Châu bản, nói chung gồm những bản tấu sớ của các quan dâng lên, được nhà vua xem (ngự lãm), phê để giải quyết công việc hành chính quốc gia. Nhà vua phê duyệt trên văn bản tấu sớ bằng mực son (châu/chu) nên gọi là “châu phê” hay “châu bút”, các văn bản hành chính đó được gọi chung là “châu bản”. Cũng được kể vào châu bản là những chiếu, chỉ, các bản thượng dụ và các văn bản khác phát xuất từ văn phòng của vua.
Trong nhiều năm qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tiến hành sưu tầm nhiều nguồn tư liệu quý liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An, hiện đang được lưu trữ tại tất cả các Trung tâm lưu trữ quốc gia và Viện nghiên cứu Hán Nôm, trong đó có nguồn tư liệu Châu bản triều Nguyễn. Dựa vào kết quả công trình số hóa nguồn châu bản của Trung tâm lưu trữ quốc gia I - Hà Nội, đến nay Trung tâm đã sưu tầm, sao chụp được 74 văn bản với hơn 200 trang tư liệu Hán Nôm liên quan đến Hội An.
Xét thấy, đây là một nguồn tư liệu gốc, quý giá, giúp ích rất lớn cho việc nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội ở Hội An, Quảng Nam. Vừa qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tập hợp, lựa chọn 53/74 văn bản sưu tầm được để biên dịch, biên soạn nội dung và xuất bản cuốn sách
Hội An qua Châu bản triều Nguyễn.
Bìa sách Hội An qua Châu bản triều Nguyễn.
Nhằm thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu của người đọc, trong mỗi văn bản Trung tâm trình bày nội dung với kết cấu gồm: 1/ Tiêu đề, kèm theo trích yếu nội dung. 2/ Nguyên văn bản chữ Hán - Nôm được sao/chụp từ bản gốc. 3/ Phiên âm và dịch nghĩa.
Ấn phẩm được xuất bản nhằm chào mừng kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), 22 năm ngày Khu phố cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2021) và 04 năm Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (7/12/2017 - 7/12/2021).