Di sản văn hoá vật thể

Thứ tư - 11/07/2012 23:05
Vào các thế kỷ 16, 17, cộng đồng người Việt được hình thành và phát triển tại Cù Lao Chàm. Trải qua quá trình sinh sống, cư dân Việt ở đây đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc là thiết chế văn hoá tín ngưỡng, dân sinh như đình, chùa, miếu, lăng, giếng,... để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá đa dạng của mình. Mặc dù lịch sử có những biến đổi thăng trầm, dù các yếu tố bất lợi của điều kiện tự nhiên tác động xâm hại mạnh mẽ, song những công trình này vẫn vững bền đến ngày nay, là một phần trong kho tàng di sản văn hoá vật thể quý giá của cha ông để lại cho vùng đất Cù Lao Chàm.
 
DI CHỈ CƯ TRÚ VÀ MỘ TÁNG BÃI ÔNG
Di chỉ nằm tại cánh đồng sát chân vách núi của Bãi Ông thuộc Hòn Lao; được phát hiện, đào thám sát tháng 5-1999, khai quật tháng 6-2000 (tổng diện tích 21m2).     Hiện vật phát hiện gồm gốm thô (đất nung) và đáng chú ý là hiện vật đá, công cụ mài như: Rìu tứ giác ngắn, rìu có vai, lưỡi ghè, bàn mài nhiều loại; Công cụ từ chất liệu cuội như: hòn kê, chày, hòn đập, bàn nghiền, dụng cụ miết gốm, chì lưới,... hoặc răng hàm cá, kim bằng xương, mảnh nhuyễn thể, hạt cây, than tro,... Các hiện vật này được nằm trong tầng văn hóa ổn định, dày khoảng 60 cm và có lớp trên là tầng văn hóa: Gốm sứ, bán sứ, sành, gốm thô của cư dân từ sau thế kỷ IX-X. Thông qua hiện vật, xem xét kết cấu địa tầng, tầng văn hóa, bằng phương pháp tham chiếu, đối sánh và phương pháp giám định C14 có thể khẳng định: đây là di tích của cư dân bản địa thời Tiền sử cách ngày nay khoảng hơn 3.000 năm. Di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 13 tháng 12 năm 2006 theo Quyết định số 96/2006/QĐ-BVHTT.
 
     
   

DI CHỈ CƯ TRÚ BÃI LÀNG
Di chỉ nằm tại thôn Bãi Làng; được phát hiện, đào thám sát năm 1998, khai quật tháng 5-1999 (tổng diện tích 8m2).     Ở di chỉ này đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm, sành, sứ Chămpa, Trung Quốc, Trung Cận Đông cùng nhiều đồ trang sức thủy tinh, đá, mã não. Xuất hiện nhiều dấu vết sản xuất thủy tinh nội địa của cư dân Chămpa ở Bãi Làng. Từ vị trí địa lý hiện vật và thư tịch cổ cho thấy đây là điểm dừng chân, trao đổi thương mại của các thương thuyền quốc tế thời kỳ Chămpa từ thế kỷ VII-X sau công nguyên. Di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 13 tháng 12 năm 2006 theo Quyết định số 96/2006/QĐ-BVHTT.
 
      


KHAI QUẬT CON TÀU CỔ ĐẮM Ở VÙNG BIỂN CÙ LAO CHÀM

Đây là một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước lớn nhất từ xưa đến nay ở Việt Nam. Cuộc khai quật có tổng số 150 người thuộc 13 quốc tịch tham gia (ViệtNam, Malaysia, Anh, Singapo, Indonesia, Philippin...).       Trong vòng 5 năm (1996 - 2000) các nhà khảo cổ học dưới nước đã tiến hành 3 đợt khảo sát, 3 đợt khai quật khảo cổ học và xử lý kỹ thuật nghiệp vụ, thu được: 240.000 hiện vật bằng các loại chất liệu (đồ sứ, đồ kim loại...). Kết quả đã được xác định: Tàu đắm ở tọa độ địa lý: Từ 16000’ đến 16008 Vĩ Bắc. Từ 108027’ đến 108032 Kinh Đông, nằm sâu dưới đáy biển 72m, cách Cù Lao Chàm 15 km về hướng Bắc. Tàu nằm dư­ới 1 đụn cát cao 3m, mũi quay về phía Đông. Tàu được đóng vào nửa đầu thế kỷ XV, tại Thái Lan, bằng gỗ Tếch, dày 10cm. Tàu dài 29,4m, nơi rộng nhất 7,2m. Lòng tàu chia thành 19 khoang. Chở khoảng 400.000 đồ gốm các loại của Chu Đậu, Mỹ Xá (Hải Dư­ơng), thời Lê (khoảng giữa thế kỷ XV). Tàu bị đắm vào khoảng tháng 6 - 7 do chở nặng và gặp bão. Căn cứ xác định nhân chủng học sọ người các nhà khoa học cho biết chủ nhân tàu là ngư­ời Thái Lan. Thông qua khai quật “Con tàu đắm Cù Lao Chàm” đã góp phần tìm hiểu “Con đường tơ lụa trên biển” ở vùng biển Việt Nam, đồng thời cung cấp những thông tin quý giá về lịch sử đồ gốm Việt Nam, góp phần tìm hiểu kinh tế, xã hội, văn hoá mỹ thuật của Quốc gia Đại Việt thế kỷ XV.

    

 


ĐÌNH TIỀN HIỀN

Đình được xây dựng khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII, nằm ở Xóm Giữa thuộc thôn Bãi Làng để thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền có công lập nên làng xã, đồng thời phối thờ những vị thần phù hộ nhân dân trong cuộc sống thường nhật. Đình được xây dựng theo lối cuốn vòm, lợp ngói âm dương. Bờ nóc trang trí hình “lưỡng long tranh châu”, bờ hồi mềm mại, tạo dáng hoa lá, đuôi cá, mặt rồng,... Không gian nội thất rộng chia làm nhiều nếp, ngăn cách bởi các trụ xây. Trên bệ thờ chính gian giữa có ba bài vị ghi các thần hiệu của Phục Ba Tướng quân và một số thần liên quan đến nghề biển. Theo tài liệu, “Phục Ba Tướng quân” là tước vị do Vua phong tặng cho các Tướng có tài hàng hải hoặc giỏi chinh phục sóng gió.      Hiện nay đình là nơi cung cấp nhiều thông tin quý cho việc nghiên cứu quá trình định cư, khai hoang khẩn hóa, ổn định cuộc sống và làm sáng tỏ tập tục tôn giáo tín ngưỡng của cư dân trên đảo Cù Lao Chàm xưa. Di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 13 tháng 12 năm 2006 theo Quyết định số 96/2006/QĐ-BVHTT.

ĐÌNH ĐẠI CÀN

Đình Đại Càn nằm ở Xóm Giữa thuộc thôn Bãi Làng. Theo các tài liệu còn lại cho biết Đình xây dựng vào thế kỷ XVIII để thờ các vị thần Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương, Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân Tôn thần, đồng thời phối thờ Tiền hiền, Ngũ Hành Tiên Nương. Do ảnh hưởng gió bão và chiến tranh, đến nay đình Đại Càn bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng đình, bức bình phong hình cuốn thư, một trụ biểu, nhưng quan trọng nhất là tấm bia ghi niên hiệu Vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 22 (1761). Nội dung văn bia đã bị phai mờ nhưng theo nguồn tư liệu hồi cố dân gian, đình Đại Càn được xây dựng phục vụ tín ngưỡng, đồng thời phản ánh các bước chuyển biến trong tổ chức cộng đồng cư dân Cù Lao Chàm ở từng giai đoạn lịch sử. Di tích đình Đại Càn là một minh chứng lịch sử, cung cấp nhiều tư liệu quý cho các nhà khoa học về lịch sử dân cư, về văn hoá tín ngưỡng miền biển, vùng đảo Cù Lao Chàm.
 

CHÙA HẢI TẠNG
 
Chùa Hải Tạng nằm ở Đồng Chùa thuộc thôn Bãi Làng. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng có quy mô lớn để thờ Phật kết hợp thờ Thánh Thần nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân trên đảo và cho thương thuyền các nước ghé vào cầu cúng. Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m về hướng Đông Bắc, sau vì do bão làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các Phật tử đến hành lễ nên vào năm Tự Đức Nguyên niên (1848) chùa dời về vị trí hiện nay.
Toàn bộ nếp nhà chính có hệ vì kèo kết cấu kiểu “Vài trính Chồng-Trụ đội”chia làm 3 lòng. Ở phần đỡ mái hiên được cách điệu thành hình lồng đèn với thân chạm hình hoa lá, đầu được chạm thành những cánh sen lật, đỡ thẳng lên đòn tay, dưới chạm nổi hình đầu rồng.
Chùa là nơi cung cấp các thông tin về nhiều lĩnh vực khoa học, về lịch sử hình thành Phật giáo trong vùng là điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 13 tháng 12 năm 2006 theo Quyết định số 96/2006/QĐ-BVHTT.
 

LĂNG ÔNG NGƯ
Người dân biển Cù Lao Chàm tôn thờ Cá Ông bởi tương truyền họ luôn được Cá Ông cứu giúp khi gặp hoạn nạn trên biển. Nhà nước phong kiến xưa đã nhiều lần sắc phong và gia tặng các mỹ tự với ý nghĩa tôn vinh, đồng thời cho lập Lăng thờ, cấp đất hương hoả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thờ cúng của ngư dân. Lăng được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX nằm giữa khu dân cư Xóm Đình thuộc thôn Bãi Làng. Lăng kiến tạo theo kiến trúc truyền thống với kiểu mái cuốn vòm thấp, sau có hậu tẩm. Mái lợp ngói âm dương, trên các bờ mái trang trí đề tài tứ linh, chim phượng, quy thư. Trước sân có bình phong đắp hình tượng “Thần Ngư hí nguyệt” (Cá vui đùa với mặt trăng). Nội thất gồm hai nếp ba gian. Gian giữa gắn liền với hậu tẩm, là nơi đặt các hòm xương Cá Ông. Trước hậu tẩm có án thờ bằng gạch. Hai gian bên là nơi thờ các vị thần phò tá.
Đây là di tích không những phản ánh tín ngưỡng của cư dân làm nghề biển mà còn cho thấy sự phong phú về sắc thái văn hoá của nhân dân vùng đảo Cù Lao Chàm. Di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 13 tháng 12 năm 2006 theo Quyết định số 96/2006/QĐ-BVHTT.
 


 LĂNG TỔ NGHỀ YẾN

Lăng Tổ nghề yến nằm tại thôn Bãi Hương thuộc Hòn Lao, được xây dựng hoàn chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ XIX để thờ Tổ nghề yến và các vị thần bảo hộ của nghề. Hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch, cư dân và những người làm nghề khai thác yến tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị bắt tay vào vụ khai thác mới. Công trình chính gồm 2 nếp nhà nối liền với nhau, mái lợp ngói âm dương. Nếp thứ nhất hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu “Vài trính Chồng - Trụ đội”. Nếp thứ hai hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu khung cụi chính giữa kết hợp với kèo quyết tạo thành 4 mái. Kiến trúc thấp, liên hoàn tạo không gian như hang động. Trên bàn thờ, ngoài các bài vị của những bậc tiền bối khai sáng nghề yến sào là các vị thần liên quan đến sông biển. Trên tường bên phải có tấm bia đá ghi công đức của các chư phái tộc và ca tụng vẻ núi non kỳ vĩ của Cù Lao Chàm. Lăng thờ Tổ nghề yến cung cấp nhiều thông tin quý về kiểu thức xây cất và nghệ thuật trang trí đậm đà tính dân gian. Di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 13 tháng 12 năm 2006 theo Quyết định số 96/2006/QĐ-BVHTT.
 


LĂNG NGŨ HÀNH BÃI HƯƠNG

Lăng Ngũ Hành thuộc địa phận Bãi H­ương đư­ợc xây dựng từ cuối thế kỷ XIX để thờ Ngũ Hành gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Theo quan niệm của cư­ dân phư­ơng Đông, đây là 5 yếu tố cơ bản tạo thành vũ trụ, tạo nên vạn vật, vì vậy, thờ Ngũ Hành cũng chính là thờ nguồn gốc của sự sống, thờ các Bà Mẹ tạo nên đất đai, tài nguyên, của cải. Lăng có quy mô nhỏ nh­ưng đ­ược xây dựng khá mỹ thuật, nội thất xây kiểu cuốn vòm, phía trên gắn ngói âm dương tạo thành mái rất chắc chắn để phòng gió bão. Bờ nóc, bờ hồi trang trí đồ án cá hóa rồng chầu mặt trăng, đắp hình con nghê, một linh vật có thể đi lại trên sông biển. Trong miếu hiện còn 5 pho tư­ợng thể hiện các vị nữ thần Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong t­ư thế ngồi trên ngai. Di tích góp phần cung cấp những thông tin cần thiết về đời sống văn hóa tinh thần của cư­ dân địa phương.
 

LĂNG BÀ MỤ

Lăng Bà Mụ được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX ở vị trí trên cao của Hòn Gieo nay thuộc thôn Bãi Ông, nhìn ra biển, nơi này trước đây tấp nập tàu thuyền qua lại. Di tích liên quan đến tín ngưỡng phồn thực, đến sự sinh sôi phát triển thể hiện qua việc thờ Bà Mụ cùng những vị nữ thần bảo trợ bà mẹ, trẻ em. Tuy Lăng có quy mô nhỏ, thấp, nhưng với lối kiến trúc cuốn vòm, mái lợp ngói âm dương. Cửa ra vào trổ ở đầu hồi tạo nên một phong cách kiến trúc rất độc đáo như một hang động bí hiểm, gần gũi đầy gợi cảm. Nhiều truyền thuyết liên quan đến di tích này cùng các tục lệ về cầu tự, cầu được bình an khi sinh nở hiện lưu truyền tại địa phương phần nào thể hiện sự quan trọng của di tích Lăng Bà Mụ trong đời sống tinh thần của cư dân vùng đảo Cù Lao Chàm trước đây cũng như hiện nay.

LĂNG CÔ HỒN (LĂNG ÂM LINH)

Lăng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, nằm ở Bãi Ông để thờ các vong hồn vô chủ. Đó là những nạn nhân do gặp phải gió bão đánh chìm thuyền. Lăng có kiến trúc theo kiểu cuốn vòm chia làm ba gian. Mái lợp ngói âm dương, trên hệ mái trang trí nhiều đồ án mang ý nghĩa cát tường như: “Lưỡng long triều dương”, “Cá hoá long”, “Hoa điểu”, “Quy thư”,... Bình phong xây dựng hình cuốn thư, mặt trước đắp hình “Hổ hạ sơn”, mặt sau trang trí đồ án “Long mã phụ hà đồ” rất uy nghi, sống động, sát cạnh Lăng là Nghĩa Trũng để mai táng những người gặp nạn trôi dạt vào đây. Vào dịp Thanh Minh tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức lễ cúng để tưởng nhớ các vong hồn không may bị tử nạn.

 
LĂNG BÀ BẠCH
Lăng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX tọa lạc tại Xóm Cấm thuộc thôn Cấm để thờ thần Bạch Thố Kim Tinh. Lăng kiến trúc theo hình chữ “T” với hai nếp nhà gồm tiền sảnh và hậu tẩm. Tiền sảnh xây theo kiểu cuốn vòm, trên là mái che. Diềm mái trang trí theo các đề tài sơn thuỷ, chim phụng. Bờ nóc tạo hình cuốn thư trang trí đồ án “Lưỡng long triều dương”. Hậu tẩm nhỏ hơn, cũng được xây dựng theo kiểu cuốn vòm, lợp ngói âm dương. Ngoài Lăng thờ chính, trong khuôn viên còn có các Lăng nhỏ để thờ các vị Mộc, Hoả, Thổ trong hệ thống Ngũ hành Tiên Nương. Những hình thức thờ tự trong Lăng phản ánh một phần tập quán tín ngưỡng của cư dân Cù Lao Chàm xưa và nay.


LĂNG CÔ
 
Lăng Cô nằm ở Xóm Mới thuộc thôn Bãi Làng, gồm một ngôi nhà nhỏ đặt trên bệ xây có niên đại cuối thế kỷ XIX và nhà dọc được dựng sau làm nơi hoạt động tế tự. Mái Lăng lợp ngói âm dương được gắn kết khá chặt chẽ để phòng gió bão. Không gian nội thất được xây dựng theo kiểu cuốn vòm. Đặc biệt, trên mái được trang trí các con giống và hoa lá cách điệu. Phía trước đắp nổi bức hoành gồm 4 chữ “Anh linh hiển hách”. Lăng được những người làm nghề lưới sòng cùng dân Xóm Đình góp tiền xây dựng thờ vị Thần tương truyền hay hiển linh cứu giúp những người gặp nạn.

LĂNG THÀNH HOÀNG

Lăng Thành Hoàng nằm ở xóm Mới thuộc thôn Bãi Làng, trên sườn núi, mặt quay ra biển theo hướng Tây -Tây Bắc. Thành Hoàng ở Cù Lao Chàm là vị thần linh dị được nhân dân tôn sùng thờ cúng bởi theo tín ngưỡng dân gian thần có nhiệm vụ bảo hộ sự bình an cho nhân dân đang cư trú làm ăn sinh sống trong khu vực. Trước đây nhà nước phong kiến quy định Thành Hoàng được thờ tự ở đình làng, được hiến tế theo nghi lễ quốc gia. Lăng Thành Hoàng tuy không lớn nhưng là một công trình kiến nhà độc đáo, tiêu biểu ở Cù Lao Chàm, bởi với lối kiến trúc cuốn vòm, các đồ án trang trí khảm sành sứ và các con giống trên mái rất hài hòa, tinh tế, mỹ thuật.
 

LĂNG HIỆP HÒA (LĂNG BÀ - LĂNG NGŨ HÀNH)
 
Lăng Hiệp Hòa nằm trong khu dân cư Xóm Đình thuộc thôn Bãi Làng, hướng xoay ra biển. Lăng thờ Ngũ Hành Tiên Nương, một trong những tín ngưỡng nguyên thủy gắn liền với tục thờ Mẫu của người dân Việt Nam. Ngũ Hành Tiên Nương là 5 vị thần Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tượng trưng cho 5 yếu tố cơ bản của vũ trụ sơ khai theo triết học phương Đông, có vị trí quan trọng trong hệ thống các vị thần thuộc tín ngưỡng truyền thống của cư dân người Việt. Dưới thời phong kiến, 5 vị từng được ban tặng nhiều mỹ tự, mỹ hiệu, gia tặng Thượng Đẳng thần, được tế theo nghi lễ Quốc gia. Ở Cù Lao Chàm Lăng thờ Ngũ Hành được mỗi xóm xây dựng để cộng đồng cư dân thờ cúng. Hiện nay ngoài Lăng Ngũ Hành Xóm Mới này còn có Lăng Ngũ Hành ở Xóm Đình, Xóm Cấm, Bãi Hương.
 

GIẾNG XÓM CẤM

Cộng đồng người Việt tại Cù Lao Chàm, được định hình và phát triển vào các thế kỷ XVI, XVII. Trải qua quá trình sinh sống, cư dân Việt đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc thiết chế văn hóa tín ngưỡng, dân sinh là chùa, lăng, giếng,... để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong đó, cư dân địa phương đã kế thừa sử dụng và tu bổ, tôn tạo các giếng do người Chăm xây dựng từ trước cho phù hợp các tập quán sinh sống của mình. Giếng Xóm Cấm nằm ở khu dân cư thôn Cấm. Đây là một trong những giếng cổ ở Cù Lao Chàm mang đậm phong cách kiến trúc Chăm, giếng có đường kính 118 cm, sâu 4,5m, lòng giếng xây gạch có hình cổ áo (vành khăn), tô vữa vôi, dưới đáy có 4 thanh đà gỗ lim ghép lại thành hình vuông. Theo các nguồn tư liệu thư tịch cổ, thương thuyền quốc tế trên con đường hàng hải thường ghé vào Cù Lao Chàm để tiếp thêm lương thực, thực phẩm và nước ngọt tại các giếng nước ở đây. Đặc biệt, hiện nay giếng Xóm Cấm vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và được người dân địa phương sử dụng bởi nguồn nước dồi dào, trong, ngọt mát lạnh của nó. Di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 13 tháng 12 năm 2006 theo Quyết định số 96/2006/QĐ-BVHTT.
 

 
HANG YẾN

Hang Yến - là những hang đá nằm trên đảo, có loài chim yến sinh sống. Chim Yến có tên khoa học là Yến Hàng - Collocalia Fuciphaga Germaini Oustalet, một loại chim đặc biệt của phân giống Yến hông xám (Swiftlets). Giống Collocalia, họ Apodidac, bộ Yến Apdiformes. Chúng ăn các loại côn trùng: kiến, mối, ruồi, bọ rầy, chuồn chuồn, nhện,... và làm tổ bằng chính nước bọt của mình (do cặp tuyến dưới lưỡi tiết ra). Chính vì vậy, tổ chim yến (dân gian gọi là yến sào) là loại thực phẩm cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng siêu việt ( protein chiếm 36 - 52%), một loại dược liệu chữa được nhiều bệnh nan y (lao phổi, hen, viêm xương ống, viêm hậu môn, huyết lỵ, đàm cách,...) và là một loại hàng hóa quý, rất đắt giá trên thị trường. Hang Yến nằm trên các đảo đá (dân gian gọi là đảo yến), chủ yếu ở Hòn Khô (mẹ), Hòn Tai và Hòn Lao (Cù Lao Chàm). Hang được tạo thành chủ yếu do khe nứt mở trong đá granit, kết hợp với đổ lở, cao nhiều chục mét. Phương khe nứt Đông Bắc -Tây Nam, Tây Bắc - Đông Nam, cắm gần thẳng đứng, hoặc nghiêng 60 -700, địa hình hiểm trở. Ở đây, hang đá trơ trọi, nơi đầu sóng gió, có đáy thường ngập nước biển ăn sâu vào hang, có sóng vỗ làm cho lòng hang thông thoáng. Khí hậu trong hang luôn điều hòa, mùa đông ấm áp hơn, mùa hè mát dịu, không có gió Tây nam khô nóng, mưa tương đối ít, hầu như không có sương mù.
Với những đặc tính này của hang yến trên các đảo ở Cù Lao Chàm, nơi đây đang là một điểm tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua đối với mỗi du khách khi đến với đảo xanh Cù Lao Chàm.
    

 
 
DI TÍCH, DẤU TÍCH CÁCH MẠNG
 
Nói đến địa danh - di tích, danh thắng Hang Cây Chọi, Chùa Hải Tạng, Hang Mái Nhà, Lăng Mũi Thờ (Hòn Lao), Lăng Cây Dông (Hòn Dài) là nhiều người dân ở Cù Lao Chàm đều cảm phục sâu sắc và hết lời ca ngợi, lưu truyền về hình ảnh, tên tuổi các chiến sĩ cách mạng trong “Tổ công tác đặc biệt của Thị xã Hội An” và bởi nơi đây vào những năm 1966 - 1974 là địa điểm các chiến sỹ cách mạng ẩn nấu, hoạt động liên lạc trao đổi công tác, chiến đấu ngoan cường với quân thù. Những câu chuyện về người Chiến sỹ Cách mạng được người dân nơi đây luôn kể lại cho nhau nghe đó là những người thật giản dị, nhưng có bầu nhiệt huyết và trái tim nồng cháy với tình quê hương, nghĩa đồng bào và lòng yêu nước sâu sắc. Đây cũng là ý chí, động lực thôi thúc họ bất chấp hiểm nguy trước mọi sự rình rập của kẻ thù, dám xả thân cho sự nghiệp cách mạng ngay chính trong hoàn cảnh lúc ấy, Hội An tràn ngập các sắc lính của Mỹ, ngụy, quân chư hầu và sự kiểm soát ngặt nghèo của Giang đoàn Duyên hải cùng Trung tâm huấn luyện biệt kích Mỹ đặt ngay ở Bãi Bìm Cù Lao Chàm được trang bị phương tiện chiến tranh tối tân. Các chiến sĩ cách mạng trong vòng tay thân yêu che chở của nhân dân, họ thường xuyên lặn lội băng rừng, vượt suối, vượt biển hoặc ngụp lặn ngâm mình gian nan dưới những ghềnh đá để đem tình cảm cách mạng nồng ấm đến với từng người dân Cù Lao Chàm, kết nối tấm lòng dân và cả binh lính địch đến với cách mạng. Họ đã tuân thủ tốt chủ trương của Thị ủy, không bạo động và dùng nơi này xây dựng cơ sở để hỗ trợ kinh tế, tài chính cho các cơ sở cách mạng khác trong đất liền và làm bàn đạp, tạo thuận lợi cho các trận đánh vào các căn cứ lớn của Mỹ, Nam Hàn quanh phố Hội An. Những chiến công của Tổ công tác đặc biệt này đã góp phần làm nên cuộc tổng tấn công nổi dậy giải phóng toàn miền Nam năm 1975, huy động lực lượng truy bắt các phần tử phản cách mạng, tổ chức Uỷ ban Quân quản thôn Tân Hiệp giành giữ và quản lý nguyên vẹn cả một vùng đảo rộng lớn của quê hương.
      

DANH THẮNG CÙ LAO CHÀM

Cù Lao Chàm có địa hình đồi núi với thảm thực vật phong phú, nhiều loài động vật và sinh vật biển quý hiếm. Ngoài ra, còn có các bãi cát vàng sạch mịn, nằm sát mép nước biển trong xanh. Cách không xa bờ là các hệ sinh thái san hô khá đa dạng, các khối đá tạo nên nhiều cảnh quan độc đáo. Bờ phía Đông của hòn đảo với sườn vách dốc đứng tạo nên cảnh quan hùng vĩ của thiên nhiên, dưới chân các vách đá là vực đáy sâu, sóng biển thường xuyên tung bọt mạnh mẽ, gây hưng phấn cho khách du lịch thích mạo hiểm. Đặc biệt, trong các hang đảo hiểm trở, thiên nhiên đã ban tặng cho cụm đảo này một nguồn tài nguyên vô cùng giá trị đó là yến sào, tổ của một loài chim có hàm lượng dinh dưỡng siêu việt, nổi tiếng thế giới.
 

ĐẢO

Cù Lao Chàm gồm 7 hòn đảo lớn nhỏ: Hòn Lao, Hòn Tai, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô Mẹ và Hòn Khô Con. Các hòn đảo tạo thành hình cánh cung. Đảo lớn nhất là Hòn Lao, nhỏ nhất là Hòn Khô Con. Tổng diện tích các đảo trên 15km2 . Những đảo ở vùng này là núi đá, được cấu tạo bởi đá hoa cương(granite), diệp thạch và cẩm thạch (marbte). Núi Hòn Biền nằm trên Hòn Lao, là đỉnh cao nhất trong các ngọn núi ở Cù Lao Chàm (517m). Đối diện với vùng đất liền thuộc Thành phố Hội An là phía Tây Hòn Lao địa hình thuận lợi nên có cư dân sinh sống. Nơi đầu sóng gió ở các đảo biệt lập như Hòn Tai, Hòn Khô là nơi trú ngụ của đàn chim Yến sản sinh ra tổ yến giàu chất dinh dưỡng, có giá trị về kinh tế.
 
BÃI BIỂN
Dọc theo bờ biển từ Tây Bắc xuống Đông Nam của Hòn Lao, Cù Lao Chàm các bãi biển được phân bố như: Bãi Bấc (gồm 4 bãi nhỏ), Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Xếp (gồm 3 Bãi nhỏ), Bãi Chồng, Bãi Bìm, Bãi Hương. Các bãi có chiều dài từ 100m (Bãi Bấc) đến 700m (Bãi Hương); chiều rộng phổ biến là 20m. Các bãi biển thoải với nền cát mịn, sạch, nằm xen giữa các mỏm nhô đá tạo nên sự phong phú của địa tầng địa mạo. Trên các Bãi Bấc, Bãi Chồng gặp nhiều khối đá lớn được mài tròn tự nhiên hoặc nằm trên nhau, tạo nên các hình ảnh gợi cảm mang tính biểu tượng sâu sắc. Tại Bãi Bấc, trên nền đá mài mòn xuất hiện nhiều hang tự nhiên. Tại Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương do các thềm cát mở rộng tạo thành bãi cát từ 40 - 50m. Dân cư khai phá những dải đất bồi hẹp, tạo thành một số ruộng bậc thang sản xuất lương thực, thực phẩm. Như thế nhờ thiên tạo và nhân tạo nên Cù Lao Chàm chứa nhiều cảnh đẹp tuy dung dị hoang sơ nhưng đầy gợi cảm.

SUỐI TÌNH
Suối Tình bắt nguồn từ đỉnh các ngọn núi thuộc Hòn Lao, nguồn nước được chắt chiu vào mùa khô hạn, dồn chảy vào mùa mưa gió, vượt qua những thác ghềnh để cuối cùng đổ về khu dân cư Bãi Làng - Cù Lao Chàm. Vốn từ bao đời, đây là nguồn nước ngọt lành, trong xanh, mát lạnh; là nguồn tài nguyên, nguồn sống quý giá vô tận đối với dân cư vùng đảo khơi. Hơn nữa, mỗi nơi con suối chảy qua đều tạo nên những cảnh trí rất thú vị, nên thơ thật hữu tình. Đồng thời nơi đây cũng là nơi hò hẹn, gặp gỡ nên duyên, nghĩa chồng vợ của bao đôi trai gái Cù Lao Chàm và các vùng lân cận, cùng biết bao câu chuyện tình dân gian lãng mạn truyền tụng cho đến ngày nay. Xuất phát từ những lý do trên mà theo nhiều cụ cao niên ở đây, không biết tự bao giờ dòng suối đã có tên là Suối Tình.
Du khách đến đây, đứng từ trên cao nhìn xuống biển trước Bãi Làng nhất là vào lúc hoàng hôn sẽ cảm giác như đứng từ lưng chừng trời, từ cõi xa vời cách trở giữa các vòng ngũ sắc với chốn dân gian. Ở đây, có nước chảy mạnh tạo nên dòng thác xối xuống làm cho hòn đá dưới bị khuyết lõm giống như hình hột xoàn luôn đầy ¾p nước mát lạnh, nếu được tắm mình trong đấy thì thật sảng khoái vô cùng. Phía trên lại có hòn đá to trải bằng, rộng lớn, có thể nằm vừa hong nắng, vừa tâm tình. Tỏa bóng mát cho cả khu vực là cây cừa xanh tốt rợp mát quanh năm luôn vang rền tiếng ve vào mùa hè và tiếng chim làm tổ rủ rỉ vào mùa đông.
Tên Suối Tình đã một thời vang xa làm khách viễn du từ trong đất liền ao ước đến và cũng đang là điểm du lịch hấp dẫn của Cù Lao Chàm hôm nay, bởi không chỉ là hai tiếng Suối Tình gợi cảm mà cả cảnh trí tuyệt vời, với những câu chuyện tình dân gian lãng mạn.
 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền
 Từ khóa: hoi an

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây