Thận trọng trong bảo tồn di tích kiến trúc gỗ

Chủ nhật - 11/06/2023 22:58
Với hơn 1.030 công trình di tích, hầu hết được làm bằng vật liệu gỗ kết hợp tường xây gạch, mái gói âm dương, việc bảo tồn thành công các công trình kiến trúc gỗ trong khu phố cổ Hội An cũng chính là hình mẫu cho các địa phương trong cả nước nghiên cứu, học hỏi.
kien truc go
Dự án tu bổ Chùa Cầu là một trong những điển hình về trùng tu kiến trúc gỗ. Ảnh: V.L
 

      Hình mẫu bảo tồn nhà cổ Hội An

      Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói, tại Hội An, từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiều di tích kiến trúc gỗ đã được các nhà khoa học, kiến trúc sư của một số cơ quan chuyên môn trung ương đến khảo sát, đo vẽ, lập hồ sơ khoa học nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị.

      Cùng với đó, các chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản cũng tiến hành khảo sát, phân loại những ngôi nhà cổ. Đặc biệt, từ khi được công nhận di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn di sản kiến trúc cổ ở Hội An đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn từ trung ương đến địa phương.

      Kết quả, nhiều dự án bảo tồn nhà cổ Hội An đã được triển khai thận trọng, chuyên nghiệp và khoa học, đến nay hầu như không còn di tích nhà cổ nào đối diện nguy cơ sụp đổ. Hội An trở thành “điển hình” trong công tác bảo tồn di sản, được UNESCO đánh giá cao.

      Theo ông Toyoki Hiroyuki - Trưởng nhóm nghiên cứu về công trình văn hóa, kiến trúc và các công trình khác (Cục Văn hóa Nhật Bản), gỗ rất dễ bị mục nát, mối mọt và dễ cháy, do đó nếu không có biện pháp bảo trì và quản lý thích hợp thì không bền.

      “Cũng như Hội An, các công trình cổ bằng gỗ tại Nhật Bản có thể tồn tại đến ngày nay là nhờ được bảo trì và sửa chữa định kỳ. Các công nghệ và kỹ thuật xây dựng, bảo trì công trình gỗ Nhật Bản đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nhờ đó ngày nay chúng ta có thể tiến hành các hoạt động sửa chữa thích hợp.

      Đặc biệt, một bí quyết giúp các công trình kiến trúc gỗ truyền thống của Nhật Bản tồn tại lâu dài là hạn chế tối đa sử dụng đinh hay phụ kiện kim loại, thay vào đó là các loại mộng để kết nối những cấu kiện gỗ với nhau” - ông Toyoki Hiroyuki chia sẻ.

      Can thiệp thận trọng

      Tại chương trình tập huấn di tích kiến trúc gỗ Hội An - Việt Nam do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp với Văn phòng JICA Việt Nam vừa tổ chức, ông Hisakazu - Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam chia sẻ, chọn lựa TP.Hội An tổ chức lớp tập huấn bởi đây là điểm lý tưởng để trang bị những kiến thức về bảo tồn kiến trúc bằng gỗ, nhất là qua thực tế dự án tu bổ Chùa Cầu đang triển khai, từ đó giúp các cơ quan chuyên môn Việt Nam có kiến thức áp dụng vào công việc bảo tồn gỗ hiệu quả sau này.

      Theo ông Phạm Phú Ngọc, việc giữ gìn tối đa yếu tố gốc có giá trị suốt quá trình tu bổ, sửa chữa luôn được triển khai thận trọng và khoa học (đo vẽ, chụp ảnh, đánh dấu cấu kiện đến hạ giải…).

      Trong đó, quá trình hạ giải cấu kiện được bảo vệ tối đa, kể cả còn tốt hay đã hư hỏng nhằm tận dụng, gia cố, nghiên cứu, đối chiếu khi thay thế. Đây được xem là công đoạn hết sức quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khoa học tu bổ di tích và hiệu quả đầu tư công trình.

      Đơn cử, tại dự án tu bổ Chùa Cầu, trước khi can thiệp, công tác đánh giá hiện trạng kỹ thuật của di tích được thực hiện kỹ lưỡng, toàn diện từ tổng thể đến chi tiết, từ cấu trúc nhìn thấy hoặc không nhìn thấy cũng như áp dụng kinh nghiệm truyền thống với áp dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm bảo tồn tối đa yếu tố gốc, duy trì đồng thời giá trị và chức năng di tích.

      Mọi sự can thiệp luôn dựa trên cơ sở tôn trọng khoa học, lịch sử và phải đảm bảo ổn định lâu dài, ứng dụng khoa học kỹ thuật phù hợp, kể cả duy trì tham vấn và ghi lại diễn biến quá trình tu bổ.

      Ông Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói, công tác khảo sát, nghiên cứu di tích phải là bước đầu tiên và là công việc quan trọng có tính chất cốt lõi của quy trình tu bổ bảo tồn di tích. Kết quả khảo sát nghiên cứu sẽ giúp nhận biết đặc điểm giá trị và hiện trạng của di tích, những yếu tố tác động tới di tích…, là cơ sở để đưa ra các giải pháp đúng đắn trong việc tu bổ, bảo tồn di tích.

      “Khảo sát nghiên cứu di tích phải kéo dài trong suốt quá trình can thiệp vào di tích. Nếu khảo sát chỉ dừng ở thời điểm lập dự án thì nhiều khi sẽ cho các thông số về di tích không chính xác, ảnh hưởng đến việc đưa ra phương án, giải pháp tu bổ và ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tu bổ di tích” - ông Đặng Khánh Ngọc phân tích.

Tác giả: VĨNH LỘC

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây