Việt Nam có thêm hai di sản tư liệu thế giới được công nhận

Thứ năm - 19/05/2016 22:41
f82262dc3dda449fb3ece67667537c24

Thơ văn được chạm khắc trên Điện Thái Hòa (Đại nội Huế).
 
          NDĐT - Chiều 19-5, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) họp tại Huế đã chính thức công bố thêm hai di sản của Việt Nam là “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường Phúc Giang” (Hà Tĩnh) trở thành Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

         Hội nghị toàn thể của MOWCAP lần này có 16 hồ sơ của 10 nước được đệ trình, bao gồm: Trung Quốc (gồm cả Hồng Công và Macao) có 4 hồ sơ; Việt Nam, Hàn Quốc và Malaysia, mỗi nước đều có 2 hồ sơ; các nước Uzbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar và Mông Cổ, mỗi nước có 1 hồ sơ. Hai hồ sơ của Việt Nam là: “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh).

          “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” là một trong những bộ hồ sơ được đánh giá cao. Đây là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván, những bản gốc duy nhất hiện còn ở kiến trúc thuộc Quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 1802–1945 và hầu hết tác giả là các vị vua, quan lại triều Nguyễn. Các tác phẩm này là sự kết tinh của nhiều yếu tố khác nhau, từ mỹ thuật, kỹ xảo trang trí, thư pháp, nghệ nhân nghề mộc cổ truyền cung đình tạo nên một phong cách mang đậm truyền thống của riêng Huế.

           Đây là những di sản tư liệu độc đáo, là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bật toàn cầu. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn.

         Đối với “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh) là tập tư liệu vô cùng độc đáo với gần 400 bản khắc chữ Hán - Nôm ngược, dùng để in tài liệu phục vụ cho hoạt động văn hóa và giáo dục và được chế tác trong thời gian từ 1758- 1788. Trên cơ sở tham khảo, tóm tắt và bổ sung các sách kinh điển của Nho giáo, các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy đã biên soạn và khắc in các tập sách, phục vụ việc dạy và học của trường học Phúc Giang.

          Điểm đặc biệt của di sản này là liên quan đến giáo dục ở một làng quê xa kinh thành, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam. Mộc bản được khắc trên gỗ thị theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18 - 20 hàng chữ. Theo đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thì “Mộc bản trường học Phúc Giang” là một tư liệu rất quý được một dòng họ lưu trữ và bảo quản. Nó thể hiện tư tưởng của UNESCO về việc cần thiết xây dựng một xã hội học tập và đào tạo con người có đức có tài.

          Tại hội nghị toàn thể lần thứ 7 của MOWCAP đã ghi danh 14/16 hồ sơ là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, cả hai hồ sơ của Việt Nam đều được ghi danh, vì có những nét độc đáo riêng để trở thành Di sản tư liệu thế giới. Đây là hai bộ sưu tập tài liệu thực sự tiêu biểu, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, phù hợp với các tiêu chí đã đề ra để ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

          Trước đó, Việt Nam đã có bốn di sản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm: Mộc bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ triều Lê - Mạc (di sản tư liệu thế giới); Châu bản triều Nguyễn và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
 
anh1(1)

            Toàn cảnh hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
anh2 (2)
       
Thơ văn được chạm khắc trên Điện Thái Hòa (Đại nội Huế).
  
anh3 (1)
 
anh3 (2)

Mộc bản trường Phúc Giang (Hà Tĩnh) vừa được công nhận Di sản tư liệu thế giới.
 
anh4 (2)

Trao bằng chứng nhận Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho Huế.
 
anh5(2)

Trao bằng chứng nhận Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho Hà Tĩnh.

Tác giả: CÔNG HẬU

Nguồn tin: www.nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây