Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An phối hợp với Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản tiến hành xử lý, phân loại, nghiên cứu hiện vật khảo cổ.
Ảnh: Hồng Việt
Nhằm nhận diện rõ thêm những giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, vị trí và tầm quan trọng của Cù Lao Chàm ở khu vực biển Đông trong lịch sử, nhất là thời kỳ vương quốc Champa ở thế kỷ VIII-X, di tích tiếp tục được khai quật vào tháng 8/2017. Kết quả khai quật đã cung cấp nhận thức mới về không gian phân bố di tích và thu thập được khối lượng hiện vật khá phong phú gồm nhiều chất liệu khác nhau như đồ gốm, sánh sứ, thủy tinh,... có nguồn gốc bản địa, miền Bắc Việt Nam, nam Trung Hoa và vùng Trung Đông.
Phân loại hiện vật khảo cổ. Ảnh: Hồng Việt
Trong những ngày từ 19-21/3 vừa qua, những hiện vật này được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phối hợp với Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản tiến hành xử lý, phân loại, nghiên cứu. Kết quả bước đầu đã cung cấp những thông tin góp phần khẳng định thêm niên đại, tính chất của di tích nói riêng và vị trí đặc biệt của Cù Lao Chàm nói chung trên con đường thương mại biển trong lịch sử.