Nhằm đáp ứng nhu cầu tu bổ sửa chữa di tích nhà ở của người dân, góp phần bảo tồn các giá trị kiến trúc, cảnh quan trong Khu phố cổ theo Quy chế của UBND tỉnh, trong năm 2023, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tiếp nhận 169 hồ sơ từ Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả Thành phố, trong đó Khu vực I là 61 hồ sơ, khu vực IIA là 54 hồ sơ, khu vực IIB là 54 hồ sơ.
Một góc phố cổ Hội An - Ảnh: Quang Ngọc
Qua kiểm tra, khảo sát và xem xét hồ sơ, Trung tâm đã tham mưu UBND thành phố giải quyết cấp phép 128 hồ sơ, hướng dẫn và trả lại 33 hồ sơ không đảm bảo điều kiện, đang tham mưu giải quyết 08 hồ sơ còn lại, không có trường hợp trễ theo phiếu hẹn.
Bên cạnh công tác tham mưu cấp phép, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra công tác Phòng cháy chữa cháy, giám sát tình hình xây dựng, sửa chữa, tu bổ di tích nhà ở và trật tự kinh doanh của nhân dân trong Khu phố cổ. Trong năm có 48 trường hợp sai phạm được báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý nhằm ngăn chặn việc sửa chữa, xây dựng sai phép, không phép làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan và sai lệch giá trị của di tích.
Ngoài ra, Trung tâm cũng tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế hoạt động của Ban Điều hành và Tổ Điều phối thực hiện “Kế hoạch Quản lý di sản văn hoá thế giới Khu phố cổ Hội An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030”; thực hiện cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan tại công viên Bạch Đằng - Hoàng Diệu; xây dựng Đề án quản lý bảo tồn và phát huy quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trong Khu phố cổ; phối hợp với UBND các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong chống đỡ các di tích, đồng thời đề nghị chặt tỉa cây xanh nhằm đảm bảo an toàn và cảnh quan di tích, qua đó tạo môi trường du lịch thân thiện thu hút khách tham quan.