Tháng 9, tụi nhỏ bắt đầu tựu trường, nên sáng sớm tôi dậy sớm nấu cơm. Miền Nam đang ở thời điểm giao mùa mưa - nắng, lại ảnh hưởng bão nên buổi sáng mưa lâm thâm, hạt nặng hạt nhẹ rơi xuống cây chuối ngoài khung cửa sổ bên hè. Trong dòng suy nghĩ sáng nay nấu gì cho con ăn sáng đến trường, tôi nhớ tô cơm hến Cẩm Nam nóng ngày xưa quá!
Xã hội hiện đại khiến khoảng cách địa lý giữa quê và nhà gần lại, tôi có thể thấy ba, thấy má mỗi ngày qua cái điện thoại thông minh. Nhưng khổ nỗi, món hến thì không thể thỏa mãn qua cái nhìn, mà phải ăn và cảm nhận. Hến Cẩm Nam có thể được cấp đông, gửi vào phương Nam dễ ẹc, nhưng mỗi lần ăn, khó lắm tôi mới tìm được cái cảm giác của ngày xưa.
Buổi sáng muốn ăn cơm hến cơm nguội, tối hôm trước má tôi dặn phải dậy sớm, canh cho bằng được cô bán hến Cẩm Nam. Tôi đặt đồng hồ mà thao thức, nằm lì trên giường và dỏng tai nghe tiếng rao “Ai… hến... không” quen thuộc. Cái cảm giác “thèm” nhất là lúc cô bán hến mở cái xoong nước ra, khói nóng lẫn mùi hến luộc bốc lên khiến tôi phải nén tiếng nuốt nước bọt.
Mang được tô ruột hến với nồi nước luộc hến còn nóng vô tới nhà là bụng tôi sôi òng ọc. Không kiềm được nữa, tôi múc vội vá cơm nguội, bỏ hến chan nước vào tô húp sùm sụp.
Kế bên má tôi vừa rửa rau vừa la khẽ khàng: “Con gái con đứa ăn chi cũng từ từ, đợi má nấu lên bỏ thêm miếng rau vô không được hả bây”. Miệng nói vậy nhưng nhìn lại tôi ăn tô cơm nguội siêu nhanh, má lấy tay quệt nước trầu nơi khóe miệng tủm tỉm cười.
Tha hương vào miền Nam lập nghiệp, tôi mang theo bao ký ức ngọt ngào của Hội An yêu dấu, trong đó có từng con hến nhỏ Cẩm Nam. Mặc dù ở Hội An, hến có ở rất nhiều nơi như Cẩm Châu, Cẩm Kim hoặc Cửa Đại nhưng riêng hến ở Cẩm Nam là ăn đậm đà hơn hẳn. Bởi Cẩm Nam là vùng đất hạ lưu, nơi giao nhau giữa hai dòng nước mặn và ngọt nên con hến có mùi vị rất đặc biệt, ăn là nhớ mãi.
Một phần nữa, hến ngon còn phụ thuộc kỹ thuật nấu và chế biến. Má tôi kể, hồi xưa cào hến cực lắm, có được con hến ăn gian nan vô cùng. Xưa cào bằng tre, kéo bằng sức người. Nay đỡ hơn kéo bằng mô tơ, cào bằng lưỡi sắt bọc lưới. Rồi về rửa sạch, nấu mấy lần sôi mấy lần trào, rồi đãi hến, cuối cùng có người phải thắng hến mới cho ra một “nhả” hến ngon.
Mỗi công đoạn một kỹ thuật kèm bí quyết, cho nên con hến Cẩm Nam trở thành đặc sản cũng là dễ hiểu. Vì vậy, đến Hội An du lịch, ngoài tham quan, trải nghiệm ẩm thực, du khách nhất định một lần phải thưởng thức hến xào xúc bánh tráng Cẩm Nam.
Không dung dị như cơm hến cơm nguội, hến xào Cẩm Nam cuốn khách còn bởi dầu phụng, hành lá rau răm Trà Quế và xíu hành tây ngọt hòa quyện với nhau, hợp như tri kỷ lâu ngày gặp lại.
Giữa không gian sông nước cồn bãi, bẻ rốp miếng bánh tráng nướng xúc ít hến rồi thưởng thức còn gì bằng. Chợt nhận ra món ngon nhớ lâu ấy không chỉ ngon từ vị hến mà cả khung trời thơ ấu, cái bóng lưng của mẹ và buổi giao mùa chẳng thể tả thành lời.
“Nghề hến không đói mà no/ Cái ruột cái vỏ cái tro cũng tiền”. Làm nghề hến có lâu đời đi chăng nữa, cũng khó mà giàu lắm! Nhưng nghe những câu chuyện về con hến của má tôi từ ngày ấu thơ cho đến nay, tôi thầm cảm ơn nghề hến đã giúp cho bao người có cuộc sống yên ổn.
Nghề hến ở đâu cũng vậy, chỉ cần chịu khó, tỉ mẩn thì sống đủ quanh mùa từ đầu năm đến tháng 8 âm lịch. Còn người ăn hến thì cứ đợi ngày nước lớn, rồi nước ròng là tìm đến lò hến. Hoặc chờ mỗi sáng nghe cho bằng được tiếng rao “Ai hến không” của cô bán hến Cẩm Nam mà mua, rồi thưởng thức ngay thì nỗi nhớ ấy sẽ khôn nguôi như tôi, ngay lúc này vậy.
Con hến nhỏ, mà sao nỗi nhớ quá lớn như vầy?
Tác giả: PHƯƠNG DUNG
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn