Nhà thờ phái nhì tộc Trần Thanh - Khối Tu Lễ - Phường Cẩm Phô

Thứ tư - 04/09/2013 03:14
Bên cạnh các di tích là công trình kiến trúc tín ngưỡng thuộc thiết chế văn hóa làng xã xưa, trên mảnh đất phường Cẩm Phô hiện nay còn hiện diện rất nhiều các di tích thuộc loại hình công trình kiến trúc tín ngưỡng thờ tộc họ. Có lẽ tiêu biểu hơn cả trong số các di tích thuộc loại hình này nằm ngoài không gian khu phố cổ là ngôi nhà thờ phái nhì tộc Trần Thanh.
           

Nhà thờ tộc Trần Thanh -Khối Tu Lễ - Phường Cẩm Phô

           Ngôi nhà thờ tọa lạc ở đoạn cuối của doi đất cổ, trong không gian khá thoáng đãng thuộc xứ đất Hậu Xá, ấp Tu Lễ, làng/xã Cẩm Phô xưa. Bao bọc từ phía bắc về phía đông - đông nam là ruộng lúa và ao vườn, khoảng 100m về phía bắc là dòng chảy khe Ồ Ồ men theo bờ tre đổ về khu ruộng rau muống đối diện chùa Pháp Bảo trước khi xuôi lạch Chùa Cầu để hợp lưu với dòng chảy sông Thu Bồn. Không xa về phía nam - đông nam là khu phố cổ Hội An với những loại hình di tích mang đậm dấu ấn của một thời vàng son.

           Ngôi nhà thờ có mặt tiền xoay về hướng đông bắc, không có tường rào bao bọc bảo vệ. Án ngự phía trước là bức bình phong hình cuốn thư xây bằng gạch, có kích thước chiều cao là 1m50, rộng 2m. Bức bình phong được quét vôi màu vàng, đỏ, chính giữa mặt trong là chữ “Phúc” đắp nổi bằng mảnh sứ. Ngăn cách giữa bình phong và chính điện là sân xi măng khá rộng, có diện tích: 7m x 10m. Ngôi chính điện làm theo kiểu ba gian hai chái, kết cấu chịu lực bằng gỗ, vì kèo kiểu kẻ chuyền kết hợp với vì vỏ cua, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc đắp nổi tạo dáng hơi cong hình thuyền, bờ chảy giật cấp uốn lượn trông thật uyển chuyển mềm mại. Tường bao xây bằng gạch vữa vôi và được quét vôi màu vàng. Đặc biệt, tường ở phía trên mái chái đắp nổi hình con dơi màu vàng, tuy thoáng nhìn thì dáng vẻ không được mạnh mẽ lắm nhưng lại toát lên một sức sống mãnh liệt. Tường hồi đều trổ ô cửa nhỏ có gắn khuôn bông bằng sứ màu xanh. Từ những ô cửa này, ánh sáng chiếu vào bên trong tạo nên không gian thiêng liêng tôn kính của nội thất ngôi chính điện. Ngoài ra, sự giao hòa màu sắc giữa các thành phần của công trình kiến trúc như màu vàng vôi của tường bao, màu nâu đỏ của mái ngói và màu nâu xám của gỗ cũng gợi cảm giác gần gũi ấm áp khi bước chân vào nhà thờ.
             Gian hiên có diện tích hạn chế hơn so với các gian khác song đây là vị trí mà các chi tiết kiến trúc được chạm trổ khá tỉ mỉ, tinh tế và công phu tạo nên vẽ đẹp, sức hấp dẫn của ngôi nhà thờ. Hệ mái hiên được đỡ bởi hàng cột vuông đặt trên những viên đá táng sa thạch hình vuông có chạy chỉ ở các mặt để giảm bớt nét thô cứng. Hệ mái hiên cấu tạo theo kiểu vỏ cua. Kèo vỏ cua được chạm trổ tinh vi thành hình hai thanh kiếm quấn dải lụa giao chéo nhau để đỡ các cây đòn tay, bẩy hiên chạm hình đuôi cá vắt lên đỡ đòn tay cuối cùng của mái. Diềm mái bo cong, vị trí kết thúc của các vồng ngói gắn trang trí các đĩa sứ màu xanh.

           Nội thất ngăn cách với gian hiên bởi hệ thống cửa mặt tiền với 3 bộ cửa kiểu “Thượng song hạ bản”, mỗi bộ cửa có 4 cánh. Khung chịu lực của nội thất làm bằng cột gỗ tròn đặt trên các chân tảng bằng đá hoa cương màu xám và vàng nhạt. Chân tảng có cấu tạo 3 tầng, gồm 2 viên đá chồng lên nhau. Viên phía trên hình tròn, viên phía dưới chia thành hai phần, trên hình bát giác dưới hình vuông. Vì kèo cấu tạo theo kiểu “kẻ chuyền”. Kèo, trính và một số chi tiết kiến trúc khác được tạo dáng mềm mại bởi các gờ chỉ, đuôi kèo cách điệu. Phía trên xuyên có pano song tiện áp mái.

            Nội thất được trang hoàng bởi các bức hoành phi, liễn đối và nhiều chi tiết chạm trổ trang trí khác góp phần tăng thêm vẻ đẹp, tính linh thiêng của di tích. Trên xuyên liên kết các cột hàng nhất tiền treo bức hoành gỗ đề chữ “Trần Từ Đường”, màu vàng trên nền đỏ ở gian chính giữa. Hai bên tả, hữu treo hai bức họa đề tài trúc điểu và hoa điểu. Phía trước bức hoành gỗ là chiếc đèn treo kiểu Pháp và cặp lồng đèn cổ dán giấy trong vẽ màu. Bốn cột cái treo hai cặp liễn đối, cặp phía trước đề: “Tổ công phụ đức thiên niên thịnh; Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”. Tạm dịch: Tổ công tông đức ngàn năm thịnh; Con hiếu cháu hiền vạn đại vinh, cặp phía sau đề: “Cổ nhân tích đức vi khả kế; Gia truyền phước thiện hữu thái lai”. Tạm dịch: Người xưa tích đức nên kế tục; Nhà truyền phước thiện ắt thái lai. Gian thờ nằm sát tường, phía trước gian thờ trang trí các bức chạm trổ khá tỉ mỉ và tinh xảo các đề tài hoa quả, hoa lá, bát cát tường, mai điểu, chữ “Thọ”... Đặc biệt, các bức chạm trước án thờ chính đều được sơn son thếp vàng, phía trên là bức hoành thời Bảo Đại đề chữ “Trần Từ Đường” màu vàng trên nền màu nâu cánh dán. Phía dưới bức hoành là xà cò ghi niên đại trùng tu của di tích. Gian thờ bố trí 3 án thờ sát tường hậu và 2 bệ thờ trên vách tường hồi. Hai bệ thờ đề chữ “Tả ban”, “Hữu ban”. Ba án thờ xây bằng gạch, mặt trước đắp vẽ cách điệu tạo thành hình chân quỳ, bên trên đặt bộ tam sự, bình hoa và giá kỉnh. Phía sau án thờ chính đắp khám thờ bằng các vật liệu tre, rơm, vôi ghè, ngói đất nung... Khám thờ được đắp rất khéo léo, mặt trước vẽ các đề tài cát tường, hoa lá... màu vàng trên nền màu đen, phía trong khám thờ đề hai chữ “Lịch đại” màu vàng nhạt trên nền màu đỏ. Phía sau hai án thờ còn lại không đắp khám thờ mà chỉ vẽ các mảng màu. Trên tường, xen kẽ giữa ba án thờ là bốn câu đối chữ màu vàng trên nền màu đỏ gồm: “Tụy tụ tinh thần chương kính trọng; Gia truyền hiếu hữu phụ thanh danh”. Tạm dịch: Tụ hội tinh thần người kính trọng; Nhà truyền hiếu hữu tiếng vang xa, “Tự cổ sáng thùy vi khả kế; Chí kim viễn cửu hựu lưu phương”. Tạm dịch: Xưa vốn sáng thùy nên kế tục; Đến nay mãi mãi tiếng thơm xa.

            Hiện nay vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào để xác định chắc chắn niên đại xây dựng của ngôi nhà thờ, song một điều không thể phủ nhận là trải qua quá trình sử dụng lâu dài, dưới tác động bởi các yếu tố bất lợi của thời tiết nên ngôi nhà thờ từng bị xuống cấp và đã được các thế hệ con cháu trong phái nhì tộc Trần Thanh góp công góp của trùng tu tôn tạo nhiều lần. Lần trùng tu lớn nhất được ghi lại trên xà cò là vào năm Bảo Đại thứ 14 - 1939 (Bảo Đại thập tứ niên thập nhị nguyệt, thập lục nhật Trần Thanh đệ nhị phái bản phái đồng trùng tạo).

           Nhà thờ tộc họ là loại hình di tích khá phổ biến ở Hội An, song hiện nay các di tích thuộc loại hình này được bảo tồn gần như nguyên vẹn các vẻ đẹp kiến trúc, mỹ thuật cổ thì không nhiều. Nhà thờ phái II tộc Trần Thanh là một trong số ít các di tích bảo tồn được nguyên trạng các giá trị đó, là bộ phận của di sản văn hóa Hội An

Xem tiếp

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây