Tục ngữ, thành ngữ, câu đố

Thứ năm - 01/10/2015 22:54
Các đơn vị tục ngữ, thành ngữ sưu tầm được ở Hội An phản ảnh một thực tế về sự phong phú của hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế tại chỗ. Trước hết đó là những đơn vị tục ngữ, thành ngữ nói về kinh nghiệm sản xuất, về các sản vật của nghề nông. Ngoài những đơn vị là dị bản phố biến ở nhiều nơi, tại Hội An cũng xuất hiện một số câu tục ngữ, thành ngữ gắn với đặc điểm của nghề nông tại một vùng đất hẹp ở cửa sông ven biển.
     Đó là cách ứng xử phù hợp với sự thay đổi của địa hình sông nước:
 
Bồi thì ở, lỡ  thì đi
 
      Là kinh nghiệm về mùa màng khá độc đáo:
 
Được mùa xoài, còi mùa lúa
 
       Hoặc kinh nghiệm về thời tiết và biện pháp thích nghi để kiếm sống:
 
Năm nào ba chín có mưa (tức mồng 9, 19, 29/9âl)
Anh em ta sắm cây bừa làm ăn
Năm nào ba chín không mưa
Anh em mau sắm rìu cưa lên nguồn
 
      Hoặc nói về một thực tế liên quan đến thói quen ăn uống của một nhóm người khá giả, quan chức, một tầng lớp chiếm số lượng khá đông ở phố Hội An:
Dù cho thầy ký, thầy cai
Cơm no tới họng thấy khoai cũng thèm
 
     Dĩ nhiên bên cạnh việc nói về thói quen ăn uống, câu tục ngữ trên còn hàm ý nhắc nhở sự quay về với cội nguồn nông nghiệp, với bản chất dân dã cố hữu của dân gian, dân tộc. 

     Ngoài nghề nông, chúng tôi cũng đã sưu tầm được một số lượng khá phong phú những đơn vị nói về kinh nghiệm và đặc điểm của các ngành nghề khác. Qua những đơn vị này, chúng ta phần nào thấy được sự phát triển nhộn nhịp của hoạt động kinh tế ngành nghề tại thương cảng Hội An trước đây.
      Đó là những đơn vị nói về nghề gốm địa phương:
 
Lửa chi lửa rực sáng loà
Lò gạch lò ngói Thanh Hà là đây
 
      Về nghề mộc Kim Bồng: 
Thợ mộc Kim Bồng, đúc đồng Điện Phương
 
      Là những đơn vị nói về nghề chài lưới ở sông và ở biển: Ta hãy xem sự phân công lao động của một gia đình chài lưới:
 
Chồng chài vợ lưới con câu
Thằng rể đứng đó con dâu ngồi nò
 
      Và những đơn vị nói về kinh nghiệm đánh bắt, về thời vụ, thời tiết mang đậm bản sắc địa phương:
 
Sóng giăng cửa Đại cá mại phơi khô
 
Đời ông cho chí đời cha
Mây phủ Sơn chà không gió thì mưa
 
Hoặc:
Cò bay ngược nước vô nhà
Cò bay xuôi nước lui ra biển
 
      Là những đơn vị nói về nghề buôn:
Được mùa buôn vải buôn vóc
Mất mùa buôn thóc buôn gạo
 
Hội An bán gấm bán điều
Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành
 
       Ngoài ra, tại Hội An cũng đang lưu truyền một số đơn vị tục ngữ, thành ngữ nói về những đặc sản địa phương:
Bánh tổ Hội An, khoai lang Trà Kiệu
Hội An trăm vật trăm ngon
Từ từ lổ miệng chồng con được nhờ
 
        Những đặc điểm về sinh hoạt văn hoá, về di tích - danh thắng cũng được khái quát qua một số câu tục ngữ, thành ngữ.
        Khi nói về xứ Quảng các tác giả dân gian đã khắc hoạ:
 
Quảng Nam có núi Ngũ hành
Có sông chợ Cũi, có thành Faifo
 
       Và khi phê phán một tư thế không đẹp mắt nào đó, cư dân địa phương đã lấy ngay một di vật ở chùa Cầu để ví von:
Chầu hẩu như khỉ chùa Cầu
 
         Các đơn vị tục ngữ, thành ngữ sưu tầm được ở Hội An chính là kho tri thức dân gian về các vấn đề kinh tế, văn hoá - xã hội địa phương. Qua đó, chúng ta có thể nhận thức rõ hơn về mảnh đất và con người nơi đây, giúp ta hình dung cụ thể hơn về một Hội An giàu bản sắc văn hoá, đa dạng về ngành nghề, sầm uất về kinh tế thương nghiệp - ngoại thương mà không đánh mất cội nguồn dân dã, hồn hậu.
 
         Câu đố cũng là một loại hình suy lý, là hình thức phổ biến kiến thức bằng những câu nói có vần vè. Số lượng câu đố ở Hội An khá phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động của cư dân, trong đó một số câu mang tính địa phương khá rõ:

          Đây là câu đố về hiện tượng sông nước và thủy triều ở cửa biển Hội An
Có ông mà chẳng có bà
Có cửa không nhà sinh đặng hai con
Tháng ngày nặng nợ nước non
Khi lên khi xuống mỏi  mòn tấm thân
 (Ông sóng, Cửa Đại, 2 con nước)
 
      Hoặc câu đố về đồng tiền xu có lỗ vuông:
 
Thông minh (nhưng/mà) thông minh dốt
Dốt (nhưng/mà) dốt đặc
Đặc đặc rỗng
Rỗng rỗng vuông
Vuông vuông tròn
Tròn tròn méo
Méo méo xẹo
 
       Có những câu đó tuy tục nhưng giảng thanh, cũng là một kiểu vừa phổ biến kiến thức vừa để thỏa mãn những nhu cầu vui chơi, giải trí, giải tỏa ức chế. Điều này phản ánh tính tiếu lâm cố lũy của những người nông dân xứ Quảng, Hội An tuy cuộc sống gian nan, vất vả nhưng vẫn nghịch ngợm, lạc quan, yêu đời:
 
Dông chìm đáy nước
Đá nổi đầu non
Ai muốn có con
Trèo lên tụt xuống
                                    (Cái rớ ngao)
 
Mình tròn trùng trục, đầu toét tòe loe
Đút vô con gái, con gái khoe
Đút vô bà già, bà già lắc
                                       (Đôi bông tai)
 
  (Trích sách Di sản Văn hóa Văn nghệ Dân gian Hội An - Năm 2005 - Tác giả: Trần Văn An)
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây