Biểu diễn du hồ

Thứ năm - 12/09/2013 04:37
Biểu diễn du hồ là một trong những hoạt động văn hóa độc đáo của cộng đồng người Hoa, người Minh Hương ở Hội An trong nhiều trăm năm trước. Trên thực tế biểu diễn du hồ đã phục vụ tích cực cho những hoạt động lễ hội của người Hoa như các đám rước cộ, rước kiệu, nghinh thỉnh, các đám du hành chúc phúc trong các dịp lễ lớn như Quốc khánh, tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Trung thu…, tạo thêm không khí vui tươi, khí thế trong các dịp lễ hội.
          Sau một thời gian khá dài (từ trước 1975), do nhiều nguyên nhân hoạt động du hồ đã bị mai một, thất truyền. Các nhạc khí bị thất lạc, những người biểu diễn bị lãng quên và dần dần qua đời. Hiện nay, những người hiểu biết về hoạt động này tại Hội An là rất hiếm, cho nên việc điều tra, nghiên cứu và khôi phục lại hoạt động này là hết sức cần thiết để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và tham quan du lịch của địa phương.
         Theo nhiều vị cao niên, hoạt động biểu diễn du hồ có nguồn gốc xuất phát từ hoạt động du hồ bát bửu của người Triều Châu (Trung Quốc). Sau khi sang Hội An sinh sống, người Triều Châu không chỉ chú trọng thương nghiệp mà họ còn phát huy những nét văn hóa truyền thống, trong đó có du hồ. Thực tế, hoạt động này đã phục vụ rất tích cực, làm tăng vẻ sôi động, khí thế cho các đám rước; lễ hội truyền thống… Trước đây người Hoa tại Hội An, mà cụ thể là Trung Hoa hội quán, có sự phân công cho các bang chịu trách nhiệm từng phần trong các đám rước lớn, trong các ngày đại lễ… Thông thường thì bang Phước Kiến chịu trách nhiệm phần kiệu, bang Quảng Đông lo múa thiên cẩu, bang Hải Nam múa chút chít còn bang Triều Châu thì phụ trách du hồ.
         Về nguồn gốc du hồ có người còn cho rằng, đây là một hoạt động xuất phát từ việc biểu diễn, tuần du trên sông nước nên mới có tên như vậy. Họ cho rằng du (游) có nghĩa là bơi, lội; hồ (湖) có nghĩa là hội nước, hai chữ du hồ có nghĩa là hoạt động biểu diễn trên sông nước. Nhưng theo thực tế thì hai từ này không có nghĩa như vậy, vài âm du hồ không phải đọc theo âm Hán Việt mà đọc theo tiếng Quảng Đông (Trung Quốc).
          Nhiều người Hoa am hiểu và đã từng học tập, sinh sống tại Chợ Lớn Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, hai chữ du hồ là đọc theo âm Quảng Đông còn đọc theo âm Hán Việt là Du Hạ (遊 賀) có nghĩa là “du hành chúc hạ, du hành để chúc mừng”. Thực chất trước đây tại Hội An hoạt động du hồ chủ yếu là hòa âm trên đường phố để chúc mừng quốc khánh, tết Nguyên đán, Nguyên tiêu hay chào mừng quan khách, lãnh tụ về thăm Hội An, nên việc lý giải này có thể chấp nhận được .
           Hoạt động du hồ có mặt ở Hội An khoảng trước thời pháp thuộc không lâu và hoạt động này cực thịnh vào khoảng thời kỳ Pháp thuộc. Trong thời gian này, chính quyền Pháp rất chú trọng tới các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương, có lẽ bởi các hoạt động này rất mới lạ đối với người Tây phương, nên họ cảm thấy thích thú và có những quan tâm đặc biệt như vậy.
Hàng năm vào dịp quốc khánh nước Pháp, tòa công sứ Pháp tại Hội An tổ chức lễ nghi rất long trọng để chào mừng. Trong các dịp đó, quan Công sứ thường vận động các hoạt động văn hóa ở Hội An tham gia chúc mừng mà chủ yếu là biểu diễn du hồ của bang Triều Châu, biểu diễn chút chít của ban Hải Nam, biểu diễn thiên cẩu của bang Quảng Đông, rước kiệu của bang Phước Kiến…
          Trong dịp vua Bảo Đại tuần du đến Hội An, hoạt động du hồ cũng được huy động để nghinh đón chào mừng.
Ngoài ra, trong các ngày lễ rước, lễ tế thì người Hoa và người Minh Hương cũng tổ chức biểu diễn du hồ rầm rộ, có lúc người ta còn kết thuyền hoa trên sông Hội An rồi ra biểu diễn tại đó để vừa mừng đại lễ đồng thời cũng là dịp để các đội du hồ biểu diễn phục vụ cho công chúng tại địa phương.
          Trước đây, hoạt động du hồ không chỉ biểu diễn ở Hội An mà còn thường được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi khác như Đà Nẵng, ở phủ Điện Bàn, thậm chí còn được mời đi biểu diễn tại Huế trong các dịp đại lễ mừng thọ, khách chúc các quan lại triều đình…
Hoạt động du hồ ở Hội An hoạt động liên tục từ trước thời kỳ Pháp thuộc cho mãi đến những năm 60 thế kỷ XX vẫn còn diễn ra mạnh mẽ. Sau đó một thời gian  không lâu vì do hoàn cảnh chiến tranh và các lớp người tham gia biểu diễn du hồ đã lớn tuổi nên thiếu người đứng ra huy động, tập hợp tổ chức nên hoạt động này dần dần bị tàn lụi mãi cho đến ngày hôm nay.
          Xin nói thêm về hình thức biểu diễn của hoạt động du hồ ở Hội An trước đây.
         Về tổ chức: Hoạt động du hồ thường được bang Triều Châu, Minh Hương tụy tiên đường phụ trách tổ chức. Vì vậy, Ban trị sự của các tổ chức này cử người phụ trách, quản lý và lo nhân sự cử đội để đảm bảo mọi mặt khi đội du hồ biểu diễn. Riêng ở xã Minh Hương thường cử lý trưởng, hương kiểm phụ trách tổ chức. Mỗi đội du hồ thường có khoảng từ 18 đến 22 người tham gia biểu diễn (không kể những người phụ trách và dự bị để thay đổi).
         Về nhạc khí: để đội du hồ có thể biểu diễn được thì phải có các loại nhạc khí như sau: 1 trống lớn, 1 hoặc 2 phèng (chiêng, bu lu), 4 xập xỏa, 6 – 20 phèng la và các nhạc cụ của đội cổ nhạc như trống cơm, kèn, đàn cò, đàn nhị, sáo trúc, sênh tiền…
         Về y phục: theo các nhân chứng từng tham gia đội du hồ cho biết đội du hồ của người Triều Châu có khi mặc đồ kiểu Tàu, thắt lưng bằng vải đỏ, đi giày vải; cũng có khi mặc áo may ô trắng, quần đen, thắt lưng bằng đai vải đỏ, choàng vai cũng màu đỏ. Đội du hồ của người Minh Hương thì mặc đồng phục áo trắng, quần trắng, đội mũ tắng viền vàng hoặc xanh, thắt lưng đỏ, đi giày trắng, chân quấn xà cạp. Các nhân chứng còn thông tin thêm những người tham gia vào đội du hồ của người Minh Hương thường là những người học võ, thợ may được làng vận động vào tham gia … Kinh phí của đội làng hạn hẹp nên việc mua sắm rất hạn chế, thậm chí áo quần trang phục cũng chỉ tạm bợ, quấn thêm xà cạp, thắt đai cho thêm màu sắc mà thôi.
          Hình thức biểu diễn: Thông thường dẫn đầu đội du hồ là long bãi dạng lồng đèn, trên đề tên của đội du hồ như: “Đội du hồ Triều Châu”. Đội du hồ Minh Hương”. Sau long bãi là đội du hồ xếp thành hai hàng dọc theo thứ tự: xập xỏa – phèng la chiêng (bu lu, phèng) – đội cổ nhạc, còn trống thì đi giữa đội hình. Nếu trong đám có rước kiệu thần và có thêm các hoạt động khác tham gia thì đội hình lại bố trí như sau: Long bãi – kiệu thần – kèn – xập xỏa – phèng la – chiêng – đội cổ nhạc – đội thiên cẩu, trống vẫn đi trên đường, đội du hồ vừa đi vừa tấu nhạc hòa âm, đôi khi những người chơi xập xỏa lại tung xập xỏa lên không, sau đó vừa tiếp xập xỏa vừa chập mạnh lại tạo thành  âm thanh rất là ấn tượng. Trong quá trình biểu diễn, trống luôn luôn đi giữa đội hình để điều khiển toàn bộ hoạt động của đội du hồ. Nếu đội du hồ biểu diễn vào ban đêm thì có thêm đội cầm đuốc soi đường.
          Đôi khi đoàn du hồ không biểu diễn ngoài đường phố mà biểu diễn tại chỗ, tại các di tích tín ngưỡng để phục vụ lễ cúng hay hòa âm chúc mừng các nhân vật quan trọng đến thăm. Trong trường hợp này, các thành viên của đoàn chủ yếu hòa âm tại chổ không biểu diễn tung hứng phèng la,  trống vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Hiện nay tại Chợ Lớn – Thành phố Hồ Chí Minh, người Hoa vẫn còn duy trì hoạt động này. Biểu diễn du hồ của họ không chỉ phục vụ cho các đám rước tế lễ hay chúc mừng mà còn cho cả tang lễ. Nếu tang chủ có nhu cầu thì có thể thuê đội du hồ cũng như đội cổ nhạc, đội kèn Tây đi hòa âm theo suốt chặng đường để đám tang thêm phần “sôi đông”.
Du hồ là một hoạt động văn hóa khá quan trọng không những đối với cộng đồng người Hoa, Minh Hương mà là một bộ phận của văn hóa Hội An. Trước đây, hoạt động này đã góp phần tích cực trong các dịp lễ hội như tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, khánh chúc… vì vậy, hiện nay cần thiết phải khôi phục lại hoạt động vốn có này của địa phương. Cách thức khôi phục tốt nhất là có thể mời một trong các đội du hồ ở Thành phố Hồ Chí Minh truyền dạy lại cho lực lượng trẻ trong ngành văn hóa ở Hội An./. 

Tác giả: Tống Quốc Hưng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây