BẢO TÀNG VĂN HÓA DÂN GIAN

Thứ hai - 05/08/2013 00:34

BẢO TÀNG VĂN HÓA DÂN GIAN

Bảo tàng Văn hóa Dân gian là một trong những bảo tàng chuyên đề đặc sắc ở Hội An. Bằng những hình ảnh, hiện vật gốc và các hoạt động trình diễn, Bảo tàng đã thể hiện các giá trị thuộc văn hoá phi vật thể, giới thiệu về bề dày truyền thống văn hoá, sự sáng tạo, những đóng góp của các thế hệ cư dân địa phương trong quá trình xây dựng phát triển vùng đất Hội An.
        Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An mở cửa đón tiếp khách tham quan từ ngày 24 tháng 3 năm 2005. Nguyên đây là ngôi nhà cổ điển hình trong Đô thị cổ, có chiều dài 57m, chiều ngang 09m, gồm hai tầng, sàn bằng gỗ, thông hai mặt phố Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng.
         Bảo tàng Văn hóa Dân gian là một trong những bảo tàng chuyên đề đặc sắc ở Hội An. Bằng những hình ảnh, hiện vật gốc và các hoạt động trình diễn, Bảo tàng đã thể hiện các giá trị thuộc văn hoá phi vật thể, giới  thiệu về bề dày truyền thống văn hoá, sự sáng tạo, những đóng góp của các thế hệ cư dân địa phương trong quá trình xây dựng phát triển vùng đất Hội An.

 

 
Với diện tích 369m2,  bảo tàng trưng bày 483 hiện vật với 4 chủ đề chính đó là:
                                                                                              - Nghệ thuật tạo hình dân gian
                                                                                              - Nghệ thuật diễn xướng dân gian
                                                                                              - Các làng nghề truyền thống
                                                                                              - Sinh họat dân gian

     Ngoài ra, ở tầng 1 của bảo tàng còn có hoạt động trình diễn và trưng bày giới thiệu một số sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Hội An như đèn lồng, hàng tơ tằm, tranh giấy dó, dệt chiếu...
     Bên cạnh đó, Bảo tàng Văn hóa Dân gian còn lưu giữ hơn 346 hiện vật tại kho, đó là bộ sưu tập trang phục của người Hoa, người Việt, sưu tập các dụng cụ, công cụ và sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Hội An,…Những hiện vật này rất đa dạng về chất liệu và chủng loại, là cơ sở và nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày luân chuyển hiện vật trong bảo tàng.

 
             NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH DÂN GIAN

 

 
                Nghệ thuật tạo hình dân gian ở Hội An được thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc, chạm trổ trên gỗ, các phù điêu bằng sành sứ, các tượng thờ, tượng trang trí bằng đồng, hợp chất, gỗ, đất nung, các loại tranh thủy mặc, tranh màu, các hoành phi, liễn đối khảm, cẩn xà cừ, ốc... Các tác phẩm này hiện đang được lưu giữ, bài trí ở nhiều gia đình, nhiều di tích tôn giáo - tín ngưỡng để tô điểm cho vẻ đẹp của Di sản Hội An qua đó góp phần minh chứng cho sự tinh tế, tài hoa của các thế hệ nghệ nhân dân gian địa phương ở lĩnh vực này.
 
              NGHỆ THUẬT DIỄN XƯỚNG DÂN GIAN
 

         - Múa Thiên cẩu là một loại múa vật linh khá đặc biệt, lưu truyền ở Hội An từ lâu đời và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người dân phố Hội. Ký ức về tết Trung Thu của nhiều thế hệ cư dân ở đây sẽ nghèo đi nếu thiếu tiếng vọng “cắc, tùng, tùng” của múa Thiên cẩu, ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng bánh ú, ông sao và những đầu Thiên cẩu rộn ràng kéo nhau đi dưới ánh trăng rằm tháng Tám êm ả chảy tràn khắp phố xá... Trải qua quá trình phát triển, múa Thiên cẩu dần trở thành là lối múa dân gian đặc trưng ở Hội An, có bài bản và kỷ thuật riêng, gắn với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc, cầu trăng sáng để mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

         - Hát bả trạo là một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến của ngư dân Hội An nói riêng, duyên hải miền Trung nói chung. Hiện nay, lối diễn xướng này vẫn được bảo lưu tại địa phương và được tổ chức thường xuyên vào các dịp lễ cầu ngư hay tế cá Ông hàng năm. Theo một số nghệ nhân cao tuổi, hát bả trạo có mặt ở Hội An từ lâu đời. Hát bả trạo hay hát bạn chèo đưa linh, là lối hát có cầm mái chèo, diễn tả động tác đang bơi ghe, chèo thuyền. Đội hình trình diễn bao gồm ba hoặc bốn ông tổng và đám bạn chèo có từ 10 đến 16 người tùy theo sự sắp xếp của từng đội chèo, bên cạnh đó còn có ban nhạc lễ, người đánh trống chầu...Hát bả trạo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân Hội An. Đây là hoạt động vừa thể hiện sự thương tiếc, thành kính cá Ông “Ngọc Lân Nam Hải”, vị thần đã giúp họ trong những khi hoạn nạn trên biển, đồng thời vừa là sự cầu mong bình an trước cảnh sóng nước mênh mông, cầu mong một năm được mùa, bội thu hải sản.

          - Bài chòi là một trò chơi dân gian lưu hành phổ biến ở Hội An cũng như một số địa phương ở miền Trung. Đây là một trò chơi dân gian khá độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông đảo người chơi từ nông thôn cho đến phố thị tham gia, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên Đán cũng như vào các ngày lễ hội lớn. Bộ bài chòi được làm từ bộ bài tới, dán lên các thẻ tre hoặc gỗ, gồm hai loại: loại thẻ lớn, dán ba con bài dùng để phát cho người chơi, loại thẻ nhỏ, dán một con bài dùng để cho người hiệu rút và hô hát. Mỗi con bài có những lời hát riêng để diễn đạt, được người hiệu trình diễn rất bài bản, vui nhộn và sinh động. Trước đây, Hội chơi bài chòi thường được tổ chức ở những địa điểm công cộng như sân đình, sân bãi rộng, gồm hai dãy chòi dành cho người chơi và một chòi cái dành cho Ban tổ chức cũng như cho người hô hát, diễn xướng. Gần đây, trò chơi này lại được phục hồi vào các đêm phố cổ hàng tuần, hàng tháng, thu hút đông người chơi đủ mọi lứa tuổi.
           
 LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

 
           - Nghề đánh bắt sông nước Hội An được hình thành trên mảnh đất tuy nhỏ bé (diện tích tự nhiên khoảng 60km2) nhưng nằm ở vị trí vùng cửa sông - ven biển, rất đa dạng về môi trường sinh thái tự nhiên, đặc biệt là dạng sinh thái sông nước, cùng với nó là các loại thủy - hải sản. Hơn nữa, ở đây kết cấu khối cộng đồng cư dân với chủ nhân chính là người Việt từ đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tiếp cư với người Champa bản địa, có sự hội nhập của cư dân Hoa, Nhật Bản, có sự giao lưu với cư dân nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á, vì thế, nghề đánh bắt sông nước truyền thống ở Hội An có lịch sử lâu đời, được hình thành và phát triển từ kinh nghiệm của nhiều nhóm - thành phần cư dân khác nhau cùng chung sống trên mảnh đất này. Những đặc điểm trên đã quyết định diện mạo đa dạng, phong phú, độc đáo và đầy tính hấp dẫn của các ngành nghề sông nước, của các công cụ đánh bắt sông nước ở Hội An mà chúng ta có thể bắt gặp ở đây những hình ảnh thật sinh động về các nhóm công cụ đánh bắt ao, hồ, bàu mương, ruộng nước ngọt; nhóm ở các hói, đầm, sông rạch nước lợ; nhóm ở các vùng biển - ven đảo nước mặn.
 
       
       - Nghề buôn ở Hội An
: Xuất phát từ nhiều yếu tố thuận lợi, vượt lên tâm lý truyền thống “trọng nông - ức thương” của xã hội phong kiến Việt Nam - Nghề buôn bán cũng như hoạt động thương nghiệp ở Hội An đã sớm hình thành và đóng vai trò hết sức quan trọng để nơi đây trở thành một Đô thị thương cảng quốc tế nổi tiếng của Việt Nam suốt các thời kỳ Trung - Cận đại ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.
 “Tơ, cau, thuốc chở đầy ghe
Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần
          Dân gian Xứ Quảng - Đàng Trong đã ca ngợi như thế và nhiều sử gia, thương nhân đương thời cũng ghi nhận tương tự về nghề buôn ở Hội An. Chính nghề buôn bán và hoạt động thương nghiệp - ngoại thương đã đưa thương cảng Hội An lên tầm vóc của một cảng thị thuyền buồm quốc tế, xứng đáng đại diện điển hình cho cả Đàng Trong - Việt Nam, nơi đón nhận rất nhiều thuyền buôn nước ngoài ghé bến, bán buôn mà cột buồm của chúng dày đặc “như rừng tên xúm xít” và hàng hóa trao đổi ở đây phong phú, dồi dào “không thứ gì là không có” đến nỗi “100 chiếc thuyền to chở cùng một lúc cũng không hết được”.  Đặc biệt, nơi đây “chợ không hai giá”, “buôn bán dễ dãi, xâu thuế nhẹ nhàng... tục mỹ phong thuần, khiến cho lòng khách viễn phương đều muốn kiết cư lập nghiệp”.
 
       - Nghề nông: Hội An đất hẹp, diện tích trồng trọt, chăn nuôi không nhiều nhưng nghề nông ở Hội An đóng vai trò khá quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của toàn Thành phố.Nghề nông trên mảnh đất cảng thị này vẫn mang đậm những bản sắc, những đặc trưng cơ bản của nền nông nghiệp truyền thống Việt Nam trên nhiều phương diện. Vẫn phổ biến với nghề trồng lúa nước trên những cồn bàu, những cánh đồng phù sa An Mỹ, Sơn Phô, Cửa Suối, Đồng Nà,... Vẫn chuyên cần với những bãi bắp ven sông của Xuyên Trung, Châu Trung, Kim Bồng, Nam Ngạn,... Vẫn miệt mài chăm sóc những bầy heo, gà, vịt, ngỗng,... trong những chuồng trại tranh tre đơn giản... Vẫn cần mẫn chế tác các công cụ một cách sáng tạo và phù hợp với phương thức sản xuất của mình. Người nông dân Hội An định cư trên vùng đất cửa sông - ven biển, luôn đứng trước những hiểm họa của thiên nhiên như bão, lốc từ biển Đông, lũ lụt từ thượng lưu Vu Gia, Thu Bồn,... Vì vậy, sự gắn kết, nương tựa, đùm bọc lẫn nhau để bảo vệ gia súc, mùa màng, nhà cửa, tính mạng... là mối quan tâm thường trực đối với họ. Tình làng nghĩa xóm và những tập quán tốt đẹp của nếp sống làng xã được vun đắp suốt chiều dài lịch sử và duy trì cho đến ngày nay.

        - Nghề y cổ truyền: Đô thị cổ Hội An, từ thế kỷ XVI, XVII, từng là tụ điểm của ngành Đông y ở Đàng Trong. Hàng hóa xuất nhập tại đây có nhiều loại dược liệu quý, thường được gọi bằng cái tên dân dã là thuốc Bắc nếu nhập từ Trung Quốc, hoặc thuốc Nam nếu là hàng nội địa. Vào thời kỳ ấy, dọc các đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi ngày nay có nhiều tiệm thuốc Bắc, thuốc Nam cùng nhiều thầy thuốc giỏi. Những kinh nghiệm chữa trị của các thầy thuốc ở Hội An đã góp phần đáng kể để phát triển nghề y cổ truyền của địa phương cũng như của Quảng Nam, Đàng Trong. Hoạt động điều trị ở đây bao gồm các khâu liên hoàn từ bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, điều chế hoặc trồng hái cây lá thuốc... Nhiều tư liệu cho biết, ngay tới tận đầu thế kỷ XX, khi ngành Tây y chưa phổ biến, người dân khắp nơi đã đổ về phố Hội An cắt thuốc, chữa bệnh rất đông đảo. Trải qua bao biến đổi của thời gian, và thay đổi thói quen của con người, ngày nay ngành Đông y cổ truyền ở Hội An vẫn được trân trọng, duy trì, ngày càng có xu hướng phát triển và có uy tín lớn không những đối với nhân dân địa phương mà còn đối với khá nhiều du khách từng bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh tại đây.  

      - Nghề mộc Kim Bồng: Từ Khu phố cổ Hội An nhìn chếch theo hướng Tây Nam bên kia sông Hoài là làng mộc Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu), nay phần lớn thuộc xã Cẩm Kim, Thành phố Hội An. Cùng với sự phát triển hưng thịnh của Đô thị - thương cảng Hội An, làng mộc Kim Bồng hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII và tiếp tục không ngừng mở rộng vào các thế kỷ sau. Tổ tiên nghề mộc Kim Bồng có gốc gác từ nhiều vùng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đến Hội An định cư, lập nghiệp. Tại đây, họ có điều kiện tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm, kỹ thuật mộc - nề từ nhiều nguồn gốc khác nhau gồm Chăm, Hoa, Nhật, Phương Tây... để hình thành nên một phong cách mộc - nề riêng của nghề mộc Kim Bồng, Hội An, Quảng Nam. Các hiệp thợ mộc Kim Bồng là tác giả chính làm nên quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An cũng như nhiều công trình kiến trúc tuyệt mỹ ở Quảng Nam, và kinh thành Huế. Họ cũng chính là tác giả của những chiếc ghe bầu Quảng Nam nổi tiếng và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ tinh xảo, mỹ thuật hiện đang được lưu giữ tại địa phương cũng như tại nhiều nơi trong và ngoài nước. 

        - Nghề gốm Nam Diêu - Thanh HàTương truyền vào khoảng thế kỷ XVI, XVII những thợ thủ công từ Thanh Hóa, Nghệ - Tĩnh đã đến Thanh Hà  lập làng và xây dựng nên nghề làm gốm truyền lại cho đến ngày nay.  Sản phẩm gốm Nam Diêu, Thanh Hà chủ yếu không có men, xương gốm mịn, hình dáng cân đối, mềm mại. Một số đồ gia dụng còn được điểm xuyết hoa văn viền chỉ nổi ở quanh vai hoặc có men đơn sắc màu nâu đen, vàng sậm...Trong lịch sử, do có vị trí cận thị, cận giang cùng với đội ngũ vận tải bằng ghe bầu đông đảo nên sản phẩm gốm Nam Diêu, Thanh Hà không chỉ tiêu thụ mạnh ở cảng thị Hội An, các tỉnh duyên hải miền Trung - Việt Nam mà có giai đoạn còn là một mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm gốm Thanh Hà đã được sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi danh trong phần thổ sản tỉnh Quảng Nam. Những năm gần đây, nghề gốm Nam Diêu, Thanh Hà từng bước được phục hồi, góp phần cung cấp các sản phẩm gia dụng, thủ công mỹ nghệ, phục vụ đời sống hàng ngày của cư dân địa phương và nhu cầu thưởng ngoạn của khách tham quan du lịch.

       - Nghề may là một nghề truyền thống hình thành tại Hội An từ khá sớm. Ban đầu là may thủ công bằng tay để tạo nên những bộ quan phục, lễ phục, thường phục, phục vụ nhu cầu may mặc vốn rất đa dạng của nhiều thành phần cư dân Chăm, Việt, Hoa, Nhật, Phương Tây... từng định cư, buôn bán ở đô thị - thương cảng Hội An. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nghề may ở Hội An tiếp tục phát triển với những bàn máy may cổ điển và nhiều hiệu may nổi tiếng chuyên may quốc phục, âu phục.. Gần đây, trong xu thế mở cửa và hội nhập, nghề may ở Hội An lại khởi sắc, phát triển một cách nhộn nhịp với các dịch vụ may sẵn, may nhanh được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng

 
 SINH HOẠT DÂN GIAN TRUYỀN THỐNG

 

 
         - Trang phục truyền thống ở Hội An: Trang phục, cùng với nếp ăn, nếp ở là những yếu tố thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa của một cộng đồng cư dân, nhất là đối với một cộng đồng gồm nhiều lớp, nhiều cội nguồn khác nhau như ở Hội An. Nơi đây, vốn có cư dân Chàm sinh sống; rồi có người Việt ở phía Bắc vào suốt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, XIX. Hơn nữa, đây còn là điểm đến định cư ổn định, lâu dài, khá quan trọng của một bộ phận cộng đồng người Hoa và thương nhân Nhật Bản vv... Họ đến với Hội An, đem theo những thói quen sử dụng trang phục của mình, cùng với sự chi phối mạnh mẽ của nhà nước phong kiến để rồi qua nhiều đời, nhiều thời, dần hình thành nên trang phục phù hợp với cảnh quan môi trường, xã hội ở vùng đất mới - Hội An. Điều này thể hiện phần nào trong những bộ trang phục tiêu biểu của nhóm cư dân người Việt và người Hoa được giới thiệu ở đây.

        - Tục lệ cưới hỏi ở Hội An: Cũng như những hình thái văn hóa văn nghệ dân gian khác, những tập tục, nghi lễ trong cưới hỏi ở Hội An vừa có những yếu tố chung của dân tộc, vừa có những đặc điểm riêng, mang tính địa phương. Một đám cưới đầy đủ ở đây gồm các lễ: Bắn tin, thăm nhà, vấn danh, đính hôn (lễ hỏi), thỉnh kỳ, thân nghinh (nhóm họ, rước dâu, lễ tơ hồng, lễ gia tiên, động phòng), lại mặt. Tuy vậy, ở Hội An tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình, các lễ này không nhất nhất phải đầy đủ mà có thể giảm bớt một số, chỉ giữ lại những lễ chính. Một số tục lệ liên quan đến cưới hỏi của người Việt vẫn được duy trì như tục ở rễ, tránh mặt, xem tuổi, xem ngày v.v... Cộng đồng người Việt gốc Hoa ở đây còn bảo lưu một số tục lệ riêng về cưới hỏi, về cách thức tổ chức lễ cưới khá quy mô, bài bản, góp phần làm phong phú các hình thức cưới hỏi  cũng như các đám cưới truyền thống ở Hội An

                  * Thông tin cần biết:

          - Địa chỉ:     33 Nguyễn Thái Học - Hội An
                             62 Bạch Đằng - Hội An
          - Điện thoại: 0510. 3910948
          - Thời gian tham quan: từ 7h00 đến 21h00 hằng ngày
          - Ghi chú: Ngày 20 hằng tháng Bảo tàng đóng cửa thực hiện công tác chuyên môn
          - Nội quy tham quan bảo tàng:
          1. Có vé tham quan
          2. Trang phục lịch sự khi vào tham quan bảo tàng
          3. Không sờ vào hiện vật
          4. Mọi hành vi hư hại tài sản, hiện vật phải bồi thường
          5. Giữ gìn trật tự, vệ sinh chung
          6. Mọi yêu cầu, góp ý xin liên hệ với nhân viên quản lý hoặc ghi vào sổ góp ý

 

Tác giả: Phòng Bảo Tàng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây