Đại diện Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An báo cáo với đoàn JICA về hiện trạng chùa Cầu
Đó là một trong những nội dung được đưa ra sau hai ngày (16- 17.12), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Văn phòng tại Việt Nam có chuyến khảo sát thực trạng, làm việc với TP Hội An liên quan đến dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chùa Cầu.
Tại buổi làm việc với JICA, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Trung tâm) cho biết, năm 2020 di tích chùa Cầu đã được HĐND tỉnh đưa vào danh mục đầu tư công, theo kế hoạch sẽ được tỉnh bố trí ngân sách tu bổ. Tuy nhiên do dịch bệnh, nguồn thu ngân sách tỉnh khó khăn nên dự án bị đình lại, chưa thể triển khai được. Hiện di tích đang xuống cấp rất nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là ở mố cầu nằm hai phía đường Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai. Hệ thống kết cấu gỗ và dầm cầu, nhất là các dầm sắt đã bị rỉ mòn, giãn nở, gây ảnh hưởng đến kết cấu bê tông xung quanh. Trung tâm đã đề xuất giải pháp gia cố móng cầu, thay mới một số dầm cũ.
“Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích chùa Cầu, năm 2021 thành phố Hội An sẽ bố trí vốn ngân sách để thực hiện trước một số hạng mục cấp thiết. Hy vọng, sau chuyến khảo sát và làm việc với thành phố Hội An, tổ chức JICA sẽ có những hỗ trợ cụ thể về kinh phí và kỹ thuật để trùng tu di tích chùa Cầu, một di tích còn in đậm dấu ấn Nhật Bản ở đô thị cổ Hội An”, ông Ngọc cho biết. Sau khi khảo sát thực trạng di tích chùa Cầu, nhà máy xử lý nước thải chùa Cầu, JICA đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An và các cơ quan liên quan. Buổi làm việc đã cùng bàn bạc, thảo luận các vấn đề xoay quanh nội dung về khả năng hợp tác của Nhật Bản trong triển khai dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chùa Cầu; trao đổi thảo luận về ý tưởng, định hướng, chiến lược và kế hoạch của thành phố Hội An xây dựng và phát triển Hội An với thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Văn Sơn cảm ơn tổ chức JICA vì trong nhiều năm qua đã hỗ trợ Hội An những dự án đặc biệt có ý nghĩa với việc nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo sự phát triển bền vững cho người dân. Đặc biệt là dự án nhà máy xử lý nước thải khu vực chùa Cầu, dù hiện nay mới chỉ đạt 50% công suất nhưng đã giải quyết được vấn đề rất lớn, đó là làm giảm mùi hôi ở khu vực chùa Cầu. Về di tích chùa Cầu, ông Sơn cho biết việc trùng tu di tích này đã đặt ra từ nhiều năm qua và thành phố đã tổ chức hội thảo, nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các chuyên gia về phương pháp trùng tu. Nhưng đây là di tích đặc biệt quan trọng nên còn có nhiều ý kiến tranh cãi. Cho đến hiện nay, tình trạng di tích đã bị hư hại quá nặng sau nhiều trận bão, lũ lụt liên tiếp khiến di tích khó có thể tiếp tục trụ vững trước những biến động mạnh và khó lường của thời tiết. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương trùng tu di tích chùa Cầu và giao cho thành phố Hội An làm chủ đầu tư. Thành phố Hội An dự kiến sẽ khởi công trùng tu di tích chùa Cầu vào cuối năm 2021.
Liên quan đến đề nghị hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn vốn trong việc trùng tu chùa Cầu sắp tới, TP Hội An đề nghị phía JICA hỗ trợ hạng mục bao che toàn bộ công trình trong suốt thời gian thi công. Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, đã trao đổi với các bên liên quan phía Nhật Bản về việc hỗ trợ Hội An trong việc trùng tu di tích chùa Cầu. Đây là công trình quan trọng và có giá trị nhiều mặt nên cần phải thảo luận kỹ để có phương pháp trùng tu khoa học. JICA có nguồn hỗ trợ cho những dự án văn hóa, nhưng không hỗ trợ trực tiếp mà bằng hiện vật.
Trước đó, UBND TP Hội An đã có văn bản giao Trung tâm lập dự án tu bổ di tích chùa Cầu. Theo đó, các hạng mục bảo tồn gồm công trình kiến trúc, thủ pháp xây dựng, gạch lát, tường… Thứ tự ưu tiên trong tu bổ di tích chùa Cầu được đề xuất như sau: Cải thiện môi trường trong đó tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống điện; Cải thiện cảnh quan khu vực xung quanh; Cải thiện các tuyến đường tới di tích…
Tác giả: THU HOÀI
Nguồn tin: vanhoaonline.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn