Chiều ngày 24/8/2023, tại Công viên Nhân dân thành phố Wernigerode, Cộng hòa liên bang Đức đã diễn ra Lễ khánh thành “Khu vườn Hội An” và đặt bảng tên Cầu Hội An. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Lễ hội đèn lồng Hội An lần thứ 3 diễn ra tại quốc gia Đức từ ngày 25-27/8/2023.
Lãnh đạo thành phố Wernigerode và lãnh đạo thành phố Hội An cắt băng khánh thành Khu vườn Hội An tại Đức - Ảnh: Bảo Vy
Công trình “Khu vườn Hội An” là nội dung nằm trong Chương trình hành động chung - quan hệ đối tác về khí hậu giữa thành phố Hội An và thành phố Wernigerode - Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ kết nghĩa (2013-2023); và là minh chứng cụ thể, sinh động cho những tình cảm sâu sắc, chân thành, bền vững giữa hai thành phố.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: “Trong một năm qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An được thành phố Hội An giao phụ trách việc đảm nhận kết nối và phối hợp để thực hiện xây dựng Khu vườn Hội An tại Công viên Nhân dân thành phố Wernigerode. Với mong muốn kể câu chuyện văn hoá Hội An thông qua tác phẩm điêu khắc được sử dụng chất liệu gỗ từ củi lũ, Trung tâm đã thiết kế, mời nghệ nhân Lê Ngọc Thuận gia công chế tác các tác phẩm nghệ thuật, ghế gỗ, trụ lồng đèn,…và vận chuyển toàn bộ các sản phẩm từ Hội An sang Cộng hòa liên bang Đức để bố trí lắp đặt”.
Để thực hiện ý tưởng, Trung tâm sử dụng hình tượng dòng sông Hoài kết hợp với mắt cửa Hội An làm yếu tố tạo hình chủ đạo. Trong đó dòng sông Hoài chảy qua Khu phố cổ, kết nối đến Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An thể hiện giá trị đặc sắc về vùng đất, con người, thiên nhiên của Hội An; đồng thời, đó cũng là hành trình tái sinh của củi lũ để kể câu chuyện về văn hóa nơi này. Theo đó, trong khoảng diện tích hơn 100m2, Khu vườn Hội An nổi bật với cụm biểu tượng gồm 22 tác phẩm nghệ thuật được đặt tại vị trí trung tâm công trình, thể hiện những nội dung câu chuyện về Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An, chuyện về Khu phố cổ Hội An với những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như Chùa Cầu, dãy phố cổ, cổng chùa Bà Mụ, dòng sông Hoài với hoa đăng, nhịp sống đời thường với những cư dân phố cổ nhân tình thuần hậu, vùng ven Khu phố cổ với các làng nghề và lễ hội, tập tục truyền thống... Từng tác phẩm riêng lẻ và sự xuất hiện chung của các tác phẩm trong một tổng thể của cụm biểu tượng nghệ thuật đều chứa đựng những câu chuyện thú vị, giàu chất thơ về vùng đất văn hóa Hội An – một điểm đến với hai di sản thế giới.
Cùng với cụm biểu tượng ở khu vực trung tâm Khu vườn Hội An, ở dọc theo hai bờ và trên dòng chảy sông Hoài, các nghệ nhân đã bố trí những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật làm từ gỗ và hoa văn mắt cửa, một trong những nét kiến trúc đặc trưng tại khu phố cổ và là “linh hồn phố Hội”.
Toàn cảnh khu vườn - Ảnh: Bảo Vy
Việc bố trí các sản phẩm thủ công mỹ nghệ lồng đèn, tác phẩm điêu khắc được chế tác từ củi lũ, những thảm cỏ, cây xanh;… Khu vườn Hội An đã thể hiện thông điệp “Hội An - Điểm đến du lịch xanh”, là hướng phát triển bền vững mà thành phố đã và đang xây dựng.
Ngay sau khi Khu vườn Hội An được khánh thành, thành phố Wernigerode đã có nhiều hình thức quảng bá giới thiệu về khu vườn và câu chuyện về văn hóa Hội An đến với người dân và du khách tại đây, cũng như với những du khách thuộc các quốc gia Châu Âu.
Công trình Khu vườn Hội An là một minh chứng hết sức sinh động và sâu sắc về mối quan hệ kết nghĩa giữa hai thành phố. Công trình này sẽ mang đến cho nhân dân Wernigerode và du khách những khám phá, trải nghiệm về mảnh đất Hội An hiền hòa, nhân tình thuần hậu và di sản văn hóa đa dạng, độc đáo