Hình thành chợ phiên
Mới đây, chợ phiên ở làng chài Tân Thành (phường Cẩm An) đã được mở ngay trên tuyến đường Nguyễn Phan Vinh. Hai bên tuyến đường này trước đây những hàng quán, nhà dân vẫn bán buôn, sinh hoạt như thường lệ, nay được thiết kế thành một khu chợ phiên, với cách bố trí không gian bắt mắt, tạo điểm tham quan, mua sắm cho mọi người. Ngoài các mặt hàng tiêu dùng thân thiện với môi trường, trong chợ phiên Tân Thành còn có cả những điểm bán sách, tranh ảnh, đặc biệt là điểm bán hàng có kết hợp biểu diễn âm nhạc…
Chợ phiên này do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với UBND TP.Hội An tổ chức, tạo cơ hội kinh doanh cho những người muốn mua bán, thanh lý đồ cũ, đồ tái chế, hàng hóa tự sản xuất theo tiêu chí sạch. Đặc biệt, ở đây, người bán sử dụng lá chuối và túi giấy để gói sản phẩm.
Tại phiên chợ, người dân địa phương và những gia đình người nước ngoài sinh sống trong khu vực giao lưu thân mật, gần gũi, tạo nên cảnh làng - phố - chợ rất khác với chợ truyền thống. Đây cũng là hình ảnh thường thấy mỗi khi có chợ phiên ở công viên cây xanh Sơn Phô 1 (phường Cẩm Châu). Nhiều mặt hàng Oganic, hữu cơ đã được bày bán, tạo nên nét độc đáo cho chợ phiên này. Người mua, người bán đều vui vẻ, thân thiện, luôn ứng xử văn minh, giữ nụ cười thân quen với nhau.
Ông Phạm Mèo (một nông dân trồng rau hữu cơ) cho biết: “Chợ phiên Sơn Phô 1 tuy không thường xuyên, có khi cách tuần mới có chợ nhưng mỗi lần họp chợ, nhiều người dân ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh cũng mang rau hữu cơ đến đây bán. Liên xã, liên phường như vậy cũng giúp bà con tiêu thụ nông sản sạch, dần dà, cứ đến ngày chợ phiên, người dân trong thành phố lại tìm đến vì họ xem chợ phiên này giống như địa chỉ bán rau hữu cơ, rau sạch và các mặt hàng nhà làm”.
Mới đây, trong dịp chào đón năm mới 2021, một chợ phiên khác cũng đã được TP.Hội An tổ chức ngay bên bờ sông Hoài, thuộc khu vực An Hội, phường Minh An. Chợ phiên diễn ra chủ yếu vào buổi tối, với những gian hàng của các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh, đặc biệt còn có nhiều mặt hàng là các sản phẩm nhà làm hoặc sản phẩm OCOP.
Xây dựng chợ truyền thống
Những năm qua, ngoài việc mở các chợ phiên, TP.Hội An đã đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn để xây dựng, nâng cấp, đảm bảo không gian bán buôn, mua sắm của người dân và tiểu thương tại các chợ truyền thống, như chợ trung tâm thành phố, chợ xã Cẩm Kim, Cẩm Hà, chợ phường Cửa Đại, Cẩm An, Tân An, mới đây nhất là chợ xã đảo Tân Hiệp và chợ Bà Lê (phường Cẩm Châu).
Nhiều chợ được xây dựng kiên cố, có phân khu hàng hóa phù hợp, có thêm nhà giữ xe, công trình nhà vệ sinh, hệ thống báo cháy, cứu hỏa... Đơn cử như chợ Trung tâm thành phố Hội An, với các phân khu chức năng phù hợp (gồm khu chợ vải, quần áo, dày dép; chợ hải sản, khu chợ ẩm thực, khu gia vị…) đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.
Ngoài chợ trung tâm, ở các xã phường có chợ quy mô lớn, trở thành chợ khu vực như chợ Bà Lê, có thể đáp ứng nhu cầu bán buôn của người dân các xã phường Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Châu và kể cả người dân, tiểu thương ở các xã lân cận như xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Mới đây, 2 khu chợ kiên cố bán hàng quần áo, gia vị, hàng ăn và thực phẩm trong khuôn viên chợ Bà Lê đã được đưa vào sử dụng, tiểu thương trong chợ rất phấn khởi.
Chị Nguyễn Thị Lý, người bán gia vị trong chợ nói: “Hàng gia vị nay được dọn về đây, ai vào cũng khen là quang rạng, sạch sẽ, không lo bị chuột cắn phá, mưa dột, lụt lội, hư mốc hàng hóa như chợ cũ. Và quan trọng là khi bán hàng ở đây, mùa nắng không còn say nắng như hồi chợ cũ lợp tôn, thấp lè tè ngay trên đầu”.
Với việc hình thành các chợ phiên cũng như đầu tư các chợ truyền thống kiên cố, đảm bảo, Hội An đang tạo đà phát triển kinh tế thương mại, giúp người dân bán buôn, mua sắm, tiêu dùng thuận lợi, mang lại cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Thành phố đã dành nhiều nguồn lực, kể các nguồn của chương trình nông thôn mới để xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ đúng theo quy hoạch chung của thành phố. Hội An phát triển không gian thương mại không chỉ qua hệ thống chợ mà chúng tôi còn đa dạng các loại hình như mini mart, một loại hình siêu thị - chợ mini, phục vụ du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài; tới đây còn tăng số lượng các phiên chợ phiên. Riêng trong chương trình OCOP, thành phố cũng hình thành thêm các cửa hàng, trung tâm dịch vụ quảng bá giới thiệu cấp vùng do UBND tỉnh chọn xây dựng tại Hội An. Quan điểm của thành phố là kéo giãn không gian thương mại ra vùng nông thôn, ven biển, giảm áp lực trong vùng trung tâm đô thị nên các không gian thương mại như chợ phiên, chợ truyền thống, cửa hàng OCOP, mini mart được chú trọng”.
Tác giả: LÊ HIỀN
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn