Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Vấn đề vốn từ của người Quảng Nam

Bên cạnh việc là chiếc nôi tạo nên một phương ngữ đặc biệt có sức ảnh hưởng lớn đến hơn nửa nước, ngôn ngữ giọng nói người Quảng Nam chắc hẳn vẫn còn lưu giữ nhiều dấu vết của cuộc giao hòa văn hóa lớn lao nhưng dường như chúng ta chưa thực sự hiểu biết đầy đủ về nó.
           Xem truyền hình nhiều lần thấy người Quảng Nam nhọc nhằn khó khăn khi trả lời các câu hỏi của phóng viên chúng tôi vẫn cứ không nghĩ có vấn đề gì đó về diễn đạt của họ, cho đến một lần xem một phóng sự văn hóa về Hội An, cô phóng viên người Hà Nội vừa xinh đẹp vừa nói năng lưu loát hỏi một người dân sống gần giếng nước Bá Lễ về lý do chất nước hay lý do nào khác mà người Hội An ai cũng dùng nước của giếng này. Người đàn ông chỉ nói được ba cụm từ: “Cao lầu; cà phê; nấu nước uống”. Một thông tin tối thiểu vừa đủ để người kia hiểu. Rất giống như một người nước ngoài nói tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của mình! Hình như người Quảng Nam có vấn đề về vốn từ? Sự diễn đạt khó khăn đó là do thiếu sự tiếp xúc hay do thiếu vốn từ vốn luôn xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới với bất cứ ai vì lý do nào đó đã không nói tiếng mẹ đẻ, không dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong giao tiếp?

           Hai bà già quê, một ở đồng bằng Bắc Bộ một ở khu 4 cũ (từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế), tức phương ngữ 2, ngồi nói chuyện với nhau tuy đôi chỗ không nghe được nhưng hoàn toàn không có chuyện không hiểu nhau. Thế nhưng thay vào đó một bà già Quảng Nam thì chắc chắn phải cần con dâu hoặc con rể “phiên dịch”. Bà già Quảng Nam nói thì số từ vựng không lạ nhưng ngữ âm thì vô cùng lạ tai với các bà Bắc Bộ. Bà già Bắc Bộ hay khu 4 nói thì bà già Quảng Nam ngơ ngác trước vốn từ bà chưa từng nghe bao giờ.

           Ở đây, ngoài công cụ phương ngữ như đã nói ở trên, chúng tôi đề xuất phương án thử tiếp cận vấn đề ở góc độ từ vựng, không phải là ngữ âm, mà ở góc độ vốn từ của người Quảng Nam. Như đã nói ở phần phương ngữ, trực cảm ban đầu của một người có gốc gác cha mẹ ông bà nhiều đời là người Quảng Nam chúng tôi biết hơn ai hết sự diễn đạt khó khăn của người Quảng trong giao tiếp, nhất là trong thời hiện đại này, khi mà các mối giao tiếp mở rộng ra với người vùng miền khác. Đây có thể là do thiếu vốn từ, nhất là các tính từ, trạng từ dùng để biểu đạt các sắc thái tình cảm; và cũng còn do thiếu các mẫu câu vốn luôn là những lợi thế của mọi ngôn ngữ nếu muốn diễn đạt nhanh, không phải bận tâm suy nghĩ câu.

           Để nhận ra số lượng, vốn từ của người Quảng Nam chúng tôi chọn phương pháp trước hết tự mình, bằng kinh nghiệm của một người con Quảng Nam, có cha mẹ là người Quảng Nam, lớn lên từ miền quê Quảng Nam đến trưởng thành mới tiếp nhận phương ngữ khác; tự lên một danh sách từ vựng mà chúng tôi tin rằng người Quảng Nam ít dùng, không dùng, hoặc không biết tới; sau đó đọc nó cho hai người phụ nữ Quảng Nam1 chưa hề ra khỏi tỉnh nghe với câu hỏi, từ nào mẹ, chị không hiểu nên không dùng hoặc có hiểu nhưng không dùng, những từ hiểu, thỉnh thoảng có dùng nhưng ngại dùng.

           Ban đầu chúng tôi xếp bình đẳng các từ, có dùng hoặc không dùng trong vốn từ Quảng Nam nhưng càng tiếp cận chúng tôi thấy vấn đề không đơn giản như đã nghĩ và đã tạm xếp các từ người Quảng Nam không dùng, ít dùng vào các nhóm sau. Xin nói rõ, đây chỉ là tạm xếp, như những ý kiến, nhận xét ban đầu về vốn từ người Quảng Nam, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chắc chắn sẽ có những xếp loại khác chính xác hơn

            Người Quảng Nam thường dùng từ Nôm, thuần Việt, từ bình dân hơn các từ có gốc Hán - Việt, từ sách vở, bác học. Ví dụ như trong từ “chỉ” thì các từ thuần Việt hoặc bình dân như sợi chỉ, ám chỉ, ba chỉ, chỉ đường, chỉ có... thường được dùng; còn các từ gốc Hán như: chỉ giáo, chỉ trích, chỉ số, chỉ định, tôn chỉ, phiếm chỉ... rất ít được dùng. Số từ gốc Hán: diễn đạt, đắc chí, đắc tội, hệ quả, chủ quan, khách quan, dĩ vãng, sĩ diện, bao dung,... các từ đôi, hai âm tiết, có chữ giao, chữ hiệp, chữ khả, chữ khái, chữ khoan, hầu như vắng mặt.

            Đây mới chỉ là cái nhìn ban đầu, nếu điểm thật kỹ ra chúng tôi e có đến 1/3 từ gốc Hán - Việt, hoặc hơn nữa, đã không được người Quảng Nam sử dụng.

            Có nghĩa là người bình dân Quảng Nam không thích nói chữ, tức không thích dùng từ gốc Hán, từ trong sách vở mà thích dùng các từ bình dân, thuần nôm, đơn giản, thô mộc.
 
           Một số từ thuần Bắc Bộ như: chứ, nhỉ, nhé, thế, đấy, bảo, chả, vâng, chữa, chửa được, chết chửa, chết giẫm, chứ ạ, ạ (cuối câu như đấy ạ, bố ạ, vất vả lắm ạ, em nghĩ thế ạ... những âm ạ này gần như vô nghĩa nhưng tạo nên ngữ điệu lưu loát mà người Quảng Nam hoàn toàn không sử dụng), rách việc, phải gió, dơ lắm, gái dở đi rình của chua, mãi thôi, gọi thưa, xơi nước, vả, đẹp lòng, dạy chuyện, bắt vạ, một thể, láo (thay thế là hỗn), lấy vậy, nghe ra, nhuận sắc, đáo để, ăn vạ, đấy thôi, đánh chén, dở người, trót, bắt vạ, va vào, ngã vạ, thế thôi ạ, ăn cả, cút, bằng hết, nháo nhác, giăng gió, hãm, dở hơi, quá đáng, kín nhẽ, xinh phết, mát mặt, thế ru, dở hơi, bẩn (thay thế là nhớp nhưng không thể thay thế bẩn bằng nhớp trong bẩn thỉu, bẩn tính, keo bẩn, nhơ bẩn)... bỗ bã, lã chã, điêu; tinh tướng; hão; háo; vẽ chuyện; ra phết; đanh đá; sĩ; đáo để; đoản; nỡm ạ; khí ít, khí nhiều; hãi; hãm; kẻo nữa; khiếp, cam lòng...
 
           Những từ này xuất hiện với tần số sử dụng khá lớn trong sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày của người Bắc Bộ, thế nhưng người Quảng Nam không hề biết đến. Rõ ràng khi không dùng các vốn từ này, có thể là những hư tư, bổ từ, nhiều từ chỉ có âm chứ không có nghĩa thực, thì sẽ mất nhiều các sắc thái biểu cảm. Dĩ nhiên, mỗi miền sẽ có số vốn từ dạng này riêng, người Sài Gòn, Nam Bộ cũng bổ sung vào kho từ vựng của mình một số từ mang đậm âm sắc Nam Bộ (ví dụ như xạo, nghen, nhiêu, bi nhiêu, hết biết, hết xãy, vầy nè, vầy nha, lóng rày, sương sương, lai rai, say quắt, say quắt cần câu, say mềm môi, say mọp gáo, say chìm xuồng, say chìm xuồng biết tuốt, say tới bến, say tới chỉ, say hết biết, say nhổng phao câu, say đớ lưỡi, say tá lả, ngồi chò hỏ, ngồi chành bành, ngồi chèm bẹp, ngồi chù ụ,...) nhằm biểu cảm, góp phần tạo mẫu câu riêng của phương ngữ mình, không nhất thiết phải giống Bắc Bộ. Thế nhưng với riêng Quảng Nam số từ dạng này như thiếu hẳn, hoặc giả có thì mang đậm dấu ấn thổ ngữ, người vùng khác hoàn toàn không hiểu như: trổ trời, lơi bơi, ba nhe, ba rơi ba lia, bí rị, chun (chui), biểu, phỉnh, gồ (oai), gò gái, ở dổng (ở truồng), nói lung, xí nữa, dị òm...
 
            Nguyên tắc dấu ngã cuối câu: Ngữ điệu của dấu ngã trong các từ như bỗ bã, buồn bã, bừa bãi, nỡm, hãm, chữa, vẽ (chuyện), hãi, chết giẫm... nếu dùng phải uốn cong âm của thanh ngã khá mạnh ở cuối âm, âm vút lên cao về cuối và điều đó tạo nên một ngữ điệu đặc trưng biểu cảm nhiều hơn nghĩa của từ. Người Quảng Nam thì gần như không có thanh ngã trong hệ thống thanh điệu, mọi thanh ngã đều được phát âm như thanh hỏi. Có thể chính vì không biểu đạt được âm sắc của số từ có dấu ngã ở cuối nên hầu như người Quảng Nam bỏ hẳn cách dùng các từ này, cũng như các mẫu câu có từ này. Một ví dụ khác, người Huế khi muốn nói sự gì đó phiền nhiễu thường dùng từ mệt cuối câu với một ngữ điệu khá đặc biệt, ký âm thì mệt là âm thấp về cuối, trong những ngữ cảnh đối thoại phiền nhiễu người Huế nói cao lên về cuối khiến từ mệt nghe như mết bao hàm nghĩa như “đâm mệt hí”, “mệt hí”, “mệt quạ” (quá thành quạ kéo dài). Những sắc thái biểu cảm độc đáo này của ngôn ngữ thanh điệu tiếng Việt được người các miền, nhất là phương ngữ I và II sử dụng khá nhuần nhuyễn tạo nên sự sinh động nhất định trong giao tiếp; chỉ riêng Quảng Nam chúng tôi không ghi nhận sự uốn cong âm ở bất cứ trường hợp nào, nếu có chỉ là sự nhấn mạnh, gằn giọng được gặp khá phổ biến.
 
           Những từ biểu cảm được người vùng khác sử dụng khá sinh động đã hoàn toàn vắng dùng ở Quảng Nam như: mẫn cảm, đa cảm, nhạy cảm, cảm động, xúc động, trào dâng, tinh tế, chìm đắm (trạng thái), hoài cảm, khoái cảm, cảm nhận, bẽn lẽn... hàng loạt từ biểu lộ tình cảm mặc dù người Quảng Nam đều có thể nghe hiểu nhưng không được dùng; nếu phải diễn tả người Quảng Nam thường nói “cảm thấy...”, “nghe thấy...”, “thấy răng răng ấy”, “thấy vui vui, thấy buồn buồn...”. Có thể nói đây là điểm then chốt để ta có thể truy ra tính cách Quảng Nam có một quan hệ nào đó với vốn từ họ sử dụng, với sự diễn đạt trong giao tiếp.
Có những từ rất phổ thông, nhiều người hẳn bất ngờ khi biết người Quảng Nam không dùng đến, và rõ ràng điều đó là vô cùng bất lợi trong diễn đạt bất cứ điều gì, như: vất vả, chế giễu, hẵng, kẻo, lắm điều, lắm mồm (có dùng lắm chuyện), lần lữa, xem (thay thế bằng coi trong mọi trường hợp vì thế xem như mất hẳn), lẩn (lẫn dấu ngã có dùng nhiều nhưng lẩn dấu hỏi này như lẩn khuất, lẩn lút, lẩn mẩn, lẩn quất... thì không thấy dùng, có dùng lẩn trốn), heo may, cái này (thay bằng cái ni nhưng không nói này anh kia ơi) ranh con, nhãi ranh, rắp ranh, trẻ ranh, chết rấp, rữa (chín rữa, thối rữa, chảy rữa, hoa tàn nhị rữa...), nát rượu, sàm sỡ, sàm nịnh... lười: rất bất ngờ khi nhận ra từ khá phổ biến này lại được thay thế bằng các từ làm biếng, nhác... Khi không có lười ta cũng sẽ không có các cụm từ hay mẫu câu mà người vùng khác sử dụng mà làm biếng, nhác không thay thế được: lười chảy thây, chây lười...

          Các đại từ xưng hô phổ biến nếu thiếu sẽ là một chướng ngại rất lớn trong giao tiếp như các cụ, các bác, ơ cái nhà bác này, các anh các chị, các bác ạ.

         Phát âm khác, không chuẩn, thấy khó nên không dùng như: hau háu được phát âm là hay háy; bải hoải được phát âm là bửa huởi;...

           Một số từ có nguyên âm kép được phát âm như nguyên âm đơn như uô - u, nên các từ nguyên âm kép gần như biến mất trong từ vựng Quảng Nam như muộn từ thay thế là trễ, thế nhưng cũng mất đi một số từ âm muộn như: muộn màng, giải muộn, sầu muộn, sớm muộn, phiền muộn,

          Ở đây có lẽ trong phát âm người Quảng Nam không phân biệt được hai âm mụn và muộn. Vì đã có mụn trong lên mụn, nổi mụn nên các âm muộn phải bị vứt bỏ!

          Tương tự, trong các trường hợp lùn và luồn, người Quảng Nam vứt bỏ âm luồn và tìm từ thay thế như luồn kim - xỏ kim, luồn cúi - nịnh bợ, buồi - c..., hoặc mất hẳn như luông tuồng, luống công...

           Mặc dù buồn là cùng âm với bùn nhưng vì từ buồn là một từ quá phổ biến, không dùng không được, tuy vậy người Quảng Nam vẫn tìm cách né tránh các từ đi kèm với buồn hoặc nghĩa khác như buồn cười, buồn bã, buồn phiền, buồn bực, buồn đi ngoài, buồn tình, buồn miệng, không buồn nhúc nhích,

            Vì có hưu nên hươu rất ít dùng, thành ngữ hứa hươu hứa vượn, tán hươu tán vượn hầu như rất ít dùng.

           Phụ âm cuối ng - n, hầu hết bỏ dùng như khoan và khoang, ngoại trừ động từ khoan, danh từ cái khoan, giếng khoan ra hầu hết các từ dính đến hai âm này đều ít được dùng như khoan dung, khoan thứ, lúc khoan lúc nhặt, khoan nhượng, khoan thai, hay khoang tàu, khoang bụng, khoang rỗng... vì thế dễ đưa đến lỗi chính tả khi phải cố dùng (còn có khoán - khoáng; băn khoăn - băng khoăng; kiên - kiêng phụ âm cuối c - t: hiu hắt...

           Số từ tránh dùng do có chữ v (mọi phụ âm v được chuyển thành d) như vêu vao (không thể nói dêu dao)...
           Vai trò của mẫu câu:

         Cũng như việc dùng thành ngữ, tục ngữ, các mẫu câu giúp người nói không chỉ biểu đạt được nhiều điều ngoài số từ được dùng, nói được những nghĩa bóng khó diễn đạt đơn giản mà còn giúp cho việc nói nhanh, nói gọn; trong lúc dùng thành ngữ hoặc mẫu câu có sẵn thì người nói đã tranh thủ được thời gian để nghĩ cho ý sau, câu sau. Vì thế mà diễn đạt lưu loát. Người Quảng Nam có dùng thành ngữ, tục ngữ dĩ nhiên ít hơn người miền khác, nhưng đặc biệt số mẫu câu thì thiếu trầm trọng. Chính điều này khiến mọi diễn đạt đều rất khó khăn, mỗi lần nói như mỗi lần sáng tạo mẫu câu, ghép nối các từ mới... hay nói cách khác, thực sự như một người nước ngoài nói tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của mình. Dĩ nhiên, khi quan sát trẻ em hay các mẹ các chị ở chợ, những câu giao tiếp thông thường thì không khó; thế nhưng khi hỏi đến, cần phải diễn đạt điều gì đó phức tạp hơn như diễn đạt tình cảm, mô tả sự vật với những hình dung từ phức tạp thì mọi người đều cảm thấy rất khó khăn.

           Cho lắm vào; vừa phải thôi; hơn bao giờ hết; bỏ quá cho; khí không phải; sốt cả ruột; hẵng biết thế; hiềm một nỗi; đừng khi dễ; đẹp lòng đẹp dạ; chửa ra làm sao cả; khổ thế chứ lị; có thế thôi; chén cái đã; vừa phải thôi nhé; con cái nhà ai; thảo nào; mặc xác tớ; dở hơi; kinh chết đi được; chứ làm sao; cần quái gì; chối được nào; cái nhà bác này; phải tay ông; khổ thân mày chưa; của đáng tội; phải tội mất; nói cho bõ ghét; cho thấu mô nà; bác cứ khéo vẽ!; Em hầu bác một chén; Em thay chồng em vậy; mải mê thế kia; cô khái tính quá đấy; làm thế ôi lắm; xấu hổ chết đi được; thú vị quá; bác cứ quá lời, của nợ, đồ dở hơi...
Người Quảng thường nói: “Cái này cái nọ”, “nói chung là”, “cứ rứa”, “nói trớt quớt”, “coi như là”, “cũng như là”...

            Ngoài sự phân loại nhóm từ vì lý do này hay lý do kia người Quảng Nam không sử dụng như tạm chia ở trên chúng tôi cũng góp nhặt được hàng loạt từ khác chưa kịp phân loại, cũng không kịp xếp theo ABC, chỉ tạm liệt kê hết vào đây, một số từ đã có nhận xét, một số thì chưa, có dịp sẽ trở lại trong một công trình chuyên ngành hơn, kiểu như tự điển Quảng Nam, mới có thể liệt kê được hết số vốn từ người Quảng dùng và không dùng:

           Chế giễu - trêu: Thường nói: chọc ghẹo, thế nhưng chọc ghẹo không thay thế được cho chế giễu và trêu. Và vì thế biểu cảm của chế giễu và trêu vắng bóng trong diễn đạt của người Quảng. Chọc ghẹo thường dùng trong sự la mắng, và vì thế thường gay gắt khi dùng đến.

          Giò: Thường dùng từ /cẳng/ để thay thế treo chân treo cẳng trong khi miền khác dùng /treo giò/; giò, trong các nghĩa sau thì hoàn toàn vắng mặt: giò lợn, giả giò, bánh giò, chả giò, chân giò, gà giò, móng giò...

           Dở dói: Vắng dùng. Có từ thay thế là dở thói nhưng ngữ nghĩa không hoàn toàn tương đương.

           Ả, Ã: Vắng nghĩa: cô ả, êm ả, yên ả... Không nói: mấy cô ả cười nói ồn ã/ Thường nói: mấy con nớ (con ranh, con đĩ, con mọi, con yêu tinh) cười nói ầm ĩ. Ở đây ngữ nghĩa gay gắt hình thành ngay trong danh từ chỉ loại  “con”, cho dù đó là cách gọi yêu, thân mật.

           Ảm đạm: Trong diễn đạt thời tiết thì được thay thế bằng âm u. Trong mô tả không khí, sự kiện nào đó thì gần như vắng mặt và được thay bằng từ đơn giản hơn như buồn, buồn hiu, vd: lễ hội năm nay ảm đạm ® lễ hội năm nay chi mà buồn.

          Ảo ảnh, ảo giác: Rất ít dùng, thường người có học, có đọc sách hay dùng nhưng các bà già quê gần như không biết tới.
rượi: Có dùng mát rười rượi, buồn rười rượi nhưng không thấy dùng hoa vàng rượi, ánh trăng sáng rượi, rã rượi.

          Áy náy: Một từ biểu cảm quan trọng nhưng rất ít dùng. Khi phải cố diễn đạt trạng thái áy náy thì thường thay thế bằng: tôi xin lỗi, tôi hứa... (không nói: tôi lấy làm tiếc; một mẫu câu có sẵn khá đơn giản). Ở đây có thể do cách phát âm /áy náy/ thành /á ná/ nên ngại dùng tới chăng?

          Yên tĩnh: thường nói yên ắng, im ắng.

          Rỉ: không dùng rỉ máu, rỉ tai, hoen rỉ, ri rỉ, rỉ răng.

          Bả: thường dùng theo nghĩa bà ấy, hoàn toàn vắng nghĩa: bươn bả, bả chuột, bùa bả.

         Bã: Hoàn toàn vắng nghĩa: giò bã, mệt bã người, bổ bã, buồn bã, mệt bã. Trong bã trầu thì được dùng như nghĩa bả chuột (dấu hỏi), một thứ gì đó bỏ đi; ngay từ buồn bã rất phổ thông nhưng vẫn ít được dùng, thường dùng đơn âm buồn, hoặc buồn phiền, buồn thúi ruột. Rất ít dùng buồn bã có lẽ do dấu ngã cuối câu.

          Bác: Có dùng trong: đại bác, bác cháu, bài bác và một số từ gốc Hán như bác sĩ, bác học... Vắng dùng trong: bác thợ cả, biện bác, phản bác, bác bỏ.

           Rõ: Có dùng rõ ràng, thấy rõ, nghe rõ nhưng không thấy dùng: dậy rõ sớm, rõ khéo, rõ hay.

           Bải: Có dùng la bai bải; nhưng hoàn toàn vắng nghĩa: bải hoải, bốc bải.

           Bãi: Có dùng bãi cát, bãi chiến trường nhưng vắng nghĩa trong bãi phân, bừa bãi (thường được thay bằng

           Bừa bộn, lộn xộn để tránh dấu ngã cuối như đã nói).

         Bạc: Thường dùng những từ gốc bình dân như tiền bạc, bạc bẽo... Ít dùng những nghĩa khinh bạc, kiêu bạc, màu bàng bạc...

          Vữa: Vắng nghĩa cháo vữa, trộn vữa (thường dùng: cháo thiêu, trộn hồ).

          Vựa: Vắng nghĩa vựa cá, vựa lúa.

          Vực: Vắng nghĩa vực sâu, vực bát cơm, vực người bệnh. Có dùng: một trời một vực, ngờ vực.

          Vũm: (chiếc đĩa vũm lòng) hoàn toàn vắng dùng.

          Xao: Rất ít dùng xanh xao, lao xao, xao động, xao lãng, xao xác, xao xuyến, xôn xao...đây là những từ biểu cảm khá mạnh và được thường dùng với người miền khác nhưng không hiểu sao người Quảng Nam gần như không dùng đến.

          Xát: Rất ít dùng xát vỏ đậu, cọ xát, xô xát, xây xát (thường dùng trầy)...

          Xẩm: Hoàn toàn không dùng.

          Sấp sãi: Hoàn toàn không dùng.

          Sẩm, sẫm: Hoàn toàn không dùng. Ngay từ sẩm tối cũng được thay thế bằng chập tối thường dùng hơn là chạng vạng.

          Biếu: Rất lạ là từ này phổ thông nhưng rất ít được dùng; thường được thay thế bằng từ cho, kính, tặng.

          Bỏ: Từ khá phổ thông bỏ lại, bỏ qua, bỏ lấy, bỏ đi,... nhưng vắng dùng: bỏ quá cho là một mẫu câu biểu cảm khá nhẹ nhõm nhưng hoàn toàn không được dùng.

          Bõ: Hoàn toàn vắng dùng bõ ghét, bực bõ, bõ bèn, bõ công... (Nói cho bõ ghét, có câu tương đương là: nói cho đáng đời).

          Bỏi: Hoàn toàn vắng dùng cờ bỏi, trống bỏi...

         Chăn: Một từ phổ thông nhưng rất ít dùng ở Quảng Nam như: chăn (thường dùng mền), chăn trâu (thường dùng giữ trâu, giữ bò), chăn dắt...

         Chăng: Cũng rất ít dùng: chăng dây phơi, nên chăng, họa chăng, phải chăng, vả chăng (họa chăng đêm mai... được thay bằng: may ra đêm mai...)

          Buông: Là một từ khá phổ thông nhưng người Quảng Nam hoàn toàn không dùng đến từ này, thường dùng thả để thay thế.

           Rơi: chỉ có rớt, trong khi ở phương ngữ 1 - 2 rơi và rớt là hai mô tả khác nhau.

          Chếnh choáng: Ngay người Nam Bộ cũng có khá nhiều từ để tả chuyện say như say quắt, say quắt cần câu, say mềm môi, say mọp gáo, say chìm xuồng, say chìm xuồng biết tuốt, say tới bến, say tới chỉ, say hết biết, say nhổng phao câu, say đớ lưỡi, say tá lả... Chưa hề nghe ông Quảng Nam say rượu nào dùng từ này để nói mình say rồi, thường nói say quá, chóng mặt, xây xẩm.

         Chuyển: Là một từ thường dùng như di chuyển, chuyển dạ, chuyển động; nhưng rất ít dùng các từ: lay chuyển, luân chuyển, uyển chuyển, xoay chuyển...

           Phếch: bạc phếch, trắng phếch. Thường nói bạc trắng, trắng bệt (bệch).

         Phỗng: phổng dấu hỏi như phổng phao có dùng nhưng phỗng dấu ngã như phỗng đá, con phỗng, phỗng tay trên, ăn phỗng... thì hoàn toàn không thấy.

          Phỉ: phỉ chí, phỉ nguyền, phỉ nhổ (thường nói khinh bỉ) (quan hệ b - ph).

         Lệ: Mặc dù có địa danh Cẩm Lệ lâu đời nhưng rất nhiều chữ lệ không được dùng: lệ - nước mắt, diễm lệ, ứa lệ, hoa lệ, chiếu lệ, mỹ lệ, tiền lệ, ước lệ... ngoại trừ lấy lệ, nô lệ...

          Béo: Từ thay thế là mập, thế nhưng mập không thay thế được cho béo bở, béo tốt, nuôi béo con buôn... và người Quảng Nam không dùng các từ này nên các ngữ cảnh cần diễn đạt tương tự hầu như bị đánh mất, cố gắng diễn đạt vẫn được nhưng nhọc nhằn, cần nhiều dụng công tạo câu.

          Phưỡn: no phưỡn bụng. Không thấy dùng.

          Rỡ: Có dùng mừng rỡ, rực rỡ nhưng không thấy dùng càn rỡ, ráng chiều vàng rỡ, rỡ ràng.

          Rắn: Có dùng con rắn, cứng rắn; vắng dùng: rắn như đá, khuôn mặt rắn đanh, rắn mặt, mềm nắn rắn buông, rắn rỏi.

          Rão: nghĩa như nhão trong xích rão-xích nhão nhưng không thấy dùng mệt rão người ra.

         Phết: Có dùng “phết cho mấy roi bây chừ” nhưng xinh phết, giàu phết, khó ra phết thì hoàn toàn không dùng. Có lẽ do đây là từ hoàn toàn Bắc Bộ chăng?

         Gầy: Từ tương đương là ốm nhưng ốm không thay thế được cho gầy vốn, gầy gò, gầy guộc, gầy mòn, gầy rạc, gầy rộc, than gầy... phải theo nghĩa phải lòng, phải tội hoàn toàn không được dùng đến.

          Rãi: Có dùng rộng rãi nhưng không dùng chậm rãi (thường là chậm chạp), rỗi rãi (thường là rảnh rỗi, rảnh
quá hả)

          Rạc: Có dùng rời rạc, bệ rạc, đĩ rạc nhưng không thấy dùng rạc người, rạc cổ.

          Gắt (nắng gắt và cả gắt gỏng), gắt như mắm tôm, chuyện gẫu, tán gẫu, lãn việc, ghẻ lạnh, lảo đảo, chốc lát (chút nữa), láu lỉnh, bấy lâu, lẫy (hờn), nói lẫy, lèn chặt,

          Rán: Từ thay thế là chiên (rán cá - chiên cá), nhưng chiên không thay thế được cho rán sành ra mỡ, mèo mù vớ cá rán...
dãi (nước miếng, nước miếng là ở trong còn nước dãi là nước miếng đã chảy ra ngoài, nhưng người Quảng Nam không phân biệt được hai loại “nước” này);

          Số từ có từ thay thế đủ nghĩa như: dỗi (thay thế là hờn), dơ - nhớp, xấu hổ, thẹn (thay thế là dị), đến (thay bằng tới), lãi (thay bằng lời)

          Ra: ra tấm ra món, thế ra, ra phết

          Rồ: Có dùng điên rồ, nhưng không dùng phát rồ, rồ dại.
          ...
         Trường hợp Trịnh Công Sơn cũng là một ví dụ hay để ta nhận ra lượng vốn từ của người Quảng Nam. Nếu người Huế nói riêng và cả khu 4 nói chung dùng những từ khá “điệu đàng” của Trịnh Công Sơn một cách tự nhiên, dễ dàng với cả nhà thơ, nhạc sĩ cho đến em bé quê, bà già trầu, nhưng người Quảng Nam thì không hề biết đến, như: xác xơ, phôi phai, tóc mây, phiêu diêu, tuyệt vời, chiều hôm, thênh thang, đá cuội, tàn tạ, buồn úa, gió heo may, muộn, tủi hờn, nắng ngời, hiu quạnh, hôm nao, ngẫu nhiên, huyền thoại, một cõi, hoang vu, mây khói, địa đàng, cô đơn, mong manh, ru tình, ngây ngô, ngang trời, vô thường, trầm luân, mấy độ, tuổi xuân, tạ ơn, mây ngàn, quên lãng, sầu dâng, mắt biếc, tàn phai, rêu phong, viễn du, hoang vu, thiên thu, vô luân, cập kê, cõi, nặng thề, nhu mì, tình sầu, tiều tụy, hương thừa, trùng dương, nguôi ngoai, phù du, dấu hài, ngại ngần, tiều tụy, thần thoại, thoáng muộn, đơn côi, giữa ngọ, thác nguồn, hư hao, phiêu phiêu, vơi vợi, lê thê, muộn mất, phượng thắm, mỏi mòn, buông lối ngỏ, thinh không, hoang vu, xô vỡ, cô tịch, trùng dương, thẹn, dệt lòng, quên lãng, phong ba,...

          Bảng thống kê sẽ còn dài nữa nhưng sự ngạc nhiên thiết nghĩ cũng đã đủ để ta đặt câu hỏi vì sao. Dĩ nhiên trong đây có nhiều từ là từ mới hình thành do phép tu từ của Trịnh Công Sơn thế nhưng người Huế bình dân mấy cũng có thể sử dụng phép tu từ để tạo ra từ mới như thế này một cách tự nhiên trong sinh hoạt hằng ngày, trong khi người Quảng Nam thì hầu như không biết đến, và đặc biệt nếu ai có học, có đọc sách báo, biết hiểu các từ này cũng cố gắng tránh dùng trong giao tiếp hằng ngày, rất ít dùng đến. Vì thế, tìm một nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn ở Quảng Nam là một điều không nên hy vọng. Chính vì lý do này mà người Quảng Nam giỏi làm báo, làm văn chứ ít nhà thơ. Tuy vậy, hiện tượng nhà thơ Thu Bồn lại là một trường hợp ngoại lệ khá đặc biệt cần lý giải trong một dịp khác.

          Là một chương rất phụ, không đáng để chiếm số trang lớn nhưng sự thuyết phục sẽ yếu nếu các ví dụ không đủ để tạo nên hình dung về vốn từ của người Quảng. Có lẽ, việc làm một cuốn từ điển tiếng Quảng Nam sẽ là một việc cần thiết. Những từ người Quảng Nam dùng và không dùng chắc chắn không chỉ cho ta biết về khả năng giao tiếp của người Quảng mà qua đó còn nhận ra những nét tính cách độc đáo, như Quảng Nam hay cãi (Xem thêm: “Quảng Nam hay cãi” cùng tác giả) do hiện tượng vốn từ này gây ra.

Số 214 (tháng 9/2015)

Tác giả: Hồ Trung Tú

Nguồn tin: Tạp chí sáng tác nghiên cứu phê bình văn hóa văn học nghệ thuật "Non Nước"

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây