Về nghệ thuật hát chèo đưa linh giống hát bả trạo, chỉ khác ở nội dung lời hát và lược bớt một số làn điệu dân ca không cần thiết. Hát bả trạo cũng dùng các hình thức hát nam, hát khách, tán, nói lối. Bên cạnh đó còn có một số điệu hò, lý, như hò chèo ghe, hò kéo neo. Trong hát bả trạo và chèo đưa linh, sự cách điệu sân khấu, một số vật có tính chất đạo cụ đã xuất hiện (mái chèo, gàu tát nước...) Trong quá trình diễn xướng có kết hợp một số điệu múa có tính tượng trưng cho việc chèo ghe. Hát bả trạo dùng trong việc tế âm linh, đưa đám ma gọi là hát bạn chèo đưa linh. Yếu tố nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng cá Ông đóng vai trò như tác nhân kích thích sự sáng tạo ban đầu. Dấu vết lâu đời được thể hiện qua sự kết hợp giữa diễn xướng và nghi lễ. Có lẽ đây là hình thức diễn xướng dân gian xuất hiện khá sớm ở Hội An.
Nội dung dàn trải suốt quá trình hát Bả trạo là ca ngợi công đức cá ông, tỏ lòng thương tiếc đối với người quá cố. Bên cạnh đó, lời hát còn thể hiện quá trình đấu tranh của con người trước sóng gió, tinh thần dũng cảm, lạc quan, tinh thần đoàn kết cùng công việc lao động của cư dân biển.
Một bản hát bả trạo có các phần giống như tuồng chính thống, có giáo đầu, có phát triển và giải quyết kịch tính. Hành động kịch ở đây đơn giản hơn, thường chỉ có một mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn hình thành từ sự đối chọi của con người với sóng bão. Vượt qua sóng bão, cuộc hát đi đến kết thúc. Để kéo dài thời gian, trong một buổi trình diễn, gió bão, với tư cách là yếu tố hình thành kịch tính xuất hiện đến hai, ba lần.
Tổng thương
(52) là nhân vật có vai trò thường xuyên tạo nên kịch tính. Để tạo sự phong phú về hành động kịch, để không khí biểu diễn bớt nặng nề, căng thẳng, Tổng thương thường chen vào những câu nói hài hước, những hành động gây cười. Khi Tổng thương đi câu, khi tát nước, khi ngủ quên, khi đi chợ... ở đâu, vai trò nào, Tổng thương cũng thể hiện tính cách lạc quan, nghịch ngợm, linh hoạt và vui nhộn. Đây cũng là một sắc thái nằm trong bản sắc văn hóa của cư dân ven biển địa phương. Ở vùng biển Cẩm An, người ta còn gọi Tổng thương là “
Tổng khậu” khi đóng vai trò người đi chợ mua thức ăn cho bạn chèo. Tổng khậu là cách gọi địa phương dùng để chỉ những có nhiệm vụ chuyên nạp thức ăn cho các tàu buôn. Ở đây ta thấy có sự xâm nhập của kinh tế ngoại thương vào sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng.
Quá trình trình diễn, cách bố trí người nhìn chung, giống với hát Bả trạo ở các địa phương khác. Điều cần nói thêm là số lượng bạn chèo ở múa hát bả trạo tại Hội An thường nhiều hơn từ mười tám đến hai mươi người. Mái chèo sơn đen, trắng, ở giữa có hình mặt trăng màu vàng. Phải chăng đây là biểu hiện của âm dương ? Giọng hát có âm điệu kéo dài, thương tiếc. Khi hát có đàn nhị, đàn cò, trống cơm đệm theo.
(52) Dùng theo cách gọi địa phương, Còn có tên gọi khác là Tổng khoang, Tổng khậu.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền