Quang cảnh buổi ra mắt sách “Di sản Hán Nôm Hội An - tập 6: Sắc phong” - Ảnh: Hồng Việt
Tham dự buổi ra mắt sách có đồng chí Đinh Phú Đông, Ủy viên Ban thường vụ - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hội An, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan đơn vị và xã phường, các nhà nghiên cứu cùng đại diện chủ di tích và đại diện các tộc họ có sắc phong được in trong sách, các thành viên tham gia thực hiện tập sách.
Cuốn “
Di sản Hán Nôm Hội An - Tập 6- Sắc phong” được xuất bản với khổ sách 19 x 27 cm dày 252 trang, bìa cứng. Nội dung về sắc phong ở Hội An được tuyển chọn, biên soạn, xuất bản nhằm giới thiệu một bộ phận tư liệu đặc biệt quý của di sản Hán Nôm Hội An, đồng thời cũng là ấn phẩm chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (1985-2021).
Di sản Hán Nôm là một trong những nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam nói chung, về Hội An, Quảng Nam nói riêng. Nhận thức được tầm quan trọng của di sản Hán Nôm trong nghiên cứu, nhận diện giá trị lịch sử - văn hóa Hội An, ngay từ rất sớm, Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm di sản Hán Nôm tại thành phố Hội An, các địa phương có liên quan đến Hội An và các viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ quốc gia,… Qua công tác xử lý tư liệu, thống kê và phân loại cho thấy di sản Hán Nôm Hội An vô cùng phong phú và đa dạng cả về nội dung và loại hình, trong đó bộ phận di sản Hán Nôm về sắc phong chiếm số lượng tương đối lớn.
Tặng sách cho thư viện Thanh Hóa tại Hội An và thư viện trường học - Ảnh: Hồng Việt
Sắc phong là bộ phận di sản tư liệu đặc biệt, là loại hình văn bản do Hoàng đế các triều đại quân chủ ban cấp, phong tặng cho thần dân, thần kỳ. Sắc phong, do vậy bao gồm cả sắc phong nhân vật và sắc phong thần kỳ (nhân thần, nhiên thần, thiên thần). Theo thống kê, Trung tâm đã sưu tầm được 321 đơn vị sắc phong, trong đó có 252 sắc phong thần kỳ cho 29 vị thần và 69 sắc phong cho 36 nhân vật có công trạng. Trong tập sách chỉ tuyển chọn giới thiệu 100 sắc phong tiêu biểu trong 321 đơn vị sưu tầm được.
Chụp ảnh lưu niệm tại buổi ra mắt sách - Ảnh: Quang Ngọc
Trong buổi ra mắt sách, các nhà nghiên cứu đã trao đổi về giá trị của sắc phong; quá trình sưu tầm, dịch thuật, tổ chức bản thảo và in ấn tập sác. Đại diện các tộc họ và di tích chia sẻ kỷ niệm về việc lưu giữ, bảo tồn sắc phong của làng xã, gia đình và tộc họ.