Di tích miếu Nam Thành

Thứ năm - 14/06/2018 23:00
Miếu Nam Thành tọa lạc trên một khu đất thuộc địa phận khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu (số 11 đường Trần Quang Khải), thành phố Hội An. Khu vực này trước đây thuộc ấp Nam Thành, làng Thanh Nam, tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
           Tư liệu Hán Nôm còn lưu lại tại ngôi miếu và thông tin hồi cố của các vị cao niên sinh sống lân cận di tích cho biết ngôi miếu được xây dựng vào thời vua Tự Đức năm thứ 16 (tức năm 1863), nội dung trên xà cò:
           - Nguyên văn:     .

          - Phiên âm: “Nguyên tiền Nam Thành miếu, kiến lập vu Tự Đức thập lục niên, chí Ất Dậu niên tứ nguyệt thập ngũ nhật Hội An thị di tích ban tịnh nhân dân bổn ấp thuộc Thanh Nam khối hựu tái đại trùng tu”.

         - Tạm dịch:Miếu cổ Nam Thành nguyên trước đây xây dựng vào năm vua Tự Đức năm thứ 16 (năm 1863). Ngày rằm tháng tư năm Ất Dậu (năm 2005), Ban Quản lý Di tích thị xã Hội An cùng nhân dân ấp thuộc khối Thanh Nam, lại một lần nữa trùng tu”.
 
hinh di tich

         Trải qua thời gian, trước những tác động của chiến tranh, ngôi miếu bị hư hỏng nặng, chỉ còn lại hậu tẩm. Sau năm 1975, trong thời kỳ bao cấp, khuôn viên ngôi miếu được sử dụng làm nơi sản xuất mành trúc. Về sau, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư địa phương đã đóng góp kinh phí xây dựng lại ngôi miếu; qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến năm 2005 Trung tâm Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) cùng với nhân dân địa phương (gồm các tổ 6,7,8,9,10,11 ở khối Thanh Nam) đã tiến hành trùng tu ngôi miếu như ngày nay. Các hạng mục như tường rào, nền sân do nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng vào năm 2015.

         Di tích có mặt tiền quay theo hướng Nam, cách dòng sông Thu Bồn khoảng 135m. Hướng Nam và hướng Tây giáp nhà dân, hướng Bắc giáp đường Trần Quang Khải, hướng Đông giáp đường bê tông có lối vào miếu. Miếu gồm có các hạng mục: tường rào, cổng, bình phong, khám thờ, chính điện.

       Tường rào và cổng xây gạch, trát xi măng. Bình phong dạng cuốn thư, hai bên bình phong có hai trụ biểu. Chính giữa mặt ngoài bình phong cẩn sành đồ án “Long Mã phụ hà đồ”, mặt ngoài hai trụ biểu đắp nổi câu đối chữ Hán: 南 貽 會 痡 千 秋 盛; (Nam di hội phô thiên thu thịnh; Thành tích Thanh Châu vạn đợi hưng). Sát mặt trong bình phong là một án thờ, xây giật cấp. Chính giữa mặt trong bình phong đắp nổi hai chữ Hán:  (Âm Linh). Mặt trong hai trụ biểu đắp nổi câu đối chữ Hán: 江 山; 爲 國 忘 身 畱 事 業 (Tinh thần quyết tử dữ giang sơn; Vị quốc vong thân lưu sự nghiệp). Bình phong có mái che kiên cố, gồm 4 trụ xi măng tròn, mái lợp ngói móc. Phía Tây bình phong có một khám thờ, hướng vào trong miếu, bên trong đắp nổi chữ: (Nương). Trước hiên có đặt một đỉnh hương lớn bằng xi măng.

           Tổng thể miếu gồm có hiên, tiền đường và hậu tẩm. Mỗi hạng mục có 2 mái, lợp ngói âm dương, bờ chảy uốn lượn. Vị trí đầu 2 bờ chảy ở hiên trang trí đồ án con lân, bờ nóc hiên với chính giữa trang trí đồ án đôi chim phượng chầu nguyệt, hai đầu hồi trang trí đồ án rồng; bờ nóc chính điện trang trí đồ án “Lưỡng long triều dương”. Hệ khung chịu lực gồm các cột chất liệu xi măng (08 cột) tiết diện tròn; hệ kèo, trính bằng gỗ; kiểu trính cột trốn trụ đội; đòn đông có tiết diện tròn, các đòn tay và hệ vì kèo có tiết diện vuông; tường bao che xây gạch, tô trát xi măng, quét vôi màu vàng; nền miếu được lát gạch đỏ.

         Tiền đường chia làm 03 gian; mặt tiền có 3 lối vào giống nhau và hai lối vào hai bên hông dạng hình vòm, hệ cửa mặt tiền gồm có ba bộ cửa gỗ, kiểu cửa “thượng song hạ bản”. Trong tiền đường có hai án thờ, sát tường phía Đông, Tây, là nơi thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền có công khai khẩn vùng đất. Quần bàn vẽ màu đề tài chim phượng trong một hình tròn, xung quanh viền trang trí quầng lửa, xung quanh chim phượng là các đám mây cuộn. Hình ảnh chim phượng ở hai quần bàn án thờ có điểm khác biệt, cụ thể:

         - Chim phượng ở quần bàn Tiền hiền: phần thân màu xám; phần cánh có các màu xanh lá cây, vàng, hồng; phần đuôi có màu xanh lá cây và màu vàng tươi; tư thế đứng thẳng, hai cánh dang ra hai bên.

         - Chim phượng ở quần bàn Hậu hiền: phần thân màu xám (giống nhau), phần cánh có các màu đỏ, xanh lá cây, vàng sẫm; phần đuôi có màu xanh lá cây và màu vàng sẫm; tư thế đứng một chân chạm đất, một chân vung lên không trung, hai cánh dang ra hai bên.

         Phía trên hai án thờ Tiền hiền và Hậu hiền, vị trí sát tường có đắp vẽ ngai thờ. Ngai thờ án thờ Tiền hiền, chính giữa ngai thờ cẩn sành chữ Hán: 前 賢 (Tiền hiền), hai viền hai bên ngai thờ đắp nổi cặp câu đối chữ Hán: 德 貽 謀 來 遠 矣; 英 灵 述 永 (Công đức di mưu lai viễn hỉ; Anh linh thiệu thuật vĩnh miên trường). Ngai thờ án thờ phía Tây, chính giữa ngai thờ cẩn sành chữ Hán: (Hậu hiền), hai viền hai bên ngai thờ đắp nổi cặp câu đối chữ Hán: ; 徴 田 創 業 義 難 忘 (Nhân thổ khai cơ ân bất dịch; Trưng điền sang nghiệp nghĩa nan vong).

         Chính giữa tiền đường, trước lối vào hậu tẩm bố trí một bàn hương án, chất liệu bằng gỗ, bên trên đặt 01 lư hương (chất liệu đồng), cặp chân đèn (chất liệu đồng), 01 chuông (chất liệu đồng), 01 bát hương (chất liệu sành), bình hoa, ly nước, nhang, trầm.

         Phía trên lối vào hậu tẩm trang trí bức hoành hình cuốn thư, viết chữ Hán: 成 南 (miếu Thành Nam). Hai bên tường khắc chìm cặp câu đối chữ Hán: 南 地 承 傳 自 古 江 山 鐘 毓 秀; 成 豊 遺 事 跡 當 今 宙 宇 復 重 光 (Nam địa thiệu thừa truyền tự cổ giang sơn chung dục tú; Thành phong di sự tích, đương kim trụ vũ phục trùng quang).

         Lối vào hậu tẩm không có cửa, bên trong hậu tẩm là nơi thờ Thần, Tả ban và Hữu ban. Chính giữa, sát tường là án thờ Thần, quần bàn trang trí đồ án rồng, phía trên bệ thờ đắp vẽ, trang trí ngai thờ, chính giữa cẩn sứ chữ 神 (Thần), trán ngai thờ đắp nổi các chữ Hán: (Tại như thành kỉnh), hai viền đắp nổi cặp câu đối chữ Hán: ; (Hiển hích vạn niên tồn; Uy linh thiên cổ tại).

         Quần bàn án thờ Tả ban trang trí phong cảnh sông nước, ghe thuyền. Quần bàn án thờ Hữu ban trang trí phong cảnh núi sông, nai. Trên ngai thờ Tả ban và Hữu ban cẩn sứ các chữ Hán: (Tả ban), (Hữu ban).

         Trải qua bao biến động của lịch sử, ngôi miếu vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương. Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ cúng tại miếu theo nghi thức truyền thống vào ngày 16 tháng 1 và ngày 15 tháng 7 âm lịch. Bên cạnh đó thì việc hương khói vào các ngày sóc (mồng 1) và ngày vọng (ngày rằm) được nhân dân duy trì. Miếu Nam Thành đã được ghi vào Danh Mục bảo vệ của Thành phố Hội An năm 2000.

Tác giả: Trần phương

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây