Đến thời kỳ có khách nước ngoài đến, hàng hóa hội tập nhiều, cả Đô thương cảng Hội An là một chợ lớn. Nếu phố có hiệu buôn, kho hàng... của thương nhân thì chợ trước sau vẫn là nơi tụ hội của dân tứ xứ trong địa phương, buôn bán cơ động, vốn ít nhưng hàng hóa lại đa dạng, dồi dào. Trong cuốn “Người Châu Âu ở An Nam”, đoạn viết về Hội An, C.May Bon đã có nhận xét: “Thổ dân có thói quen mang đến những sản phẩm trong vùng như tơ lụa sống, tơ đã dệt gỗ đóng đồ đạc, gỗ trầm hương, đồng, xạ hương, quế, hạt tiêu, gạo và các tàu Trung Quốc...” Trong ký ức con người Hội An ngày nay vẫn còn vang vọng nhiều câu ca dao dí dỏm ghi nhận hoạt động của Chợ Hội An: Hàng trầu, hàng cau là hàng con giá
Hàng bánh hàng trái là hàng bà già
Hàng Bông hàng Hoa là hàng Nhật Bản
và câu hát ghẹo:
“
Chợ Hội An trăm vật trăm ngon Ngươi từ từ lỗ miệng để chồng con được nhờ”
Chợ Hội An hiện nay vẫn phản ảnh bóng dáng xa xôi của Chợ xưa và cả sự phồn thịnh của một đô thị thương cảng từng nổi tiếng một thời. Đây là nơi thu hút hàng hóa ở cả mặt đường thủy và đường bộ, xa và gần. Người dân cả một vùng bên phía sông Thu Bồn kéo dài từ Trung Phường, Nồi Rang, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Bàn Thạch, Bà Rén, đến Gò Nổi, Điện Phương theo đường sông đến Hội An. Đi theo đường bộ bằng những phương tiện, xa như Điện Dương, Cẩm Hà, Trà Quế, An Bàng, Phước Trạch, Cẩm Thanh, Cẩm Châu cũng điểm hẹn là Chợ Hội An.
Ở thời kỳ trước, nếu chợ Hội An là nơi thu hút giao dịch và là bộ mặt thể hiện mức độ cung - cầu lớn của một thương cảng có ý nghĩa Quốc tế thì ở thời kỳ sau và hiện nay, chợ Hội An vẫn có ý nghĩa giao dịch chung cho cả một vùng không riêng ở thị xã Hội An và cả một số xã của các huyện bạn, Duy Xuyên, Điện Bàn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền