Hệ thủy cổ tại Cù Lao Chàm được hiểu là sự kết hợp giữa các khu vực trồng trọt (ở dạng địa hình triền đồi, chân núi dốc) gắn với việc sử dụng nguồn nước ngọt tự nhiên (nước nhỉ từ đất lên và nước khe suối bằng hình thức đắp bờ ngăn nước và đào mương dẫn). Hệ thủy cổ này rất có giá trị về lịch sử, văn hóa và sinh thái tự nhiên. Đây cũng là những tài nguyên độc đáo, riêng có ở Cù Lao Chàm, Hội An.
Được sự thống nhất chủ trương của UBND thành phố Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị gồm: Đại diện Tiểu đoàn Hỗn hợp 70 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam), Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, UBND xã Tân Hiệp, Chi hội KHLS Hội An và Chi hội VNDG Quảng Nam triển khai khảo sát các hệ thủy cổ tại Cù Lao Chàm để đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy phù hợp.
Một thủy hệ cổ ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Hồng Việt
Công tác khảo sát sẽ diễn ra nhiều đợt, đợt đầu kéo dài từ ngày 19 - 22/3/2024. Việc khảo sát gồm ghi chép, chụp hình, quay phim, sơ đồ hóa các đặc điểm, yếu tố nổi bật, đặc trưng của các hệ thủy cổ.
Việc khảo sát hệ thủy cổ ở Cù Lao Chàm góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ, qua đó phục vụ cho công tác giới thiệu, quảng bá cũng như đề xuất giải pháp phục hồi, bảo tồn, phát huy các hệ thủy cổ tại Cù Lao Chàm.