Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Vị thế địa - lịch sử, bản sắc địa - văn hóa của Hội An

Trên hành trình đến với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, ngoài sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, Hội An còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến những đóng góp của Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng trong việc nhận diện bức tranh văn hóa khảo cổ Hội An và những vấn đề về vị thế địa lịch sử, bản sắc địa văn hóa của mảnh đất Hội An. Năm 1985, hội thảo khoa học cấp quốc gia về Hội An được tổ chức do Giáo sư Trần Quốc Vượng chủ trì. Năm năm sau, hội thảo khoa học quốc tế về Hội An cũng được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước. Tại hai hội thảo này có những đóng góp hết sức quan trọng của Giáo sư Trần Quốc Vượng với các bài nghiên cứu “Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt”, “Vị thế địa - lịch sử, bản sắc địa - văn hóa của Hội An”. Nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và 21 năm ngày Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2020), đồng thời nhằm tưởng nhớ và tri ân những đóng góp của Giáo sư Trần Quốc Vượng đối với Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An xin trích giới thiệu một phần nội dung bài viết “Vị thế địa - lịch sử, bản sắc địa - văn hóa của Hội An” của Giáo sư đã trình bày tại Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An năm 1990.
“… Hội An có một hệ tầng văn hóa xếp thứ tự theo trật tự thời gian - không gian sau đây:

Tầng Sa Huỳnh từ dăm ba thế kỷ trước Công Nguyên cho đến đầu Công nguyên ở vùng Cồn - Bàu ven sông trong và ven đường bờ biển cổ; từ vùng Ngũ Hành Sơn (núi Hỏa) đến Hòa Quý hiện tại, nghĩa là ven sông Cổ Cò - Để Võng và các phụ lưu hiện tại. Có thể xem hệ Bàu Sen - Bàu Ấu - Bàu Súng - Bàu Ốc... là dòng Thu Bồn cổ và sông Cổ Cò là đường ven biển cổ trước sau Công nguyên.

Tầng Champa từ một hai thế kỷ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ XV. Nối các di tích Champa đã được phát hiện đến nay từ rọc gốm An Bang - Lăng Bà Yàng ở gò ven biển Thanh Đông xã Cẩm Thanh vùng non nước Ngũ Hành Sơn - và có thể cả Trung Phường ở hai bên Cửa Đại, kể cả một số giếng Chàm cổ ở Cẩm Phô, Sơn Phô, Cù Lao Chàm và Trung Phường, có thể đi đến kết luận giờ đây đã khá là vững chắc rằng: Hội An cổ vốn đã là một cảng - thị phồn vinh từ thời đại Champa. Đấy có thể là Lâm Ấp phố của Thủy kinh chú thế kỷ VI mà Cù Lao Chàm (Chiêm Bất Lao) là bức bình phong ngoài cửa biển và bến Cồn Chăm (Bàn Thạch) là cảng cuối từ cửa biển vào, trước khi ngược sông Bà Rén để lên kinh đô Trà Kiệu Simhapura.

Giữa tầng văn hóa Sa Huỳnh và tầng văn hóa Champa điển hình (thế kỷ VII - VIII đến thế kỷ X - XI) là một tầng giao thoa - kết tinh và hội tụ văn hóa Champa mà nền và giới khảo cổ học Việt Nam đã và vẫn còn sẽ phải dày công tìm tòi, suy xét dù rằng việc phát hiện di tích Sa Huỳnh muộn ở Cẩm Hà - có tiền Ngũ Thù và Vương Mãng của Hán cổ kèm theo - và một số mảnh gốm Sa Huỳnh muộn ở tầng đáy các di tích Chàm ở Trà Kiệu - Chiêm Đông (Duy Sơn, Duy Xuyên) đã dưa lại vài ánh sáng về sự giao thoa và hội nhập văn hóa. Sa Huỳnh - Champa - Hán cổ cũng như những phát hiện ở Khương Mỹ - Tam Xuân (huyện Núi Thành ngày nay) đã đem lại chút ít ánh sáng về sự giao thoa Đông Sơn - Sa Huỳnh muộn để làm nên văn minh sớm Champa.

Đợt điền dã năm 1989, đặc biệt là việc khai quật thăm dò ở Cẩm Hà - chùa Âm Bổn - Trung Phường, bến Cồn Chăm - Thanh Chiêm - Trà Kiệu đã phát hiện được gốm gạch ngói, bệ đá hoa sen Champa, nhiều đồ gốm sứ cùng tiền đồng cổ của Trung Hoa thời Tống - Nguyên - Mông - Thanh cho thấy sự giao thoa văn hóa Chăm - Việt - Hoa vẫn tiếp tục diễn tiến từ thiên niên kỷ I của Công nguyên đến giữa cuối thiên niên kỷ II theo xu hướng từ Việt - Chăm đến Chăm - Việt với bao giờ cũng có những yếu tố ngoại sinh Hán - Hoa quan trọng trên phần Đông bán đảo Đông Dương.

Từ thế kỷ XV trở đi văn hóa Đại Việt trở thành chủ thể với các làng đánh cá, làng trồng trọt và làng thủ công quanh cảng thị Hội An. Nói thêm về ảnh hưởng Trung Hoa: Yếu tố Hán - Lục triều (gồm sứ ngói) thể hiện rất rõ ở Trà Kiệu cũng như ở Hội An - Trung Phường. Đó là thời kỳ vương triều Champa - nhất là thời Phạm Văn - học tập và tiếp thu văn minh Trung Hoa sau khi đã giành được Độc Lập từ chính tay bọn đô hộ Hán.

Đây là một vấn đề lý luận rất lý thú về văn hóa học: một nước - một cư dân có thể chịu ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ của nước “chính quốc” sau khi đã giành được quyền tự chủ về chính trị - kinh tế - có thể còn mạnh mẽ hơn là dưới thời đô hộ của kẻ cầm quyền “chính quốc”.

Chưa tìm thấy những đồ gốm - sứ Trung Hoa thời Đường - Ngũ đại ở Trà Kiệu - Hội An. Có thể, như sử sách ghi và di tích khảo cổ minh chứng ảnh hưởng chính trị - văn hóa của Trung Hoa đã bị đẩy lùi khỏi xứ sở Amaravati từ thế kỷ VI - IX trước những ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ - Ả Rập.

Nhà Tống - trái với ứng xử vũ dũng và đại lục của nhà Đường đã triển khai một đường lối buôn bán và hải dương nên lại “có mặt” ở Champa: Vùng Cửa Đại - Trung Phường đầy rẫy mảnh sứ men đông - thanh của Tống. Đầu thời Minh, tuy Trung Hoa thực hiện chính sách “bế môn tỏa cảng” nhưng cư dân Trung Hoa ven biển từ Phúc Kiến đến Quảng Đông vẫn tiếp tục giao lưu buôn bán với vùng biển phương Nam. Cuối đời Minh đầu đời Thanh (giữa thế kỷ XVII) đã chứng kiến sự thành lập Minh Hương xã từ Hội An đến Trung Phường (Duy Hải) Cẩm Hà, Bàn Thạch - Trà Nhiêu (Duy Vinh). Một sự hội nhập văn hóa Trung Hoa mới lại diễn ra mạnh mẽ với, lần này là sự tiếp xúc, đan xen dung hòa văn hóa Việt Hoa. Người Minh Hương ở Hội An hôm nay đã hoàn toàn Việt Hóa và nói tiếng Việt. Yếu tố Hoa làm giàu cho văn hóa Việt ở Hội An.

Đến nữa đầu thế kỷ XIX với sự “ổn định” của triều Nguyễn và sự hỗn loạn ở Trung Hoa sau chiến tranh thuốc phiện 1840, lại có một đợt di cư mới của “Ngũ Bang” (Phúc Kiến, Gia Ứng, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam), Hoa Kiều sang Hội An, dẫn tới việc xây dựng những hội quán, đình, chùa của Ngũ Bang ở đường Nguyễn Thái Học - Hội An như hiện nay ta biết. Tất nhiên, không thể phủ nhận ảnh hưởng văn hóa ngoại sinh khác ở Hội An như Nhật Bản, Ả Rập...”.
 

Tác giả: GS. Trần Quốc Vượng

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây