Tham dự tọa đàm có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng Giáo dục – Đào tạo, đại diện lãnh đạo Ban giám hiệu các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hội An, đại diện Chi hội Khoa học lịch sử, Chi hội văn nghệ dân gian Hội An, nhóm Không Gian Đọc Hội An, đặc biệt, có sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa tại địa phương, thủ thư thư viện và một số em học sinh các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: “
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An với nhiệm vụ được giao, trong 35 năm qua, bên cạnh hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Hội An, công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và ấn hành, phổ biến các ấn phẩm sách về lịch sử - văn hóa Hội An luôn được quan tâm đặc biệt. Ngoài tập Bản tin - Thông tin nghiên cứu Bảo tồn Di sản đã xuất bản được 53 số (mỗi năm 4 số, từ năm 2008), Trung tâm đã chủ trì biên soạn, in ấn hơn 40 đầu sách để truyên truyền, quảng bá các giá trị lịch sử - văn hóa Hội An như sách về khảo cổ - lịch sử, văn hóa, di tích danh thắng, sách ảnh, sách chuyên môn về bảo tồn... Bên cạnh việc biên soạn và xuất bản sách, Trung tâm còn thành lập Văn phòng thông tin di sản (nay là Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản) để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hội An của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị”.
Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý của đại biểu các cơ quan ban ngành, các trường Trung học phổ thông, các nhà nghiên cứu và các em học sinh. Những ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm, Trung tâm sẽ tiếp thu và xây dựng thành những chương trình hành động cụ thể phụ hợp với từng nhóm đối tượng, qua đó góp phần phát triển truyền thống văn hóa đọc sách của người Hội An.