Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Về một ngôn ngữ lai (Lingua - Franca) ở Hội An - Đà Nẵng vào thế kỷ XVIII

1. Trong cuốn Hành trình ở Đàng Trong (Voyage à la Cochinchine) của John Barrow có công bố một bảng từ Việt ghi lại ở Turan vào cuối thế kỷ XVIII (năm 1972). Cuốn sách này đã được Malte - Brun dịch và chú giải bằng tiếng Pháp, công bố năm 1807. Bảng từ không đến một trăm từ, nhưng cũng cho chúng ta hình dung được tình hình sử dụng tiếng Việt lai tạp như thế ở Hội An - Đà Nẵng. Và trong thứ ngôn ngữ lai đó vẫn có thể nghe được âm thanh của tiếng Việt thời bấy giờ. Dưới đây là bảng từ:
la terre                      Đia                  l’air                        Bloei             le feu                          Whoa
la mer                       Baea               une rivière              Jeang             une montagne             Noni
le soleil                     Mat bloei         la lune                   Blang             les nuages                  Moo
les étoiles                 Sao                 les éclairs             Choap             le tonnere                   No-sang
le jour                       Ngai                le vent                   Jee                 le ciel                        Tien
la nuit                      Teng’                l’est                      Doo                l’ouest                        Tai
le nord                      Pak                 le midi                  Nang               l’homme                     Dan-ou
la femme                  Dan ba             un quadrupède      Kang               un oiseau                    Ching
un poisson                Ka                   un arbre               Kai                  un fruit                        Blai
une fleur                   Wha                 une pierre            Ta                    l’or                             Whang
l’argent                     Bak                  le cuivre              Tow                  le plomb                     Chee
le fer                        Tié                    la tête                 Too                  la main                       Tai
le coeur                    Blai                  le pied                 Tehen              la figure                       Mien
les yeux                   Mat                  les oreilles           Tai                   un boeuf                      Bo
un cheval                  Ma                   un âne                 Looa                un chien                      Koo
un mouton                Chien               un chat                Miao                un cerf                         Hoo
un pigeon                 Bo-kau              un oeuf               Te-lung             une oie                        Ngoo
huile                        Taw                   riz                      Gao                 vinaigre                        Jing
sel                           Mooi                 soie                    Looa                coton                           Baou
sucre                       Dang                 une maison         Da                   un lit                            Tchuang
un temple                Shooa                un couteau          Tiau                 une porte                      Pan
une ancre                Dan                   une couteau         Tiau                 une porte                      Pan
une ancre                Dan                   une charrue          Kai                  l’argent monnaie            Tien
un vaisseau             Tau                   deux                    Hai                   un                                Mot
trois                        Teng                 quatre                  Bon                  cinq                              Lang
six                          Lak                   sept                     Bai                   huit                              Tang
neuf                        Chin                  dix                       Taap                 onze                            Moei-mot
douze                     Moei-hai             trente                  Teng-moei          vingt                            Hai moei               
trente-et                 Teng-moei          trente-deux         Teng moei           cent                             Klang                                 
un                          mot                                               hai
mille                       Ngkin                dix mills                Muen

          2. Cách đây 20 năm Martine Piat nêu lại bảng từ này trong bài un vocabulaire Cochinchinois du XVIII siècle[1]. Tác giả phân tích khá xác đáng về ngữ âm và từ vựng học và cho rằng đây là một bảng từ lẫn lộn tiếng Việt Đàng Trong với tiếng Hán Quảng Đông, có lẽ do một người Hoa ở Đà Nẵng làm phiên dịch cho J.Borrow cung cấp. Những cứ liệu M.Piat đưa ra là:

          2.1 Một loại từ Hán thay cho từ Việt như thiên, địa, hỏa, giang, cẩu, mã, thiết, tam (teng), lục (lak), thập (taap)…
          2.2. Ảnh hưởng tiếng Hán trong khi phát âm tiếng Việt:
          - Ở một số từ Việt phụ âm đầu b-, đ- được thay bằng p-, t- như Pak – bắc.
          Ta – đá, Tow – đồng, Too – đầu, Teng – đêm
         - Tất cả những từ có phụ âm cuối –m trong tiếng Việt đều được thay thế bằng –ng: No – sang, -nổ sấm, Teng – đêm, Nang – nam. Ching – chim, teng – tam, lang – lăm, tang – tám, klang – trăm…

          2.3. Phiên âm theo cách viết của người Anh, dùng OO để ghi âm u, ow (âu), ở nhiều chỗ lẫn lộn t- và th-. Ví dụ: Moo – mù, Too – đầu, Koo – cẩu, Tien – thiên, Tié – thiết…

          2.4. Tuy nhiên bảng từ cũng đã ghi lại được một số âm của tiếng Việt thế kỷ XVIII mà ngày nay không còn nữa: bl, tl, kl. Ví dụ: Blcei – trời, Blang – trăng, Blai – trái, Te-lung – trứng, Klang – trăm.

          3. Trong báo cáo này chúng tôi nêu một số nhận định rút ra được từ bảng từ của J.Barrow, mà M.Piat chưa đề cập đến.

          3.1. Xét hệ thống số từ bị phá vỡ (mot, hai, teng, bon lang, lak, bai, tang, chin, taap) và nhất là cách cấu tạo số từ kép (teng-moei, teng moei mot, teng moei hai), chúng tôi thấy rằng, đây không phải là một sự pha tạp, lẫn lộn trong ngôn ngữ cá nhân, mà là một tập quán đã hình thành trong ngôn ngữ giao tiếp của cộng đồng người Hoa nói tiếng Việt (dùng song ngữ) ở Hội An – Đà Nẵng ở thế kỷ XVIII. Các loại ngôn ngữ lai kiểu này thường gặp ở nhiều hải cảng trên thế giới.

          3.2. Ngôn ngữ lai này không mang ảnh hưởng của tiếng Hán Quảng Đông như M.Piat nhận định. Trong bảng từ của J.Barrow không có phụ âm cuối –m. Như đã nói trên tất cả từ Việt cũng như từ gốc Hán có –m đứng cuối đều được ghi là –ng. Hệ thống phụ âm cuối không có –m là đặc điểm của tiếng Quan Thoại và nhiều phương ngữ Hán khác như phương ngữ Ngô (cơ sở của cách đọc Hán – Nhật), Cống (ở Nam Xương). Chỉ riêng các phương ngữ Hán ở miền đông nam Trung Quốc ở Phúc Kiến (phương ngữ Mân) và nhất là Quảng Đông (phương ngữ Việt) là còn giữ lại khá đầy đủ các cặp phụ âm cuối –m – p, -n –t, -ng –k. Ví dụ: tam nghĩa là “ba” ở Bắc Kinh nói là san, còn ở Quảng Đông nói là “sam”.

          Tuy vậy, ở phương ngữ Mân, khuynh hướng giảm phụ âm cuối cũng rất rõ. Ở Hạ Môn còn đủ 3 cặp –m –p, -n –t, -ng –k, ở Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, chỉ còn mỗi phụ âm –ng[2].

          3.3. Trong bảng từ của J.Barrow, những từ có phụ âm cuối là –n –t được ghi lại rõ ràng, không hề lẫn lộn với –ng –k: mat bloei, mat mot, tien tien, dan ou, dan ba, tchen chien, bon, muon. Hiện nay người Việt ở Quảng Nam – Đà Nẵng cũng như trên khắp cả miền nam Việt Nam đã phát âm khác rồi: -n thành –ng và –t thành –k: măk trời, măk môôk, tiếng, đàng ông, đàng bà, châng, kong chiêng, bôông, muông. Sự biển đổi xảy ra trên chắc chắn phải sau cuộc hành trình của J.Barrow, sớm nhất là vào thế kỷ XIX.

          3.4. Bảng từ không chỉ giúp chúng ta xác định thời gian, mà còn giúp chúng ta xác định được xuất xứ và không gian của sự biến đổi nói trên. Sự biến đổi này rất quan trọng đối với phương ngữ học, vì nó tạo ra nét khu biệt đáng kể giữa phương ngữ miền Nam (bao gồm Nam bộ và Nam Trung Bộ) với các phương ngữ khác. Các ngôn ngữ bản địa ở miền Nam la tiếng Khơme và tiếng Chàm đều có hệ thống phụ âm cuối rất phong phú, cho nên ảnh hưởng lảm giảm bớt số lượng vần và phụ âm cuối trong tiếng Việt ở miền Nam chỉ có thể do các phương ngữ Hán.

          Sự biến động phụ âm cuối –m (-m thành -ng) được ghi trong bảng từ ở Đà Nẵng, và sự biến đổi –n thành –ng, -t thành –k xảy ra về sau tiếng Việt miền Nam cho thấy quá trình tranh chấp ảnh hưởng cực kỳ phức tạp của các phương ngữ Hán trên đất Việt vào các thế kỷ gần đây XVIII, XIX. Hiện tượng song ngữ của người Hoa và không ít những kiểu ngôn ngữ lai như J.Barrow đã ghi lại được ở Đà Nẵng, ở các thành thị miền Nam đã làm tiếng Việt chao đảo. Cuối cùng, phương ngữ Triều Châu giành được ưu thế trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các phương ngữ Hán có hệ thống phụ âm cuối –m –p –nt –k, không có –n –t, đã tác động đến tiếng Việt ở miền Nam và để lại kết quả như chúng ta thấy ngày nay.

          3.5. Trong các sách ghi chép về việc di cư của người Hoa sang Việt Nam cũng xác nhận rằng càng về sau (thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX) người Hoa di cư sang miền Nam càng nhiều và chủ yếu là từ các miền Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu. Bang Triều Châu là bang đông người nhất ở các thành phố miền Nam Việt Nam, ở Phnom Pênh và Bangkok[3].

          Như vậy là sự biến đổi ngữ âm nói trên do sự tác động của phương ngữ Triều Châu xảy ra trước tiên trong tiếng Nam Bộ, sau đó theo vua quan nhà Nguyễn ra kinh đô Huế và lan ra các tỉnh Nam Trung Bộ. Dưới thời Nguyễn, các bà vợ vua phần lớn là con các đại thần quê ở Nam Bộ, những người đã từng giúp vua Gia Long gây dựng cơ đồ. Do đó các bà trong nội cung ở Huế đều nói tiếng Nam Bộ. Các cung phi, thị nữ được tuyển vào cung đều phải học nói tiếng miền Nam[4]. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao tiếng Huế bên cạnh những từ cổ, những đặc trưng ngữ âm và thanh điệu giống các phương ngữ Bắc Trung Bộ lại có những nét mới của các phương ngữ miền Nam.

          3.6. Có một điều rất đáng quan tâm là sau khi loại trừ các ảnh hưởng ngoại lai: cách phát âm theo tiếng Hán, các phiên âm theo tiếng Anh, cái cốt lõi của tiếng Việt còn lại rất giống với cách phát âm ở Đàng Ngoài đã được A.de Rhodes ghi chép lại trong Từ điển Việt – La tinh – Bồ Đào Nha vào giữa thế kỷ XVIII (1651)[5].

          1- Những phụ âm kép bl-, tl- trong từ điển A. de Rhodes vẫn còn gặp ở đây: Bloei – (trời), blang – (trăng), blai (trái), te-lung (trứng). Trong bảng từ còn có âm kl- mà từ điển không ghi lại: klang (trăm). Hiện nay ở một số thổ ngữ Quảng Bình và bắc Quảng Trị còn giữ lại một âm trung gian giữa tl và kl để đọc các từ trên hoàn toàn khác:

          Bắc Bộ: chời/ giời, chăng/ giăng, chái, chứng
          Trung Bộ và Nam Bộ: trời, trăng, trái, trứng

          2- Hai âm mà chữ quốc ngữ ghi là ghi và d hiện nay không còn phân biệt nữa, nhưng đọc khác nhau ở 2 miền.
          Miền Bắc đọc là z và miền Nam đọc là j những từ như: gió, giấm, giang, dầu, dao…

         Trong bảng từ phân biệt rất rõ 2 âm trên: gió, giấm, giường, ghi là: jee, jing, Tchuang. Còn dầu, dao, dà (nhà) thì ghi bằng T hoặc D: Taw, Tiau, Da, bởi lẽ âm này vào thế kỷ XVII, XVIII rất gần với âm đ, cho nên A.de Rhodes dùng chữ d để phiên âm.

          3. Trong bảng từ phiên âm vần –ông bằng 4 cách khác nhau:
          oo: Doo (đông), Ngoo (ngỗng)
          ow: Dow (đồng)
          ou: Dan-ou (đàn ông)
          aou: Baou (bông-coton)

          Điều này chứng tỏ rằng đây là một vấn đề rất khó nghe và khó ghi nhận đối với người châu Âu, có nét cơ bản là một nguyên âm ô và một âm cuối chụm môi. A.de Rhodes cũng đã ghi lại từ bông, đàn ông đúng như J.Barrow ghi và thêm dấu ngửa trên chữ u đứng cuối để ghi nhận tính mũi hóa của âm này. Trong khi đó ở Huế hiện nay vẫn gọi “ông” là “cồng”, với cách phát âm không chụm môi ở âm cuối.

          Như vậy là đến cuối thế kỷ XVIII tiếng Việt ở Hội An- Đà Nẵng chưa có những nét khác biệt so với các phát âm ở Đàng Ngoài. Nếu ngôn ngữ lai mà chúng ta đang xét đều không phải được đưa từ một nơi nào khác từ miền Bắc đến đây, thì quả là sự khác nhau giữa hai phương ngữ Nam và Bắc chỉ mới định hình khoảng hơn một trăm năm nay mà thôi.

          4- Cuối cùng chúng tôi muốn góp ý để đính chính một vài điểm trong chú thích của M. Piat.

          4.1- M.Piat ghi từ tương đương của mien trong tiếng Việt hiện nay là miệng, với ý nghĩa có sự lẫn lộn n/ng trong lúc phát âm. Nhưng nghĩa của từ mien được ghi là “mặt” (figure). Vậy đây là một từ Hán, có âm Hán Việt là diện.

          4.2- M.Piat cho rằng từ da có nghĩa là “nhà” (maison) tương đương với từ đàng hiện nay, nhưng vì phương tiện ấn loát ở Châu Âu bấy giờ không in được dấu ngửa để biểu thị âm mũi hóa. Trong từ điển của A. de Rhodes cho biết từ nha còn có biến thể là dà và ông cho vì dụ: dà Lê (tức là “nhà Lê”). Ở Hà Nội hiện nay vẫn còn nhiều từ dùng với cả 2 biến thể nh/d như: con không/ con dông, nhuôm/ duôm, nhăn nheo/ dăn, nhát gan/ dát gan, nhiều/ diều, dều; nhưng mà/ dưng mà…ội
 

[1] In trong Bulletin de la Société des E1tudes Indochinoises, Nouvelle Se1rie, Tome XLIV, No3 et 4, 3e et 4e Trimestres 1969, Saigon 1969. tr.235-241.
[2] Hán ngữ phương ngôn từ điển, Bắc Kinh Đại học, Trung Quốc ngữ ngôn – văn học hệ, Văn tự cải cách xuất bản xã, Bắc Kinh 1964.
[3] Theo Đào Trinh Nhất, Thế lực khách trú và vấn đề di dân nào Nam Kỳ, (Hà Nội, 1924), đại bộ phận người Hoa sang miền Nam Việt Nam là từ các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu vào nửa cuối thế kỷ XIX, nữa đầu thế kỷ XX... Ở nước ngoài, người Hoa tổ chức thành từng bang đồng hương. Ở miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các bang Quảng Đông, Phúc Kiến, và Triều Châu là đông hơn cả. Mỗi bang có ưu thế ngành nghề nhất định. Người Phúc Kiến tỏ ra thành thạo trong thương nghiệp, ngân hàng, tài chính, còn người Quảng Đông giỏi nghề kim hoàn, kinh doanh xuất nhập khẩu lúa gạo. Trong khi đó người Triều Châu chì chuyên làm nghề khuân vác ở các bến cảng và các nghề thủ công nghiệp.
Theo tài liệu gần đây hơn nữa của Victor Purcell, The Chineses in Southeast Asia (London 1965), thì tỉ lệ người Triều Châu là cao nhất so với các bang khác. Ở Campuchia họ chiếm 77%, sau đó bang đông người thứ hai là Quảng Đông chiếm 10% tổng số Hoa Kiều. Ở Thái Lan người Triều Châu chiếm 56% và sau đó là người Hakka chiếm 16% tổng số.
[4] Phan Văn Dật, Thân phận và nếp sống của các bà trong nội cung triều Nguyễn Sông Hương số 16 tr.98.
Hoàng Thi Châu, Tiếng Việt trên các miền đất nước, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1989, tr.224.
 [5] Alexandre de Rhodes, Dictionarium annamiticum seu tunkinensis cum lusitina latina declaraione, Roma 1651.

Tác giả: Gs. Hoàng Thị Châu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây