Tri thức dân gian có một vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của xứ sở, con người Hội An, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua hình thức truyền miệng, thể hiện những hiểu biết, kinh nghiệm trong sinh hoạt và lao động sản xuất của các lớp cư dân trên các mặt đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, số người nắm giữ tri thức dân gian ngày càng ít dần, tri thức dân gian về biển nói riêng và tri thức dân gian của cư dân Hội An nói chung đang đứng trước nguy cơ mai một do môi trường sống, môi trường lao động sản xuất thay đổi, điều kiện khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển...
Nhằm mục đích sưu tầm, nhận diện bước đầu đối với tri thức dân gian về biển tại Hội An giúp đội ngũ nghiên cứu có cái nhìn xâu chuỗi, liên hệ về môi trường, hoàn cảnh sống một thời của cư dân phố cổ, xác định giá trị, tầm quan trọng của tri thức dân gian trước đây và hiện nay cũng như xác định thực trạng của di sản phi vật thể này trên địa bàn thành phố để có cơ sở đề xuất biện pháp bảo vệ, phát huy; tạo lập kho tư liệu phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu, xác định giá trị để lập hồ sơ khoa học về tri thức dân gian về nghề đi biển ở Hội An. Vì vậy, trong tháng 10 này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tổ chức triển khai sưu tầm, nhận diện bước đầu tri thức dân gian về biển ở Hội An. Nội dung sưu tầm, nhận diện gồm: Xảm, trám, trét trong đóng, sửa ghe thuyền truyền thống của cư dân vùng hạ lưu sông Thu Bồn - Cửa Đại; Nghề đan thúng chai ở Hội An; Xác định phương hướng và dự báo thời tiết trong nghề đi biển ở Hội An.