23:07 11/07/2012
Đến với Cù Lao Chàm, du khách còn bị thu hút bởi những giá trị văn hoá tinh thần, các hình thái văn hoá phi vật thể vốn được bảo lưu bền bỉ, thầm lặng, sâu kín trong cuộc sống đời thường của các thế hệ cư dân vùng biển đảo. Đó là sự bảo lưu mạnh mẽ những yếu tố gốc về ngữ âm, từ vựng dân gian; những tục ngữ, ca dao nói về đặc điểm Cù Lao Chàm, về kinh nghiệm xã hội, ngành nghề, tâm tư tình cảm của con người nơi đây; những truyền thuyết, truyện kể dân gian về sự khởi nguyên, tạo lập vùng đảo, hiện tượng tự nhiên; lốc tố, sóng gió, về các địa danh: con suối, hòn đảo, gành, bãi,..., về sự ra đời của tổ chim yến; những hình thức diễn xướng dân gian: hát ru, hát hò khoan, điệu hò, lý, hát bả trạo, múa đèn,... liên quan đến đời sống sông nước - biển đảo; các lễ lệ, lễ hội, trò chơi dân gian thể hiện sự đa dạng về nguồn gốc văn hoá, tín ngưỡng,...; những tri thức dân gian, nếp ẩm thực, nếp sống giàu tính bản địa, tính nhân văn sâu sắc. Nói khái quát hơn, đó là cách thích nghi với môi trường tự nhiên, xã hội để tồn tại và phát triển của các cộng đồng cư dân nơi này. Chính bộ phận văn hoá tại cụm đảo Cù Lao Chàm, qua đó đã góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú của di sản văn hoá Hội An, Quảng Nam nói riêng, của cả dân tộc nói chung
23:05 11/07/2012
Vào các thế kỷ 16, 17, cộng đồng người Việt được hình thành và phát triển tại Cù Lao Chàm. Trải qua quá trình sinh sống, cư dân Việt ở đây đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc là thiết chế văn hoá tín ngưỡng, dân sinh như đình, chùa, miếu, lăng, giếng,... để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá đa dạng của mình. Mặc dù lịch sử có những biến đổi thăng trầm, dù các yếu tố bất lợi của điều kiện tự nhiên tác động xâm hại mạnh mẽ, song những công trình này vẫn vững bền đến ngày nay, là một phần trong kho tàng di sản văn hoá vật thể quý giá của cha ông để lại cho vùng đất Cù Lao Chàm.