Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Văn nghệ dân gian làng Thanh Hà

Thanh Hà nằm về phía Tây - Tây Bắc của thành phố Hội An, diện tích 6,156 km2, dân số hiện nay là 11.839 người (1). Trong lịch sử, Thanh Hà là một làng/xã có diện tích đất tự nhiên lớn nhất so với các làng xã khác trong vùng và hiện nay cũng là một xã có diện tích đất đai lớn so với nhiều xã phường còn lại thuộc thành phố Hội An, cho dù đã có sự chia tách thành 2 đơn vị hành chánh là phường Thanh Hà và xã Cẩm Hà.
Về vị trí địa lý, Thanh Hà có mặt Nam tiếp giáp sông Chợ Củi, đầm Thanh Hà.Phía Bắc là các cồn cát cao chạy theo hướng Đông Tây. Phía Tây giáp các xã Lai Nghi, Phú Chiêm và khu vực dinh trấn Quảng Nam, sau này là tỉnh thành La Qua – Điện Bàn, phía Đông giáp các xã Cẩm Phô, Tân An, sông Cổ Cò tiếp với phố Hội An và cửa Đại Chiêm. Với vị trí này, Thanh Hà nằm giữa trục giao thông và cũng là trục giao lưu văn hóa kết nối từ dinh trấn Quảng Nam – La Qua đến phố cảng Hội An và cũng là dải bình phong tự nhiên gồm nhiều cồn cát án ngữ phía Bắc của thương cảng – thành phố Hội An trước đây cũng như hiện nay.

Về địa hình, Thanh Hà là một xã có địa hình đa dạng bao gồm đất phù sa cồn bãi ven sông; đất ruộng ven cồn bàu; các cồn bàu nằm trải dài theo hướng Đông Tây; các dòng sông, mương rạch nhỏ; các khu rừng cây lá thấp rậm rạp… Đây là điều kiện để các lớp cư dân Thanh Hà phát triển nhiều ngành khác nhau và cũng là yếu tố chi phối mạnh mẽ đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Thanh Hà.

Về lịch sử phát triển dân cư có thể nói rằng Thanh Hà là vùng đất cổ, có cư dân cư trú từ khá sớm. Tại đây đã phát hiện các di tích, di chỉ khảo cổ học mộ chum Sa Huỳnh có niên đại cách đây trên 2000 năm ở An Bang, Hậu Xá, Thanh Chiếm, v.v… chứng tỏ lúc bấy giờ tại các dải cồn – bàu thuộc xã Thanh Hà hiện nay, cuộc sống của các nhóm cư dân Tiền – Sơ sử đã khá nhộn nhịp. Họ sống men theo dòng sông cổ, biết sử dụng đồ gốm, đồ sắt trong lao động, chiến đấu, biết sử dụng tiền đồng và các đồ trang sức bằng thủy tinh, mã não, vàng… trong cuộc sống hàng ngày. Tiếp sau cư dân Sa Huỳnh là cư dân Chăm Pa đã sinh sống trên mảnh đất này và để lại một số di tích như miếu Bà Dàng, miếu Bà Cổ, bệ Linga, tượng voi đá, phù điêu vũ công thiên tiên, v.v… Đặc biệt với các địa danh Rừng Chàm, Bàu Chàm, Thanh Chiếm cho thấy chúng có mối quan hệ với lịch sử cư trú của cư dân Chàm trước đây. Địa danh Thanh Chiếm (青占) hiện nay đúng ra phải được đọc là Thanh Chiêm với chữ Chiêm nguyên gốc trong chữ Chiêm Bà, Chiêm Thành dùng để chỉ vương quốc Chăm Pa (占?,占城). Việc lưu giữ chữ Chiêm (占) trong địa danh Thanh Chiếm/Thanh Chiêm là hiện tượng hết sức quan trọng cần phải được tiếp tục nghiên cứu, nhất là khi các địa phương khác như Phú Chiêm, Thanh Chiêm đã đổi chữ (占) thành chữ Triêm (沾, 霑). Những người lớn tuổi của Thanh Hà lý giải sở dĩ đặt tên là Thanh Chiếm vì đây là nơi ông bà tổ tiên của làng đến chiếm cứ đất đai đầu tiên. Cách lý giải này thuần túy mang tính dân gian nên tính thuyết phục không cao. Theo tôi, đây là sự bảo lưu cách viết cổ liên quan đến địa danh Thanh Chiêm, một địa danh ghi dấu mối quan hệ Chăm – Việt, và là một trong những nơi từng đóng lỵ sở của dinh trấn Quảng Nam trước đây.

Tiếp sau cư dân Chăm là cư dân Việt từ các vùng châu thổ Bắc Bộ lần lượt đặt chân cư trú ở vùng đất này. Sự hình thành xóm ấp người Việt tại Thanh Hà xảy ra vào khoảng thế kỷ XVI, XVII. Nhiều tư liệu khẳng định đến thế kỷ XVIII thì làng Thanh Hà đã phát triển mạnh mẽ với nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó nổi lên là nghề làm đồ gốm.Trên điều kiện địa – sinh thái – nhân văn có những nét đặc thù riêng, các thế hệ cư dân Thanh Hà đã phát triển nhiều ngành nghề khác nhau từ nông nghiệp, ngư nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp và buôn bán, dịch vụ. Về nông nghiệp, ngoài việc trồng lúa ở các thửa ruộng ven sông rạch, cư dân địa phương dựa vào các cồn bàu đãphát triển việc trồng hoa màu phụ khoai sắn, bắp, đậu phụng, và sau này là thuốc lá, quật, hoa cây cảnh, v.v… Ngư nghiệp thì có nghề biển, nghề sông và nghề đánh bắt thủy sản tại các bàu nước, khe suối, ao hồ.Thủ công nghiệp thì ngoài nghề làm đồ gốm, làm gạch ngói còn có nghề nung vôi; nghề đóng/ép dầu phụng; nghề làm lược; làm đồ sừng, hấp cá, v.v… Một đặc điểm về dân cư khác cũng cần lưu ý là sự có mặt khá sớm của một số người Hoa, người làng Minh Hương ở Thanh Hà. Sự có mặt của các nhóm cư dân này cho thấy sự phát triển trong hoạt động kinh tế cũng như vị trí của làng Thanh Hà xưa trong hệ thống buôn bán ven sông của xứ Quảng. Đây cũng là điều kiện thúc đẩy mối quan hệ giao lưu – tiếp biến văn hóa nhất là trong lĩnh vực phát triển của ngành nghề thủ công. Ngoài ra, tại Thanh Hà còn có một số xóm ấp  của các phường Xuân Mỹ, Hòa Yên, Thanh Quế … tạo thành những làng nhỏ sống xen kẻ trong làng lớn Thanh Hà.

Công tác sưu tầm về văn nghệ dân gian ở Thanh Hà trước đây đã được thực hiện bởi một số trường Đại học trong vùng nhưng kết quả thu được không nhiều và không được lưu lại tại địa phương. Việc nghiên cứu về văn nghệ dân gian ở đây vì thế cũng chưa được xúc tiến một cách bài bản.
         
Đơm hoa, kết trái trên một vùng đất đa dạng về địa sinh thái – nhân văn và có bề dày về lịch sử phát triển dân cư, các loại hình, thể loại văn nghệ dân gian ở đây cũng rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên do thời gian sưu tầm ngắn, lực lượng chưa được tập trung nên số lượng các đơn vị văn nghệ dân gian sưu tầm được không nhiều. Thêm vào đó, do tác động của quá trình đô thị hoá, của việc chia tách phường xã cũng như việc mai một trí nhớ dân gian ở những người cao tuổi nên công tác sưu tầm cũng gặp phải một số hạn chế nhất định.
          
Qua các đơn vị sưu tầm được, có thể thấy rằng văn nghệ dân gian ở Thanh Hà cũng mang những đặc điểm chung về nội dung và hình thức của văn nghệ dân gian xứ Quảng. Chúng là những sáng tác dân gian gắn với cuộc sống lao động, chiến đấu, sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng của những lưu dân Việt tại vùng đất mới, là sự tiếp nối mạch nguồn văn nghệ dân gian từ quê cha đất tổ ở các vùng châu thổ Bắc Bộ có sự giao lưu - tiếp biến với những yếu tố bản địa tại vùng đất mới, là sự vận dụng các hình thức biểu đạt, các mô típ truyền thống để phản ánh những thực tế mới, nội dung mới, qua đó có một số cách tân về hình thức so với truyền thống.
         
Văn học dân gian ở đây cũng có các thể loại ca dao, tục ngữ, vè, truyện kể dân gian; các sáng tác khuyết danh khác như câu đối, văn tế,  v.v… Nhiều đơn vị văn học dân gian sưu tầm được ở đây có nội dung mang tính phổ biến ở nhiều vùng miền của xứ Quảng hoặc các địa phương khác thuộc Đàng Trong, kiểu như:
 
- Cận đâu xâu đó;
     ***     
- Bồi thì ở, lở thì đi;
***
- Đồng tư ngư dung;
***
Chim trời cá nước
***
- Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say
Bậu quen ta chưa mấy lăm ngày
Đã mang câu ơn trượng nghĩa dày bậu ơi;
***
- Ngó lên trên rừng thấy cặp cu đang đá
Ngó về dưới biển thấy cặp cá đang đua
Chàng về lập miễu thờ vua
Lập lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha
Chữ trung, chữ hiếu, chữ hoà
Đố anh ba chữ thờ cha chữ nào;
***
- Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha chết gót con đen sì;
***
- Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm;       
***
Điều đáng nói ở đây là bên cạnh những nét chung đó, vẫn có nhiều đơn vị văn học dân gian phản ánh những nét riêng về đất và người Thanh Hà. Một số đơn vị ca dao, tục ngữ sưu tầm được đã góp phần khắc hoạ sinh động bức tranh phát triển kinh tế - ngành nghề đa dạng của làng Thanh Hà. Trong bức tranh này, không chỉ có các hoạt động nông nghiệp mà còn có nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó nổi bật có nghề làm đồ gốm được phản ánh qua nhiều đơn vị ca dao, tục ngữ, chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của nghề này tại địa phương.
 
- Nhất Phước Kiều đám ma, nhì Thanh Hà nhà cháy
***
- Lửa chi lửa rực sáng loà
Là gạch lò ngói Thanh Hà là đây
***
- Thanh Hà vẫn gạch bát nồi
Thuốc thơm Cẩm Lệ mấy đời lừng danh
***
- Thân em như gốm Thanh Hà
Như chiếu Bàn Thạch trải đà khắp nơi
        
Qua những câu ca dao, tục ngữ này ta thấy rằng từ rất sớm sản phẩm gốm Thanh Hà đã đứng ngang hàng với những sản phẩm đặc trưng của xứ Quảng như đồ đồng Phước Kiều, thuốc lá Cẩm Lệ, chiếu Bàn Thạch, v.v…
          
Cùng với nghề gốm, trước đây Thanh Hà còn có nghề nung vôi. Dọc bờ sông Chợ Củi đoạn chảy qua Thanh Hà là những lò vôi ngày đêm nhả những làn khói trắng lên bầu trời tạo thành một khung cảnh ấn tượng một thời. Những lò vôi này cung cấp nguyên liệu tạo nên vữa vôi tam hợp làm nhà, làm mồ mả; tôi thành vôi để ăn trầu, quét vôi, v.v… Ngày nay nghề này không còn nhưng dấu vết của nó nhưng vẫn được lưu lại trong nhiều đơn vị ca dao, tục ngữ:

- Yêu nhau cho thịt cho thà
Ghét nhau đưa đến Thanh Hà nung vôi;
***
- Gió Nam thổi xuống lò vôi
Lòng ta thương bạn bạn thôi sao đành;
***
- Thanh Châu buôn bán nghề ghe
Thanh Hà vôi ngói, mía chè Đa Hoà
Phú Bông dệt lụa, dệt sa
Kim Bồng thợ mộc, Ô Da thợ rừng
         
Ca dao, tục ngữ còn cho biết, về nông nghiệp do điều kiện sinh thái - thổ nhưỡng tại Thanh Hà đã hình thành nên một số nghề mang tính đặc trưng:
 
- Ai về Trà Quế mà coi
Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh
Sáng mai đi bán rau hành
Đêm về tưới nước thâu canh chưa nằm;
***
- Muốn về Trà Quế ăn rau
Sợ e tưới nước đôi gàu chai vai;
- Muốn về Trà Quế mà chơi
Nghĩ lại sự đời gánh nước chai vai...
 
Đó là các câu ca liên quan đến nghề trồng rau Trà Quế. Hiện nay sản phẩm rau Trà Quế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Hội An mà còn ở Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh thành khác xa hơn.
         
Cùng với nghề trồng rau sống, tại Thanh Hà trước đây còn có nghề trồng thuốc lá. Sản phẩm thuốc lá Thanh Hà khá nổi tiếng và đã được phản ánh trong ca dao:
 
- Tiếng đồn con gái Cẩm Hà
Mất mùa thuốc lá chết 300 người
Cẩm Thanh nghe nói tức cười
Cẩm Hải nghe nói 10 người chết theo.
 
Do ở cận kề phố cảng Hội An và có hệ thống giao thông đường sông thuận lợi kết nối với nhiều địa phương trong vùng nên tại Thanh Hà nghề buôn cũng khá phát triển. Hoạt động buôn bán ven sông đã để lại nhiều đơn vị ca dao, tục ngữ liên quan đến địa phương:
- Kể từ ngày mua bán Thanh Hà
Xuống lên Xuân Mỹ lại qua cửa Đầm
Ôm đàn gảy tiếng tri âm
Thấy ai tang chế trong lòng xót xa
Lạy trời cho bướm nó gặp ba (hoa)
Mây chim loan phượng lại qua ngô đồng;
***
- Gió Nam thổi xuống lò vôi
Ai đồn với bạn ta có đôi bạn buồn
Dời chân bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu gợn dạ buồn bấy nhiêu
Cánh buồm gió thổi xiêu xiêu…
Nước mắt ra chàng chặm bốn múi dây lưng điều không khô
Sự tình thảm biết chừng mô
Con cá lui về biển Bắc bỏ chiếc nơm khô một mình.
 
Tại Thanh hà hiện đang lưu truyền nhiều đơn vị ca dao, hò vè mô tả vẻ đẹp của đất và người địa phương. Đây là những đúc kết dân gian có giá trị:

- Tiếng đồn con gái Nam Diêu
Làm giỏi, hát giỏi mĩ miều nước da
Tiếng đồn con trai Thanh Hà
Nói năng lịch thiệp như là văn nho
 
Các đơn vị ca dao, hò vè mang nội dung chống thực dân phong kiến, ủng hộ các phong trào cách mạng cũng xuất hiện khá nhiều, chứng tỏ Thanh Hà là một trong những mảnh đất nuôi dưỡng, phát triển các phong trào cách mạng. Đó là các câu hát ủng hộ phong trào Nghĩa Hội do người con của quê hương Thanh Hà lãnh đạo:

- Ai lên chín ngõ sông Con
Hỏi thăm ông Hường Hiệu có còn hay không?
          Hoặc những câu hát thể hiện rõ tình cảm đối với cách mạng vô sản:
- Kể từ lịch sử nước Nam triều
Thương cho mấy người tài năng học sĩ chết đã nhiều vì Tây qua
Quảng Nam có ông Hương Hiệu ở Thanh Hà
Trung thành với nước nên xa chốn triều thần
Về nhà sầu thảm với nhân dân
Lâm vô tử trận chín mười phần còn chi
Tụi Tây qua đã tới Trung Kỳ
Đế đô co kéo còn gì nước Nam
Giận thay cho chú Cần Thân (đúng là Nguyễn Thân)
Cầu tham lam mãi quốc biết ăn làm với ai
Nước Nam mình thiếu chi kẻ anh tài
Văn chương đủ hết không dùi mài cho nên
Để cho nhà dột khó ngăn
Thơ ông Hường để lại dưới đền đinh ninh
Thương thay cho cộng sản hữu tình
Trung thành với Tổ quốc liều mình cho nên khô
Nghĩ sự tình thảm biết chừng mô
Kẻ thì bị đày ra bỏ vợ
Người bị giải vô bỏ chồng
Thù xưa còn hỡi ghi lòng
Gang sơn Tổ quốc khi không mà thành
Giậm chân kêu với ông trời xanh
Nhân dân xuất thế giặc Nam thành cũng tan
Đánh Anh, Tây, Nhật đầu hàng
Sơn bằng thuỷ kiệt mở mang cho nước nhà
- Đói lòng ăn nắm lá sung
    Còn hơn ở trại tập trung Thanh Hà   
 
Truyện kể dân gian ở Thanh Hà cũng khá phong phú. Ngoài những chuyện kể mang tính phổ biến như Phượng Hoàng và Cây khế, Sự tích tháp Bàng An, Cứu vật vật trả ơn cứu nhơn nhơn trả oán… tại đây còn lưu truyên một số truyện kể mang tính địa phương như truyện kể về bà Phước bà Tích, Sự tích xứ Đàng Trong, Sự tích về Tam vị… Ngoài ra còn có nhiều giai thoại, chuyện kể về các sự kiện giành đất ở đầm Thanh Hà, về miếu Thanh Chiếm, miếu Bà Cổ, về các sự kiện, nhân vật liên quan đến các phong trào cách mạng… Các truyện kể này cũng mang đặc điểm chung của thể loại tự sự dân gian ra đời tại một vùng đất mới, nội dung thường không hoàn chỉnh, ít tình tiết và có sự pha trộn của nhiều mô típ truyền thống có nguồn gốc từ Đàng Ngoài. Chuyện bà Phước bà Tích liên quan đến nguồn gốc của nghề gốm Nam Diêu, Thanh Hà, kể rằng có 2 chị em tên là Phước và Tích từ miền Bắc di dân vào Nam sinh sống. Bà chị chạy đến Huế thì dừng lại và lập ra làng gốm Phước Tích, người em chạy vào định cư ở Hội An, lập ra làng gốm Nam Diêu, Thanh Hà. Câu chuyện tuy ngắn nhưng phản ánh thực tế về quá trình phát triển nghề gốm của người Việt ở phương Nam, mối quan hệ giữa làng gốm Phước Tích với làng gốm Nam Diêu cũng như vai trò của những người thợ gốm phụ nữ trong việc truyền nghề… Sự tích Tam Vị lý giải việc thờ Tam vị tại Thanh Hà, qua đó cho thấy mối quan hệ đường thuỷ giữa Thanh Hà, Hội An với các vùng phía Tây thượng nguồn Quảng Nam và các vùng phía Đông Hội An đến Cù Lao Chàm. Câu chuyện có sự tiếp biến từ các mô típ về Tam vị thuỷ thần, giang thần (thần sông) từ châu thổ Bắc Bộ đến Tam vị hải thần, thần biển tại vùng đất mới Hội An.
         
Các thể loại dân ca, hát hò, diễn xướng dân gian ở Thanh Hà cũng có nhiều loại như hát ru, hò khoan, hò giã vôi, giã gạo, hò chèo thuyền, hát đưa linh, hát bài chòi, hát bội… Hát hò khoan ở Thanh Hà rất phát triển, gắn với hoạt động làm nhà, giã vôi, giã gạo… Ở đây có một đội ngũ nghệ nhân hát kiến tại rất giỏi và có sự giao lưu hát hò với các vùng lân cận ở Điện Bàn, Hoà Vang, Duy Xuyên. Thanh Hà cũng là nơi phát triển về hát bội do ở gần trung tâm tuồng An Quán. Trước giải phóng Thanh Hà có 1 đoàn hát bội do dân làng thành lập, ông xã Đằng tài trợ kinh phí ăn tập. Đoàn có trên 15 diễn viên, do Huỳnh Phước Mỹ làm trưởng đoàn. Ngoài việc phục vụ các ngày lễ, tết, hội hè tại địa phương đoàn còn tổ chức giao lưu biểu diễn tại một số địa phương khác trong tỉnh.
         
Trò chơi bài chòi cũng rất được bà con địa phương ưa chuộng và tổ chức chơi thường xuyên vào các dịp hội hè, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán hàng năm. Tại đình Âm linh trước đây, vào chiều 30 tháng Chạp dân làng Thanh Hà đã tổ chức chơi bài chòi, gọi là khai xuân. Trò chơi kéo dài cho đến Nguyên Tiêu, có khi chơi cho hết tháng Giêng như ở ấp An Bang. Trò chơi bài chòi phát triển hình thành nên 1 đội ngũ nghệ nhân hô hát bài chòi rất điêu luyện theo kiểu “xưa bày nay bắt chước”, trong đó có những người hiện đang hô hát bài chòi tại các đêm phố cổ như nghệ nhân Nguyễn Đáng.
         
Bắt rễ và sinh sôi, phát triển trên vùng đất Thanh Hà vừa có đặc điểm riêng về địa - sinh thái, vừa có bề dày về lịch sử - văn hoá nên các hình thái, loại hình văn nghệ dân gian ở đây vừa phong phú về số lượng vừa đa dạng về nội dung, phản ánh sinh động đời sống vật chất và tinh thần của bao thế hệ cư dân sinh sống tại vùng đất này. Trong tương lai cần tiếp tục sưu tầm, tập hợp bộ phận di sản văn hoá phi vật thể này vừa để đối phó với tình trạng mai một, lãng quên vừa phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về làng Thanh Hà xưa và nay.
 
* Tài liệu trích dẫn:

(1)  Theo Niên giám thống kê thành phố Hội An 2017
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây