phố về phê duyệt Phương án khôi phục và phát triển du lịch tại làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An.
[4] Sản phẩm đèn lồng Hội An được cấp chứng nhận (ngày 14/7/2006), mộc Kim Bồng (ngày 18/12/2008), gốm Thanh Hà (ngày 19/8/2009), tre dừa Cẩm Thanh (ngày 02/10/2012) và rau Trà Quế - Cẩm Hà (12/3/2009).

Tác giả: Quảng Văn Quý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây