Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Tục cúng Giao thừa (Hành Khiến) tại Hội An

Tục cúng giao thừa và lễ Hành Khiến trong đêm trừ tịch linh thiêng là lễ tục từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Trên mảnh đất Hội An, các đình làng, từ đường cho đến mỗi nhà đều gìn giữ vẹn nguyên phong tục truyền thống tốt đẹp này. Trong thời khắc giao thừa linh thiêng, tiếng chiêng trống âm vang khắp không gian, mở đầu một năm mới với những vận hội, niềm tin mới tràn đầy, bỏ lại phía sau mọi bận bịu lo toan, phiền muộn, không vừa lòng hoặc hiềm khích chia rẽ. Người với người dường như xích lại gần nhau hơn trong cảm giác giao hòa với thiên nhiên vạn vật, giữa đời thực và siêu nhiên, giữa hữu hình với vô hình, hữu hạn và vô hạn.
Người xưa quan niệm rằng mọi việc trong vũ trụ đều có điểm khởi đầu và kết thúc, điểm kết thúc lại mở ra một sự khởi đầu mới, luân chuyển tiếp nối theo những chu kỳ nhất định. Khoảnh khắc của một năm cũ khép lại và mở ra cánh cửa bước sang năm mới được gọi là “giao thừa”. Với nghĩa chữ “giao” là bàn giao, “thừa” là tiếp nhận, giao thừa tức là người cũ bàn giao lại và người mới tiếp nhận[1]. Tín ngưỡng dân gian cho rằng: Mỗi năm, Ngọc Hoàng Thượng đế lại cho thay toàn bộ thần trông coi công việc dưới hạ giới và địa phủ như Hành Khiến, Phán Quan, Hành Binh, Thái Tuế... Đứng đầu là thần Hành Khiến (Hành Khiển). Có tất cả 12 vị Hành Khiến, mỗi vị có tên riêng và vương hiệu, còn gọi là Đương niên chi thần, luân phiên cai quản hạ giới hằng năm theo thập nhị địa chi[2]. Hành Khiến có nhiệm vụ khuyến thiện trừng ác. Có năm trời làm hạn hán lũ lụt hoặc dịch tễ chết hại, mất mùa đói kém là do tấu sớ của Hành Khiến trừng phạt vua quan không có nhân chính hay dân ăn ở càn dở. Mỗi vị Hành Khiến Vương lại có một Phán Quan phụ việc và nhiều vô kể quân tướng nhà trời.
Trong lễ cúng đêm giao thừa, dân gian còn cầu cúng các vị Thành Hoàng bản cảnh, Thổ địa thần kỳ, … để mong được che chở, tránh sự quấy phá của tà mà, quỷ dữ cho năm mới an lành[3].
Đêm giao thừa còn được gọi là đêm trừ tịch. “Trừ” nghĩa là tiêu trừ, trừ bỏ. “Tịch” nghĩa gốc là buổi tối, ban đêm, bóng tối. Trừ tịch có nghĩa là đêm cuối cùng của một năm, mang ý tống cựu nghênh tân.  Trước lúc nửa đêm, người ta lo quét sạch những gì nhơ bẩn, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, cổng ngõ, cùng những phiền muộn, bất hòa trong lòng để chuẩn bị cho một ngày bắt đầu của năm mới thật thanh khiết, tươi sáng. “Lễ trừ tịch theo người Tàu, còn là một lễ khu trừ ma quỷ. Tục Tàu xưa vào ngày trừ tịch, tức là ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc 9 -10 tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để “khu trừ ma quỷ”, do đó có từ “Trừ tịch””[4]. Có thể nhận thấy tục này của người Trung Hoa có nét tương đồng với tục hát sắc bùa truyền thống tại nhiều vùng quê Việt Nam, trong đó có Hội An, Quảng Nam. Tục hát sắc bùa nguyên thủy có diễn trò bắt quỷ, nay nhiều địa phương đã giản lược bớt, chỉ giữ lại phần hát chúc phúc đầu xuân.[5] Để xua đuổi ma quỷ, nhà nhà còn dán câu đối đỏ trước cửa, treo sẵn dây pháo trước ngõ để dùng màu sắc linh thiêng, tiếng nổ rộn ràng xua đuổi ma quỷ và những điều xúi quẩy của năm cũ. Bàn cúng Hành Khiến được đặt ra ngay giữa sân, trước cửa nhà, từ đường hay đình làng. Tại nhà riêng, người đứng cúng là trụ cột gia đình, thường là đàn ông, tại nhà thờ tộc có trưởng tộc và nơi đình làng là vị tiên chỉ hoặc thủ từ nhận lãnh trách nhiệm cúng vái với các bậc siêu nhiên của trời đất, cầu xin các vị phù hộ cho gia đình, tộc họ, làng xã một năm mới an lành.
Thời khắc vị Hành Khiến Vương năm cũ bàn giao công việc cho vị Hành Khiến Vương năm mới, không trung còn có hằng hà sa số quân tướng của các vị kéo theo tháp tùng. Quan quân đông đúc và công việc vô cùng khẩn trương nên chốn trần gian có lòng thành cúng kính phải dọn bàn ra trước sân (trung thiên), vật lễ gọn nhẹ, thường là những thức nguội như gà luộc, bánh tét, bánh mứt, trà rượu, tràu cau, hoa quả, gạo muối, đặc biệt không thể thiếu vàng bạc, áo giấy, hình nhân thế mạng.
Theo lời một số vị cao niên tại Hội An, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, trong lễ cúng Hành Khiến chắc chắn phải có cái vali bằng giấy hoặc cái rương thu nhỏ, kích cỡ lớn hơn chiếc điện thoại để bàn chút xíu, màu đỏ có viền để các vị đựng giấy tờ bàn giao. Có người cho rằng, cái rương là vật để gia chủ đựng tiền bạc, tài sản trong nhà. Vị Hành Khiến của năm sẽ giữ giúp cho gia đình nên gia chủ phải chuẩn bị sẵn cái rương tượng trưng như vậy cho Ngài. Tuy nhiên, ngày xưa không phải gia đình nào cũng sắm được rương bằng giấy kiểu như vậy, tìm mua miếng giấy đỏ về cắt thủ công cũng rất khó. Cho nên, có nhà phải kết từ bẹ chuối. Một lễ vật quan trọng nữa trong lễ cúng Hành Khiến là tờ hộ khẩu và người thế. Nhà có bao nhiêu người nam, nữ thì phải kê cho đúng và gấp đôi số lượng để Hành Khiến vương của năm quản lý.
Tết Nguyên đán là khoảng thời gian diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tại các gia đình, làng xóm. Trước Tết khoảng mươi ngày trở lại, nhà nhà bắt đầu bận rộn với việc lo lễ cúng tất niên, đưa Ông Táo về trời, dựng cây nêu trước sân, cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết. Tết đến, người người cùng nhau đi chùa cầu an đầu năm, thắp hương tổ tiên tại từ đường, nghĩa trang rồi mới đi thăm hỏi, chúc Tết nhau và tham gia những hội vui chơi, giao lưu trong cộng đồng. Tết vừa qua đi, cũng là lúc khởi sự việc làm ăn trở lại với các lễ cúng khai trương đầu năm, giỗ tổ nghề, cúng cầu bông, cầu an... Điểm chuyển hóa của hai thái cực nhịp điệu sinh hoạt đời thường vội vã, cấp tập trước Tết và ung dung, nhàn tản sau Tết là thời khắc giao thừa thật tĩnh tại, tưởng như cả không gian, thời gian đều ngưng đọng. Giây phút ấy thật liêng thiêng diệu vợi khi con người phàm nhỏ bé dâng nén hương thơm, khấn nguyện giữa trời đất bao la, tịch mịch những điều ước muốn của gia đình, dòng tộc, bản xứ về một năm mới an lành, nhân khang vật thịnh, vạn sự như ý.
Với nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian, lễ Hành Khiến tuy diễn ra chóng vánh, gọn nhẹ nhưng trong tâm thức của cư dân Hội An, đây là lễ cúng quan trọng nhất dịp Tết Nguyên đán, là phút giây sum họp gia đình, hòa hợp với siêu nhiên đất trời, thắp sáng bao niềm tin, hy vọng mới cho mọi người, mọi nhà. Theo thời gian, người dân Hội An đã ít gọi tên lễ cúng Hành Khiến mà quen gọi chung là “cúng giao thừa”, có lẽ vì thời khắc đặc biệt diễn ra lễ tục này là ngay tại điểm kết thúc năm cũ và bắt đầu năm mới. Từ giây phút giao thừa trở đi, những việc xảy ra trong những ngày đầu năm mới thường được xem là điềm báo hiệu lành, dữ cho cả năm nên người dân kiêng nói lời xấu gở, cãi cọ, kiêng việc đỗ vỡ chén bát, quét rác, xông đất không hợp tuổi… và dành nhiều lời chúc tụng cho nhau, lì xì, mừng tuổi lấy hên…
Sắp tới đây, khi hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo đình Ông Voi (đình làng Hội An), Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sẽ có phương án phát huy giá trị của ngôi đình đặc biệt quan trọng này đối với đời sống cộng đồng cư dân phố cổ. Các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian cùng nhiều lễ tục tâm linh, tín ngưỡng truyền thống sẽ được phục dựng tại ngôi đình cổ kính, giàu giá trị kiến trúc và lịch sử văn hóa này, trong đó có lễ cúng Hành Khiến vào đêm giao thừa mang tầm cấp thành phố. Khởi đầu năm Tân Sửu - 2021, trong tiết khí mùa xuân mới hiền hòa, tốt tươi, ước mong rằng, những lời khấn nguyện tốt đẹp trong đêm giao thừa sẽ mang đến nhiều vận may cho vùng đất Hội của những điều An, hội nhân, hội thủy, hội văn này.
 

[1]  Đào Duy Anh (2005), Hán Việt từ điển giản yếu, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, trang 269.
[2] Năm Tý là Chu Văn Vương Hành Khiến, năm Sửu là Triệu Vương Hành Khiến, năm Dần là Ngụy Vương Hành Khiến, năm Mão là Trịnh Vương Hành Khiến, năm Thìn là Sở Vương Hành Khiến, năm Tỵ là Ngô Vương Hành Khiến, năm Ngọ là Tần Vương Hành Khiến, năm Mùi là Tống Vương Hành Khiến, năm Thân là Tề Vương Hành Khiến, năm Dậu là Lão Vương Hành Khiến, năm Tuất là Việt Vương Hành Khiến, năm Hợi là Lưu Vương Hành Khiến.
[3] Theo Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu (1968), Đất lề quê thói, Nhà xuất bản Đại Nam, trang 302.
[4] Toan Ánh (2012), Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Nếp cũ gia đình và Lễ -Tết –Hội hè, Nhà xuất bản Trẻ, trang 93.
[5] Theo Phạm Hữu Đăng Đạt, Một số đặc điểm sắc bùa xứ Quảng, http://vanhocnghethuat.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=201&ctl=tcb&mid=712&tc=158

Tác giả: Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây