Làng nghề

Thứ tư - 11/07/2012 21:43
Hội An còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống được kế thừa từ người Việt ở đồng bằng Bắc bộ, song lại thích nghi trong điều kiện của vùng đất mới.
         Đó là làng mộc Kim Bồng với nhiều thế hệ nghệ nhân đã từng tạo dựng đô thị Hội An từ cuối thế kỷ XVI, góp phần xây dựng cung điện, lăng tẩm Huế vào thế kỷ XIX và thường xuyên tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc phố cổ, đóng sửa tàu thuyền, làm hàng mỹ nghệ cho đến ngày nay.

          Đó là làng gốm Thanh Hà với những sản phẩm gạch, ngói và đồ dùng sinh hoạt phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của nhân dân địa phương và góp phần kiến thiết, tu bổ phố cổ.

         Đó là làng yến Thanh Châu đã có gần 4 thế kỷ kinh nghiệm bảo dưỡng, khai thác yến sào - một loại siêu đặc sản được thiên nhiên ban tặng hết sức giá trị về dinh dưỡng, dược liệu.  
 
          Đó là làng rau Trà Quế quanh năm xanh ngát, tỏa hương, cung cấp nguồn rau xanh thơm ngon nổi tiếng cho cả vùng.

        Đó là những làng chài như Võng Nhi, Đế Võng, Phước Trạch, Đại An, Tân Hiệp,... ngày đêm đánh bắt, chế biến các loại thủy hải sản cung ứng cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang các thị trường Âu - Á, đó là các làng buôn Hội An, Minh Hương, Cẩm Phô... từng góp phần đắc lực, trực tiếp vào sự phát triển vàng son của cảng thị ngoại thương Hội An trong lịch sử.
 
 
               Nông nghiệp
          Hội An đất hẹp, diện tích trồng trọt, chăn nuôi không nhiều nhưng nghề nông ở Hội An đóng vai trò khá quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của toàn thành phố.

         Nghề nông trên mảnh đất cảng thị này vẫn mang đậm những bản sắc, những đặc trưng cơ bản của nền nông nghiệp lúa nước truyền thống Việt Nam. Những quan niệm truyền thống "dĩ nông vi bản", "ngày 3 bát cơm khỏi đi bác sĩ" cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp lúa nước đối với người Việt.

          Những người nông dân vẫn phổ biến với nghề trồng lúa nước trên những cồn bàu và những cánh đồng phù sa theo phương thức sản xuất và công cụ truyền thống của ông cha mình "con trâu đi trước, cái cày đi sau". Nhiều người nông dân vẫn còn sống trong những căn nhà tranh đơn giản và cần mẫn chế tác nhiều công cụ cho mình.

          Việc định cư trên vùng đất cửa sông phì nhiêu, màu mỡ là một niềm hạnh phúc của người dân Hội An. Người nông dân Hội An luôn đứng trước những hiểm họa của thiên nhiên như bão, lốc từ biển Đông, lũ lụt từ thượng lưu Vu Gia, Thu Bồn,... vì vậy, sự gắn kết, nương tựa, đùm bọc lẫn nhau để bảo vệ gia súc, mùa màng, cửa nhà, tính mạng... là mối quan tâm thường trực đối với họ. Tình làng nghĩa xóm và những tập quán tốt đẹp của nếp sống làng xã được vun đắp suốt chiều dài lịch sử và duy trì cho đến ngày nay.

          Một số làng ở khu vực lân cận Hội An thì chuyên canh tác một loại sản phẩm nông nghiệp. Chẳng hạn, làng rau Trà Quế, cách phía Bắc Hội An khoảng 2,5 km chuyên sản xuất rau sống, bao gồm rau húng, rau đắng, rau diếp cá, bắp chuối,... Rau sống Trà Quế tổng hợp khoảng 20 loại cây rau có vị thuốc Nam rất có lợi cho dưỡng sinh và chữa bệnh. Mỗi ngày, từ Trà Quế hơn 8 tấn rau xanh tỏa đi tiêu thụ ở khắp mọi địa phương trong tỉnh và thành phố Đà Nẵng.
 
 
          Ngư nghiệp
         Nhờ vào vị trí của Hội An, nghề đánh bắt sông nước cũng đã từng là một hoạt động kinh tế truyền thống quan trọng. Ngư dân ở đây đã biết tận dụng thế mạnh đa dạng về kinh nghiệm và các ngư cụ đánh bắt sông nước, điều này cho thấy tính đa dạng về nguồn gốc của cư dân sinh sống ở Hội An.

          Các làng chài ở Võng Nhi, Đế Võng, Phước Trạch, Đại An và Tân Hiệp đánh bắt và chế biến hải sản để tiêu thụ trong nước và thị trường  xuất khẩu.

          Nghề buôn
          Xuất phát từ nhiều yếu tố thuận lợi, vượt lên tâm lý truyền thống “trọng nông - ức thương” của xã hội phong kiến Việt Nam, nghề buôn bán cũng như hoạt động thương nghiệp ở Hội An đã sớm hình thành và đóng vai trò hết sức quan trọng để nơi đây trở thành một Đô thị thương cảng quốc tế nổi tiếng của Việt Nam suốt các thời kỳ Trung - Cận đại ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

          Ngày nay, mặc dù Hội An không còn là thương cảng chính nhưng nhiều thương nhân vẫn kinh doanh phát đạt.
 
          Nghề mộc
         Từ Khu phố cổ Hội An nhìn chếch theo hướng Tây Nam bên kia sông Hoài là làng mộc Kim Bồng. Các thợ thủ công ban đầu học nghề, dần dần trở thành những hiệp thợ chính qua nhiều năm thực tiễn.

          Làng mộc được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII.  Tổ tiên nghề mộc Kim Bồng có gốc gác từ nhiều vùng ở miền Bắc Việt Nam đến Hội An định cư, lập nghiệp và mang theo những kinh nghiệm truyền thống về nghề mộc của mình. Tuy nhiên, qua nhiều năm, người dân trong làng đã tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm, kỹ thuật mộc từ nhiều nguồn gốc khác nhau gồm Chăm, Hoa, Nhật, Phương Tây... để hình thành nên một phong cách mộc riêng của nghề mộc Kim Bồng, Hội An, Quảng Nam.
 
moc

         Các hiệp thợ mộc Kim Bồng là tác giả chính làm nên quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An. Các thợ chạm khắc gỗ cũng được đánh giá cao ở Việt Nam bởi họ đã được các Chúa Nguyễn triệu ra Huế để giúp xây dựng các cung điện, các ngôi mộ của kinh thành Huế, một Di sản Thế giới khác ở Việt Nam.

          Ngày nay, các hiệp thợ mộc Kim Bồng vẫn tiếp tục sản xuất các sản phẩm truyền thống như là cửa gỗ, cổng, tượng tôn giáo và những chiếc ghe bầu truyền thống cũng như các đồ gia dụng hiện đại và các đồ gỗ khác.
 
           Nghề gốm
          Gốm được sản xuất ở làng Thanh Hà - nằm trên bờ sông, vùng ngoại ô phía Tây của Hội An. Những cư dân gốc của làng Thanh Hà đến từ phía Bắc, có lẽ là các vùng Thanh Hóa, Nghệ - Tĩnh ngày nay. Họ đã đến lập làng trong khoảng thời gian xây dựng làng Kim Bồng.

          Làng Thanh Hà chủ yếu sản xuất ngói, gạch lát nền và các sản phẩm đất nung. Một số sản phẩm được điểm xuyết hoa văn viền chỉ nổi ở quanh vai hoặc có men đơn sắc màu nâu đen, vàng sậm... Thanh Hà không còn sản xuất gạch vì khói lò gây ô nhiễm không khí.

           Cũng như làng Kim Bồng, các sản phẩm của Thanh Hà đã được sử dụng trong việc xây dựng nhà cửa của cư dân Hội An qua các thế hệ. Do có vị trí cận thị, cận giang nên sản phẩm gốm Thanh Hà không chỉ tiêu thụ mạnh ở cảng thị Hội An, các tỉnh duyên hải miền Trung - Việt Nam mà có giai đoạn còn là một mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

           Các lò làm gốm của các cư dân ở Thanh Hà được truyền lại qua nhiều thế hệ, với những công việc chuyên giới. Đàn ông thì làm đất, đàn bà thì vận hành bàn xoay gốm. Một người phụ nữ dùng chân quay bàn xoay, người kia thì tạo dáng sản phẩm. Sau đó những người đàn ông đem sản phẩm phơi nắng cho khô trước khi xếp vào lò để nung.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây