Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Vai trò và cách thức tổ chức của tộc họ ở Hội An

Ở Hội An nói riêng, Việt Nam nói chung, quan hệ huyết thống là mối quan hệ cơ bản nhất, quan trọng nhất và chặt chẽ nhất đối với con người trong cộng đồng làng - xã.
        Đây là mối quan hệ của những người cùng dòng họ cùng huyết thống, tổ tiên. Mối quan hệ ấy tồn tại như một điều kiện, một quy luật về giống loài (Chim có tổ, người có tông; Cây có cội, nước có nguồn). Làng trở thành có ý nghĩa đối với mọi người, là cội rễ, là gốc nguồn, là quê hương chính là bởi có mối quan hệ thân thiết này. Làng được lập nên, khởi đầu do các cụ tiền hiền khai khẩn (khai phá đất hoang, lập nên làng mạc, ruộng vườn...), rồi các cụ hậu hiền khai cơ (tiếp nối gây dựng, phát triển cơ nghiệp của làng xã), đó cũng chính là bậc thủy tổ của các dòng tộc.
 
nha tho toc phan xuan
Nhà thờ tộc Phan Xuân - Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

        Trên thực tế ở Hội An xưa, các tộc họ tiền hiền, hậu hiền hầu như chia nhau nắm giữ các chức sắc và quản lý toàn bộ công việc, sinh hoạt của làng - xã. Đứng đầu các tộc họ là các vị tộc trưởng, họ là con trai đầu của dòng đích (đích tôn), phái nhất, không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, không phải thông qua bầu bán. Nghĩa là, vị tộc trưởng được xem như một sự sắp xếp, định sẵn đối với từng tộc họ, vị tộc trưởng có vai trò rất quan trọng, hầu như quyết định mọi công việc của tộc họ và thay mặt tộc họ tham gia giải quyết mọi việc của làng - xã. Hoặc đối với làng xã, khi cần giải quyết mọi công việc chỉ cần tập hợp các vị tộc trưởng, được các vị này thống nhất thông qua thì xem như mọi công việc cơ bản đã được giải quyết xong.

        Khác với miền Bắc, ở Hội An không có làng của một tộc họ, làng dù nhỏ thì ít nhất cũng có 3 - 4 họ tiền hiền, hậu hiền trở lên. Tuy nhiên, mỗi tộc họ hầu như có một địa bàn cư trú riêng, hoặc đến khi số hộ - nhân khẩu trong mỗi tộc họ phát triển, được chia thành phái, chi nhánh thì mỗi phái, chi nhánh đó cũng cùng chung sống trong một khu vực, liên cư liên địa với nhau, cũng có trưởng phái, trưởng chi thuộc tộc họ ấy.

        Ngày nay, với sự phát triển nhanh của dân số, số hộ, đất đai cư trú thu hẹp, do kết quả của hôn nhân,... mà các tộc họ, hộ gia đình tộc họ khác nhau cùng chung sống, xen cư trong một địa bàn, khu vực cư trú. Mỗi tộc họ ở Hội An đều có những hiện tượng dân tộc học phổ biến, thể hiện sự liên kết chặt chẽ, rất phong phú, đa dạng. Đó là hiện tượng đặt ruộng họ, ruộng hậu họ, lập gia phả/phú ý, xây dựng nhà thờ tộc - phái - chi, lập mộ tổ hay nghĩa địa/nghĩa trang riêng, có ngày hội mả/chạp mả hay dãy mả...

        Chính từ những hiện tượng này mà có sự phân biệt rất rõ ràng giữa tộc họ này với tộc họ khác và ngược lại mối gắn kết các thành viên trong tộc họ được bền vững, chặt chẽ, đồng thời là cơ sở để củng cố, duy trì và phát triển của mỗi tộc họ.
 
nha tho nguyen tuong noi that
Nhà thờ phái nhất tộc Nguyễn Tường - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

        Thông qua các hình thức trên, nhất là những ngày giỗ/kỵ, chạp mả,... Mỗi khi có dịp tập hợp con cháu, các bậc ông bà đều luôn giảng dạy cho con cháu về truyền thống của tộc họ mình để con cháu noi theo, giữ gìn gia phong, gia pháp, hiếu học... nhằm xây dựng từng gia đình, tộc họ với quan niệm theo câu chữ: Thuần phong mỹ tục; Tích đức di tôn; Đức lưu quang; Trâm anh thế phiệt;...

        Khác với người Việt, dùng chữ lót thống nhất sau họ để phân biệt như Nguyễn Viết, Nguyễn Đức hay Huỳnh Phước, Huỳnh Đắc,... thì người Hoa, dùng chữ lót có hình thức đặt theo lối câu đối, bài thơ, vừa để nhận biết tộc họ với nhau, vừa biết được thế hệ trên, dưới/lớn, nhỏ để xưng hô ví dụ: Tộc Trương từ ông thủy tổ đến nay (10 đời) có chữ lót theo thứ tự từng đời như sau: Tẩy - Thế - Doãn - Hoành - Tiến; Tân - Thức - Vĩnh - Ngọc - Kim; hoặc tộc La có: Minh - Hoa - Tường - Doãn - Gia - Vĩnh - Thế; Quang - Việt - Thi - Thư - Bảo - Truyền - Gia,... Nhìn chung, việc dùng chữ lót thống nhất của người Việt hay chữ lót theo lối câu đối, bài thơ lưu truyền của người Hoa cũng đều nhằm mục đích để các thành viên trong cùng tộc họ nhận biết lẫn nhau, thắt chặt quan hệ, đặc biệt tránh được quan hệ hôn nhân tối kỵ là cùng họ hàng.

        Tình cảm dòng họ, huyết thống đã tạo nên sự cố kết chặt chẽ trong dòng họ, bồi đắp tinh thần tương thân tương ái giữa các thành viên. Dòng họ là chỗ dựa tinh thần của mỗi cá nhân, người trong họ thường có chung niềm tự hào, niềm vinh dự về dòng họ của mình. Truyền thống tốt đẹp của dòng họ là động lực thôi thúc cá nhân thường xuyên phải phấn đấu vươn tới những mục đích tốt đẹp, nối tiếp thanh danh, đem lại những danh dự mới cho dòng họ. Mặt khác, mỗi cá nhân hay mỗi gia đình khi gặp khó khăn, hoạn nạn hoặc lúc có công việc lớn thì cả dòng họ hợp sức lại để giúp đỡ.

        Đối với gia đình gồm những người cùng quan hệ huyết thống, gắn bó mật thiết với nhau thành đơn vị cơ sở, hạt nhân của người Việt, là cơ cấu kinh tế tư cung, tự cấp theo mô hình “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Trong gia đình đó là sự cộng đồng gắn kết giữa ông bà - con cháu trong tình yêu thương ruột thịt, chia da xẻ thịt nối dài nòi giống, nuôi dưỡng nhau để tồn tại. Biểu hiện cho tinh thần cộng đồng trong con người ở làng xã Hội An,Việt Nam là tình cảm gia đình, so với người Phương Tây (nơi coi trọng con người cá nhân), gia đình có vai trò quan trọng hơn rất nhiều. Trong gia đình người Hội An, Việt Nam mang tính phụ quyền, nhưng ở đó vẫn còn mang đậm tính bình đẳng, dân chủ, chan hòa quan hệ cha mẹ, ông bà với con cái, vợ chồng.

        Đối với dòng tộc đó là quan hệ gắn kết cộng đồng giữa những người cùng họ tộc, đó là tình nghĩa thân tộc. Bên cạnh sự tương trợ giúp đỡ, sự hỗ trợ về mặt tinh thần, vật chất dẫn đến sự gắn kết gia tộc và xuất phát từ nhu cầu thờ cúng tổ tiên. Do xuất phát từ văn hóa nông nghiệp thuần túy nên vai trò của gia tộc rất được coi trọng (khác với Trung Hoa lấy gia đình làm gốc), bởi gia đình hạt nhân không đủ đối phó với môi trường tự nhiên và xã hội nên cần đến vai trò của gia tộc. Sức mạnh của gia tộc thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau. Người trong họ có trách nhiệm cưu mang nhau về mặt vật chất, hỗ trợ nhau về trí tuệ, tinh thần, và dìu dắt nhau, làm chỗ dựa cho nhau về chính trị.  

        Có thể nói, tình cảm huyết thống, họ hàng là một bộ phận tạo nên tình yêu quê hương xứ sở; là tính cách đặc trưng trong toàn bộ tính cách của người dân Hội An; là chất kết dính gắn cá nhân với quê hương làng xóm. Quan hệ dòng họ ở Hội An nói riêng, Việt Nam nói chung có một ý nghĩa nhân văn to lớn nhất là trong xu thế phát triển, hội nhập toàn cầu hiện nay, với việc giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc.
 

Tác giả: Nguyễn Chi Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây