Trên cơ sở đó, và trước tính chất phức tạp, khó khăn của chữ Hán, chữ Nôm lưu hành trên đất nước Đại Việt, các giáo sĩ Phương Tây đã cố gắng học tiếng Việt, dùng tiếng Việt để giảng đạo và dùng bộ chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt, để viết sách dạy giáo lý chứ không dùng chữ Hán, chữ Nôm đều là những văn tự rất khó học và đọc đối với người dân thường.
Kết quả là chữ quốc ngữ chính thức ra đời và là công trình tập thể của một số giáo sĩ phương Tây, trong đó tất nhiên có sự và hợp tác của nhiều người Việt Nam.
Nhưng cụ thể chữ quốc ngữ đã hình thành ở vùng nào và có trong thời điểm nào trên đất nước ta? Trong khi tìm hiểu lịch sử đô thị cổ Hội An, chúng tôi thấy Hội An đã đóng một vai trò khá đặc biệt trong quá trình hình thành chữ quốc ngữ trong nửa đầu thế kỷ XVII và góp phần xác nhận vị trí của Hội An trong lịch sử văn hoá Việt Nam. Đô thị - thương cảng này không những chỉ là một trung tâm kinh tế phồn vinh ở Đông Nam á thời Trung Cận đại mà còn là một trung tâm giao lưu văn hoá Đông - Tây của nước ta trong nhiều thế kỷ.
I/ Chữ quốc ngữ ra đời giữa thế kỷ XVII là một hiện tượng có tính qui luật trong trào lưu giao tiếp giữa văn hóa Phương Đông và Phương Tây: Khi các giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo ở các nước Đông á, họ vấp phải chướng ngại vật tiếng nói và chữ viết, đặc biệt khó là chữ Hán và chữ Nôm, chữ Nhật (
Kana). Họ liền bắt tay vào việc học và nghiên cứu các thứ tiếng Đông á và tìm cách la tinh hóa chữ viết của các nước Đông á. Đây là một việc làm có hệ thống, có qui mô lớn, áp dụng cho toàn Đông á. Chữ quốc ngữ ở Việt Nam ra đời vào giữa thế kỷ XVII không phải là một hiện tượng cá biệt mà nằm trong qui luật chung, khuynh hướng chung của công cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây thời ấy: Giản dị hóa sự hiểu biết các ngôn ngữ Châu á bằng cách lấy chữ cái la tinh thay thế các hệ thống chữ viết tượng ý ở Châu á, nhằm mục đích thực dụng trước mắt là làm cho việc truyền giáo được dễ dàng thông suốt.
Vào khoảng trước cuối thế kỷ XVI, một tín đồ Thiên Chúa giáo người Nhật là Yajiro đã dùng bộ chữ cái la tinh để phiên âm tiếng Nhật và sáng chế ra thứ chữ quốc ngữ Nhật Bản gọi là Romaji. Lập tức các nhà truyền giáo phương Tây đã sử dụng thứ chữ Romaji này, nhà in của các giáo sĩ dòng Tên (
Jésuites), tại Nhật Bản cho xuất bản những cuốn sách đầu tiên bằng chữ Nhật Bản la tinh hóa: một cuốn sách dạy giáo lý và cuốn tự điển La tinh - Bồ Đào Nha - Nhật Bản đầu tiên (
Dictionarium Latino lusitano Ae Japonicum) in năm 1595, tức là 30 năm trước khi Alexandre De Rhodes tác giả cuốn từ điển Việt - Bồ - La đặt chân đến Hội An lần đầu.
Và từ cuối thế kỷ XVI các nhà truyền giáo Phương Tây đã dùng các sách bằng chữ Romaji này để giảng dạy cho cộng đồng người Nhật theo đạo Thiên chúa sống tại Hội An
Vào năm 1632, tại Thánh bộ truyền giáo La Mã, một loạt sách mới bằng chữ Romaji lại được in để dùng vào việc truyền giáo ở Nhật Bản. Đó là 3 cuốn sách bằng chữ Nhật la tinh hoá của giáo sĩ dòng Đa Minh (
Dominicains) Daollado.
- Cuốn Phương pháp cáo tội và xét mình.
- Cuốn Văn phạm tiếng Nhật.
- Cuốn Từ điển tiếng Nhật.
Những sách bằng chữ Romaji này không những được dùng ở Nhật Bản mà còn được lưu hành tại Macao, tại Đà Nẵng, Hội An là nơi có nhiều giáo dân Nhật Bản lưu trú
(1) Song song với việc phiên âm tiếng Nhật bằng chữ cái la tinh, công việc phiên âm Hoa ngữ cũng được hai linh mục dòng Tên là Ruggieri và Ricci tiến hành vào những năm 1584 - 1588. Kết quả là cuốn từ điển Bồ Đào Nha - Trung Quốc đầu tiên được xuất bản. Đến năm 1598 hai giáo sĩ Ricci và Cattaneo đã phân biệt được các thanh trong Hoa ngữ, đồng thời sáng chế ra những ký hiệu để ghi các thanh đó. Họ cho xuất bản một tập ngữ vựng Bồ Đào Nha - Trung Quốc mới đầy đủ hơn cuốn từ điển Bồ - Trung ra đời 10 năm trước đó. Vào năm 1605 - 1606, Ricci cho phát hành tại Bắc Kinh cuốn giáo lý vắn tắt bằng hình ảnh, bên cạnh chữ Hán có ghi cách đọc và viết theo chữ cái la tinh với đầy đủ các thanh.
Năm 1626, giáo sĩ Trigault cho phát hành bộ âm vận kinh toàn thư nghiên cứu tường tận một cách khoa học về lối phiên âm Hoa ngữ. Bộ sách này được tái bản năm 1631.
Như vậy, là từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVII tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc đã được phiên âm bằng chữ cái La tinh chủ yếu để dùng vào công việc truyền giáo. Ngữ pháp và từ điển đã được soạn thảo. Những công việc này đã có tiếng vang đến tận Hội An, nơi mà từ đầu thế kỷ XVII đã có nhiều giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo. Tất cả đều đã chín muồi cho sự ra đời của chữ quốc ngữ Việt Nam.
II/ Vị trí của Hội An, một trung tâm truyền giáo và vai trò của giáo sĩ Alexandre De Rhodes trong quá trình hình thành chữ quốc ngữ: Tháng Giêng 1615, giáo sĩ Carvalho và giáo sĩ Busomi cập bến Đà Nẵng sau đó đến Hội An và thành lập giáo xứ đầu tiên của Đàng Trong, gồm chủ yếu những giáo sĩ Dòng Tên người Bồ và người ý. Họ tích cực học hỏi nghiên cứu tiếng Việt, giáo sĩ Gaspard De Amaral soạn một cuốn Từ điển Việt - Bồ Đào Nha và giáo sĩ Antoine De Barbosa soạn một cuốn Từ điển Bồ Đào Nha - Việt. Giữa lúc ấy, giáo sĩ Alexandre De Rhodes xuất hiện tại Hội An (
1625).
Lúc đầu ông được cử đi truyền giáo tại Nhật Bản, nhưng vì tình hình cấm đạo tại nước ấy nên ông được chuyển đến Việt Nam, ông đã ở tại Đàng Ngoài một thời gian dài 3 năm hai tháng, đã được Chúa Trịnh Tráng tiếp đón và đã rửa tội cho 6.700 người trong đó có nhiều công chúa của triều Lê - Trịnh
(2). Tại Đàng Trong, A.De Rhodes đã đến 5 lần vào những năm 1625, 1640, 1642, 1644, ông bị trục xuất khỏi Đàng Trong vào tháng 7 năm 1645 sau khi đã lưu trú tại đó một khoảng thời gian dài tổng cộng là 5 năm 7 tháng, chủ yếu là lưu trú tại Hội An.
Trong các giáo sĩ phương Tây có mặt tại Hội An, A.De Rhodes tỏ ra là một nhà ngôn ngữ học xuất sắc. Chính ông là người đầu tiên đã học hỏi nghiên cứu các cung giọng trong tiếng Việt để hoàn thiện sự phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái la tinh.
Đi theo con đường mà những người phiên âm tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc đã vạch ra, ông đã soạn cuốn “
Phép giảng tám ngày” cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời, cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Quan trọng hơn nữa, ông đã soạn cuốn từ điển Việt - Bồ Đào Nha - La tinh đầu tiên (
Dictionarium Annamition Lusitanum ot latinum) kèm theo một cuốn Ngữ pháp tiếng Việt vắn tắt (
Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis Declarstio). Đó là chưa kể những sách ông viết về lịch sử nước ta và về tình hình một số nước Đông á thời đó:
Lịch sử xứ Đàng Ngoài, Những cuộc hành trình và truyền giáo tại Trung Quốc và những vương quốc khác ở Phương Đông. Tường thuật về những thành công của công cuộc truyền giáo tại Xứ Đàng Ngoài. Những sách này sẽ được xuất bản tại Pháp và tại Roma trong khoảng thời gian 1650 - 1653, nhưng có thể nghĩ rằng A. De Rhodes đã viết chúng một phần trong thời gian ông ở Hội An (
1625 - 1645) ảnh hưởng của địa phương trên các tác phẩm ấy thấy rất rõ.
Ví dụ cách phát âm giọng Quảng của tiếng Việt đã được ông chú ý và trong Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - La tinh ông đã phiên âm rất trung thành mỗi từ bằng hai cách:
- Đọc theo giọng chuẩn (
giọng Bắc)
- Giọng Quảng
Ngọc = ngọc/,/ngăọc/
Thóc =thóc/,/thăóc/
Gạo = gạo/,/gôạo/ v.v...
Những cứ liệu dẫn trên cho phép chúng ta nghĩ rằng chữ quốc ngữ đã hình thành và được hoàn thiện ngay trong thời gian mà A.De Rhodes còn ở tại Hội An. Công sức của De Rhodes cùng với sự đóng góp của các giáo sĩ khác và của các cộng tác viên người Việt đã đưa đến sự ra đời của chữ quốc ngữ tại Hội An trong khoảng thời gian những năm 30, 40 của thế kỷ XVII.
Chữ quốc ngữ ra đời chính là một thành tựu tốt đẹp của quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây trong đó đô thị - thương cảng Hội An đã đóng một vai trò quyết định. Vượt ra khỏi ý đồ chủ quan vụ lợi hạn hẹp của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, chữ quốc ngữ ra đời đã là một nét son trong lịch sử văn hóa Việt Nam.