Vừa qua, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hội An đã có Văn bản số 39/HĐND-TTHĐ ngày 8/4/2020 thống nhất chủ trương đầu tư dự án Hạ tầng trong Khu phố cổ (mương, vỉa hè đường Lê Lợi, Hai Bà Trưng).
Nhằm tôn vinh những người có công trong việc gìn giữ những kiến thức, kỹ năng, bí quyết cho việc thực hành, trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An, hiện nay Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An đang triển khai lập hồ sơ để đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho đối tượng có đủ các tiêu chuẩn để xét tặng trên địa bàn Thành phố.
Hệ thống các bảo tàng chuyên đề ở Hội An như bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Gốm sứ Mậu dịch, Văn hóa Dân Gian, Nghề y truyền thống cùng với di tích Chùa Cầu, Quan Công miếu trong Khu phố cổ Hội An do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An trực tiếp quản lý là những điểm thu hút nhiều lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử - văn hóa Hội An.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên trong việc tạm dừng hoạt động đón khách tham quan tại các bảo tàng, di tích để phòng, chống dịch Covid-2019, trong thời gian qua, cán bộ chuyên môn Phòng Bảo tàng thuộc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An tập trung các hoạt động bảo quản hiện vật kho và hiện vật trưng bày.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tu bổ, sửa chữa di tích nhà ở của người dân, góp phần bảo tồn các giá trị kiến trúc, cảnh quan trong Khu phố cổ, trong quý I năm 2020, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tiếp nhận 50 lượt hồ sơ xin phép sửa chữa, tu bổ di tích nhà ở của nhân dân trong Khu phố cổ, trong đó, Khu vực I có 23 hồ sơ, Khu vực IIA có 6 hồ sơ, Khu vực IIB có 21 hồ sơ.
Trong những năm qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An đã tập trung sưu tầm tư liệu về Hội An hiện đang lưu trữ tại các Trung tâm lưu trữ quốc gia I, II, III, IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Số lượng tư liệu mà Trung tâm sưu tầm được khoảng 20.000 trang (bản sao) bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau với nội dung rất phong phú. Nhằm tiếp tục bổ sung, xây dựng cơ sở dữ liệu về Hội An phục vụ công tác nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá thế giới Hội An, trong năm 2020, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An sẽ triển khai sưu tầm, sao chụp các nguồn tư liệu Hán Nôm liên quan đến Hội An tại Viện nghiên cứu Hán Nôm gồm Quảng Nam tỉnh tập biên và Nguyễn Thị Tây Sơn ký. Đây là nguồn tư liệu có giá trị đặc biệt trong nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam nói chung, Hội An nói riêng.
Nhằm cung cấp những thông tin về lịch sử - văn hóa Hội An qua nguồn tư liệu di sản Hán Nôm, trong những năm qua Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức sưu tầm, dịch thuật và biên soạn xuất bản nhiều tập sách Di sản Hán Nôm ở Hội An (tập 1 về Văn bia, tập 2 về Tư liệu nhà thờ tộc Nguyễn Tường, tập 3 về Tư liệu xã Minh Hương, tập 4 về Tư liệu lưu trữ tại các gia đình, dòng họ, tập 5 về Hoành phi câu đối ở di tích. Riêng tập 6 về Hội An qua Châu bản, mộc bản và bản đồ và tập 7 về Làng xã xưa ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí đang hiệu đính bản thảo).
Vào ngày 24/3, UBND thành phố Hội An đã ban hành Quyết định số 311/QĐ-UBND phân bổ kế hoạch vồn đầu tư xây dựng cơ bản đợt 1 năm 2020 cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An từ nguồn vốn ngân sách thành phố bố trí trùng tu các di tích nhà nước, tư nhân tập thể.
Vào ngày 19/3, UBND thành phố Hội An ban hành Quyết định số 280/QĐ-UBND về việc hỗ trợ kinh phí sửa chữa hệ mái ngói âm dương di tích nhà số 42 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Ngôi nhà này là di tích kiến trúc loại IV trong Khu vực I Khu phố cổ.
Lễ hội Tết Nguyên tiêu và nghề trồng rau Trà Quế là 2 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả ở Hội An. Nhằm tư liệu hóa, xây dựng hồ sơ phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của 2 di sản này tốt hơn, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn số 246/SVHTTDL-QLVH ngày 13/3/2020 thống nhất chủ trương lập hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Tết Nguyên tiêu và nghề trồng rau Trà Quế ở Hội An. Theo nội dung văn bản, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đang tiến hành xây dựng hai hồ sơ trên để trình cấp thẩm quyền xem xét đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới.
Vào ngày 11/3, UBND thành phố Hội An ban hành quyết định số 233/QĐ-UBND về việc hỗ trợ kinh phí sửa chữa hệ mái ngói âm dương nhà số 51 Nguyễn Thị Minh Khai thuộc phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Ngôi nhà này là di tích kiến trúc thuộc loại III trong Khu vực I Khu phố cổ. Theo quyết định trên, nhà số 51 Nguyễn Thị Minh Khai được hỗ trợ 40% kinh phí sửa chữa hệ mái ngói âm dương, gồm ngói âm dương, rui, đòn tay. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách thành phố bố trí cho trùng tu di tích hằng năm.
Sáng ngày 12/3/2020, ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tiếp và có buổi làm việc với đoàn Văn phòng đại diện JICA tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, tình nguyện viên JICA Tanaka Saki đã báo cáo kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ 2 năm làm việc tại Phòng Bảo tàng thuộc Trung tâm như tham gia cải tiến trưng bày một số nội dung tại Bảo tàng Văn hóa Dân gian; chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu tham khảo về trưng bày, bảo quản hiện vật; tích cực tham gia các hoạt động giáo dục di sản học đường và trải nghiệm tại bảo tàng. Qua đó, tình nguyện viên đã đề xuất các ý kiến để tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin giữa các đồng nghiệp để nâng cao hiệu quả trong công việc.
Thực hiện chức năng tham mưu UBND thành phố quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An, hiện nay, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đang tiến hành khảo sát nhà số 07 đường Nguyễn Thị Minh Khai và nhà số 120 đường Trần Phú nhằm nắm bắt hiện trạng về kiến trúc, quản lý, sở hữu sử dụng của 2 di tích này. Đây là hai công trình có giá trị cao về mặt kiến trúc nghệ thuật, trong đó nhà số 07 đường Nguyễn Thị Minh Khai được phân loại giá trị bảo tồn kiến trúc loại đặc biệt, nhà số 120 đường Trần Phú được phân loại giá trị bảo tồn kiến trúc loại II.
Nguyễn Tường Vân là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Tường, theo gia phả để lại cho biết, dòng họ này nguyên là Nguyễn Như, sau đổi thành Nguyễn Văn, quê quán tại xã Phúc Điền, tổng Hạ Bản, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa/Hóa theo Chúa Nguyễn vào Nam định cư. Đến đời ông Nguyễn Văn Vân, ông đã đổi từ Nguyễn Văn sang Nguyễn Tường thành Nguyễn Tường Vân. Ông làm quan trong triều đình nhà Nguyễn và chuyển ra sinh sống tại xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Tường Vân thi đỗ tam trường, làm quan trong triều đình nhà Nguyễn và giữ đến chức Thượng thư Bộ binh, chánh nhị phẩm bậc Tư chính đại phu, thụy Cung Nguyện. Sau khi qua đời, ông được an táng tại làng La Qua, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, nay là thôn Xuân Tây, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Chào mừng đại hội chi bộ Bảo tàng tiến tới đại hội Đảng bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, chào mừng 45 năm kỷ niệm giải phóng quê hương Hội An (28/3), cán bộ chuyên môn phòng Bảo tàng tổ chức đợt sưu tầm, bổ sung thông tin các hiện vật, tài liệu trưng bày tại phòng Truyền thống Cách mạng - Bảo tàng Hội An.
Nhằm hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa ở Hội An, trong năm 2020, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sẽ lập mới, bổ sung hồ sơ di sản văn hóa ở Hội An. Dự kiến, trong năm sẽ lập lý lịch cho 24 di tích thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật và 20 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, lễ hội và tri thức dân gian.
Dựng bia cắm mốc di tích là một trong những hoạt động nhằm bảo vệ di tích trước những nguy cơ xâm hại, đồng thời thông tin những giá trị cơ bản của di tích đến cộng động qua đó góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử - văn hóa địa phương và ý thức gìn giữ di sản văn hóa của tiền nhân để lại. Trong những năm qua Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức dựng bia thông tin và cắm mốc đối với nhiều di tích trên địa bàn thành phố, trong đó đặc biệt chú trọng đến di tích lịch sử đấu tranh cách mạng, các di tích khảo cổ và nhiều di tích thuộc các loại hình khác nằm ở vị trí dễ bị xâm hại hoặc ở những nơi phát triển du lịch.
Kế hoạch quản lý di sản thế giới là một bộ phận của hồ sơ di sản thế giới theo yêu cầu của UNESCO. Theo Nghị định số 109/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, Kế hoạch quản lý di sản thế giới là văn bản tổng hợp các biện pháp bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới, bao gồm cả việc phân công trách nhiệm cụ thể đến mọi đối tượng liên quan tới việc thực hiện các biện pháp bảo tồn đó. Kế hoạch có thời hạn 5 năm, tầm nhìn 20 năm.
Đình Ông Voi thuộc phường Minh An là di tích có giá trị cao về lịch sử - văn hóa, là một trong những công trình kiến trúc quan trọng góp phần làm nên giá trị chung của di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An. Thực hiện Công văn số 18/UBND, ngày 03/01/2020 của UBND thành phố Hội An về việc thống nhất chủ trương giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An lập phương án phát huy giá trị di tích đình Ông Voi, Trung tâm sẽ tiến hành đợt điều tra, khảo sát toàn diện về di tích, dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 2 đến tháng 3/2020.
Vào ngày 14/2/2020, tại Hội trường Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An, Chi hội Khoa học lịch sử Hội An và Chi hội Văn nghệ dân gian Hội An đã tổ chức gặp mặt hội viên trao đổi một số hoạt động, nhiệm vụ công tác năm 2020.