Nhà Phố

Thứ ba - 29/09/2015 06:18
Là một bộ phận cơ bản cấu thành quần thể kiến trúc Khu phố cố Hội An - phố buôn bán, phân bố chủ yếu ở 3 phường nội thị hiện nay là: Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong; bao gồm các đường /phố song song chạy theo hướng Đông - Tây có tên hiện nay và tên gọi cũ/thời Pháp thuộc là: Trần Phú/ Rue du pond de Japonnais; Nguyễn Thái Học/ Rue de Cantonnais; Bạch Đằng/ Quai Phúc Kiến; Phan Chu Trinh/ Rue Minh Hương; Nguyễn Thị Minh Khai/ Rue Khải Định. Và một số đường cắt ngang: Trần Quý Cáp/Place du Marche; Lê Lợi/ Rue Hội An; Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng (đoạn từ Trần Phú đến ngã tư Phan Chu Trinh) và Nguyễn Huệ.
         

Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên - Số 80 - Nguyễn Thái Học - Hội An
 
           Về cơ bản nhà phố điển hình có không gian kiến trúc được mở rộng cả về hai phía trước và sau trong một không gian hình ống. Bố cục mặt bằng thông thường gồm nếp nhà phía trước là nơi buôn bán, giao dịch, nó được tạo nên bởi một nhà kép (hai bộ khung, vì nóc nhưng chỉ một hệ mái), Tiếp theo là khoảng sân trời với nhà cầu/ nối có hệ mái xoay ngang lại, tiếp với nếp nhà sau ở khoảng “sân trời/ giếng trời” với chức năng “lấy ánh sáng, gió - thoát khí”, nới đây thường hay có những bức bình phong, hồ non bộ, cây cảnh, tiểu cảnh rất “nên thơ - trữ tình”. Nếp nhà sau là nơi chứa hàng và sinh họat của gia đình. Kết thúc là một khoảng sân sau, kết hợp bố trí khu bếp, vệ sinh... với một cửa thông ra mặt đường/ phố phía sau hoặc là đường bờ sông/hay sông. Mái của các nếp nhà nối với nhau bằng hệ thống máng xối. Kết cấu chịu lực của ngôi nhà chủ yếu bằng khung gỗ, với kèo, cột, trính, xuyên chia thành 3 gian với lối đi ở giữa. Hệ thống tường bao quanh chỉ có chức năng chính là bao che, ngăn cách giữa các nhà với nhau và chống hỏa hoạn lây lan. Tuy nhiên, cũng có một số ít ngôi nhà do chiều ngang (mặt tiền) theo tuyến đường/ phố nhà hẹp nên hoàn toàn tường chịu lực, không có kèo, cột, trính... Hệ thống đòn đông/ nóc, đòn tay gác thẳng lên tường đầu hồi để lợp mái. Toàn bộ mái của ngôi nhà lợp ngói âm dương, bờ nóc, bờ hồi ít trang trí nhưng được tạo thành với những đường nét uốn cong rất mềm mại, uyển chuyển - đây cũng là một chi tiết kiến trúc độc đáo ở Hội An. Từ giữa thế kỷ XIX trở về trước nhà phố chỉ được làm 1 tầng (trệt) hoặc 1 tầng với gác thấp có mái giật cấp (máicổ diêm”), đến nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mới phổ biến nhà 2 tầng. Nhìn chung, kết cấu vài/ vì kèo với các hình thức chủ yếu: “kẻ chuyền”; “Cột trốn - kẻ chuyền”; “ kèo suốt”; “thượng kèo - hạ kẻ”; vài/ vì chồng hoặc “trính chồng - trụ đội” (theo kết quả điều tra ở Hội An cho biết - đối với loại kèotrính chồng - trụ độirất nhiều người dân trong khu phố cổ đều gọi làtrính Nhật Bản”). Đặc biệt, “bẩy hiên”, “kèo hiên” với khá nhiều kiểu dáng độc đáo. Điểm đáng chú ý là trong 1 ngôi nhà gồm nhiều nếp khác nhau thì luôn có sự kết hợp khá hợp lý, uyển chuyển giữa các kiểu vì/  vài kèo (nêu trên) vơi nhau. Có rất nhiều ngôi nhà trên từng cấu kiện kiến trúc: kèo, trính, bẩy hiên, kèo hiên... được chạm trổ rất tinh xảo. Mặt tiền ngôi nhà rất phổ biến với kiểu “ván xáng - cửa bản” gồm một bộ cửa đi ở gian giữa, ván xáng ở gian 2 bên hoặc những nhà có mặt tiền hẹp thì 1 cửa đi hai cánh một bên và một bên là ván xáng, ván xáng khi dựng/ ghép lại thành vách/ tường ngăn giữa trong nhà với bên ngoài, nhưng khi mở ra đó cũng chính là những tấm ván để trải ra thành sạp bán hàng. Có thể nói nét độc đáo trên mặt tiền công trình kiến trúc ở Hội An đó là “đôi mắt cửa”. Theo nhà nghiên cứu/ giáo sư Nguyễn Bạt Tụy “thực ra thì các then kia mới cần thiết, vì nó dùng để gò đố cửa vào bổ cửa, và con mắt cửa thì chỉ đóng vai trò 1 đầu con tán, to loe mà thôi. Nhưng có lẽ để tăng phần diêm dúa cho mặt tiền ngôi nhà nên lâu dần người ta chạm trổ nó cho dễ coi, thậm chí còn gán cho nó 1 giá trị kém cái đòn đông một bậc mà thôi” (Thứ nhất đòn đông - thứ nhì mắt cửa). Lý giải về nguồn gốc của “mắt cửa” chắc hẳn còn phải tiếp tục nghiên cứu vì như chúng ta nhận thấy tất cả các ghe/ thuyền trên sông nước - biển ở Hội An, và nhiều tỉnh ở phía Nam Việt Nam đều có hình tượng “đôi mắt”. Hay tại các di tích đền tháp của cư dân Chàm cũng có hình ảnh - chi tiết này và một thực tế những đôi “mắt cửa” ở Hội An đã trở thành vật linh thiêng. Vào các ngày lễ tết, đều được người ta tháo ra, lau chùi sạch sẽ, rồi cắt một tấm vải điều, vuông mới, khoét lỗ, trịnh trọng lồng vào khe rồi lắp lại, để vậy suốt năm. Cùng với “ngưỡng cửa”, “đôi mắt cửa” phải chăng mang nặng tính triết lý sâu sắc về nét ứng xử, khi đi - về hay ra - vào ngôi nhà của cư dân Hội An trong lịch sử (?). Đồng thời, ở Hội An theo thống kê có hơn 20 loại khác nhau, nhưng phổ biến hai loại: Hoa cúc - lá đề; hay Lưỡng nghi/âm dương-bát quái. Tựu trung đều thể hiện nét tín ngưỡng của mỗi gia đình về phật hay thần hoặc thánh (lão giáo).

            Mặc dù, theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử cho biết, phố/ thị Hội An niên đại  xây dựng có từ đầu thế kỷ XVII nhưng căn cứ trên hiện trạng kiến trúc “nhà phố” thì về căn bản có niên đại vào thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, trên từng hạng mục, chi tiết kiến trúc ở từng ngôi nhà vẫn còn đọng lại những dấu ấn của các thế kỷ trước. Và “nhà phố” ở Hội An còn có khá nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp hoặc có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn hài hòa giữa kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - Pháp mà chúng ta rất khó tách bạch, chính vì thế nó tạo nên một đặc trưng kiến trúc “nhà phố” ở Hội An.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây