Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Tri thức về địa hình, thời tiết, khí hậu liên quan đến biển đảo ở Hội An

Trí thức dân gian về biển đảo chính là kết tinh của quá trình ứng xử, chung sống với môi trường biển đảo của các lớp cư dân Hội An hết đời này qua đời khác, hết thời kỳ, giai đoạn lịch sử này sang thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác. Các vương triều, thể chế có thể thay đổi, mất đi nhưng kho tri thức dân gian địa phương, tri thức bản địa về biển đảo lại không ngừng được bồi đắp, tích lũy từ nhiều nguồn cội, nhiều hướng, nhiều chủ thể và khách thể. Có thể nói đây là kho tri thức về biển đảo hết sức đa dạng và phong phú, nó chứng tỏ rằng từ rất sớm người dân Hội An đã thấu hiểu và quen thuộc với biển đảo.
          Tri thức này thể hiện trước hết ở khối lượng từ vựng đồ sộ liên quan đến các dạng địa hình tự nhiên biển đảo, đến các hiện tượng thời tiết khí hậu trên biển, đến sóng gió, đến nghề biển trong lộng ngoài khơi, đến các phương tiện hành nghề, các loại cá biển, sản vật biển đảo.v.v…

          Về địa hình tự nhiên, ngoài các từ chỉ các địa hình phổ biến như đảo, bãi biển, cửa biển, cồn, doi, nỗng, luồng, lạch.v.v… còn có các từ chỉ địa hình mang sắc thái riêng như: gành, mỏm, lố, rạn, hục, sủng, kinh, kèo.v.v… Tại Cù Lao Chàm chúng tôi đã ghi lại được 40 dạng địa hình qua các địa danh đang được người dân địa phương sử dụng. Chúng gồm các dạng địa hình: nỗng, hòn, gò, cồn, dốc, bãi, nương, eo, hố, hang, hục, vũng, sũng, khe, suối, mũi, bến, truông, nà, bằng, dại (giại), đá, dòn, kinh, lò rượu, rạn, cù lao, luồng, lạch, vịnh, kèo, lố, ao, tàu, rừng, nhỏn, giàn, cửa, bực, xéo (xẹo). Ngoài ra tại Cù Lao Chàm hiện còn lưu truyền một số tên gọi địa hình rất lạ, khó xác định như: Bạt lộ, Óc Mồ, Xéo Mồ, Thị Hồng…

          Người dân biển Hội An cũng xác định địa bàn đánh bắt theo quy ước chung là trong lộng, ngoài khơi. Lộng là phạm vi đánh bắt từ bờ ra đến độ sâu khoảng 25 - 30 sải. Khơi là phạm vi đánh bắt từ 30 sải trở lên. Ngư dân Hội An có thói quen lấy Cù Lao Chàm làm chuẩn để ra khơi đánh bắt. Họ cũng có những quy ước riêng để chỉ các địa bàn, ngư trường đánh bắt trong khu vực dọc biển nước ta và các ngư trường xa có độ sâu đến 1.200 sải nước như Hồng Kông, Philippin, Thái Lan,…
Về thời tiết, sóng gió ở biển, những người dân Hội An đã hình thành và lưu truyền một hệ thống từ chỉ những cấp độ sắc thái khác nhau từ yếu đến mạnh, nhỏ đến lớn, nguy hiểm ít đến nguy hiểm nhiều… Về mưa gió thì có các từ như nồm, nam, bấc, chướng, lòa, giông, tố, lốc… Nồm thì có nồm rải, nồm rộ, nam thì có nam non, nam giòn, nam kiệt… Chỉ sóng gió thì có các từ như lặng, động, nhóc: sóng vừa; lừa: sóng lớn; cồn: sóng rất lớn…

          Cùng với kho từ ngữ địa phương chứng tỏ sự tiếp cận ngày càng gần gũi, sâu sắc của cộng đồng dân cư đối với môi trường biển đảo, người dân Hội An cũng đã từng bước tích lũy nên những kinh nghiệm, tri thức về sự vận chuyển, đổi thay của thời tiết trên biển, của mùa vụ khai thác và nhiền vấn đề liên quan đến đặc điểm, tính chất của biển đảo cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực, cả về ưu thế, thuận lợi lẫn khó khăn, hiểm nguy, bất trắc.

          Trải qua quá trình chung sống với môi trường biển đảo người dân Hội An đã hình thành kỹ năng nhìn các hiện tượng tự nhiên, cây cỏ, chim thú để đoán định thời tiết. Nhiều người dân biển kể rằng để biết trong năm có bao nhiêu cây lụt, trận bão, vào đêm giao thừa thường ra ngồi ngoài bãi biển nhìn các đám mây, ánh sáng chớp nháy, phía chân trời mà đoán định. Ngày thường mà thấy nước biển nở nổi từ dưới lên thì trời chuyển động ban đêm đi làm nghề mà thấy bong bóng dưới nước nổi lên ngời sáng thì trời sắp có gió. Sau cơn mưa nắng lên mà trời có màu đỏ thì những ngày sắp đến sẽ có gió. Vào tháng bảy, tháng tám âm lịch, coi trời vào buổi chiều, nếu mây lên đỏ và mống đóng ở Sơn Trà, hòn Nghê thì trời sẽ mưa:
Đời ông cho tới đời cha
Mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa
 
          Hoặc sáng sớm đầu tháng, khi mặt trời chưa lên mà nhìn thấy mây nổi từng đụn thì sẽ có bão

          Xem mống (cầu vồng) cũng có thể đoán trước được mưa gió và điều này được đúc kết:  
 
Đóng mống Cu đê lo vè dọn gác
Đóng mống Cửa Đại ở lại làm ăn
Mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa
 
           Khi mống kéo dài từ bãi Hương bặn qua hòn Lao thì sẽ có bão.
 
           Khi trời chuyển, biển sắp động thì nước biển trào lên cao. Bước chân xuống bãi bị lún thì chiều hoặc mai sẽ có gió

           Khi đang ở ngoài biển, thả lưới xong mà có chớp phía Tây, xuống gió thì chắc chắn có lốc phải kéo lưới vào bờ, hoặc phía

           Tây có một vùng màu đỏ rực thì lát sau mưa gió sẽ kéo đến.

          Ra biển nếu nhìn thấy chớp nhiều lần dưới nước sát hòn Nghê (Sơn Trà) thì không được đi tiếp. Sau chớp trời vẫn bình thường nhưng nếu thả lưới, chủ quan không để ý thì tố sẽ nổi lên rất nhanh, quay về không kịp.

           Tháng 11, tháng chạp (âm lịch), vào buổi chiều gần tối trời chạng vạng mà thấy phía Tây có một vùng ánh sáng hình rẻ quạt nổi lên rồi tắt ngay thì nhất định sẽ có gió, không nên đi biển.

          Như vậy cùng với mống (cầu vồng), chớp, màu sắc, khí tượng của bầu trời, mặt nước thì màu mây hình dáng của các cụm mây cũng là dấu hiệu để đoán trước thời tiết. Những người làm biển địa phương thường nhìn những đụn mây nổi lên ở phía hang Tò Vò vào ngày đầu năm để đoán trong năm có mấy cơn bão lớn hay nhỏ. Tháng 3 âm lịch mà thấy mây dựng lên ở mũi Nghê (Sơn Trà) thì sẽ có tố lốc, phía hang Tò Vò ửng vàng đỏ thì mưa bão sẽ đến, phía hòn Tai có mây mù che khuất thì ban ngày sẽ có mưa vì thế, có câu “Mịt Tai mưa ngày”…

          Sự thay đổi, chuyển biến của cây cỏ, chim muông cũng được quan sát để đúc kết nên những kinh nghiệm, những tri thức về thời tiết, khí hậu. Đang bình thường mà chim trên trời kêu vang thì biển sẽ chuyển động (có sóng to gió lớn). Trời đang động mà chuồn chuồn xuất bay nhiều thì sẽ chuyển lặng.

          Xem tổ ong vò vẽ, nếu ong làm tổ dưới thấp thì năm đó sẽ có bão lớn, làm tổ trên cao sẽ có ít bão.

          Trời chạng vạng (hoàng hôn) mà nghe chim hạc kêu vang thì ngày mai chắc chắn sẽ có gió bấc nổi lên.

          Đang bình thường mà nghe chim ó kêu khác tiếng thì trời sắp mưa, diều kêu thì trời sắp trở gió: “Diều kêu thì gió, ó kêu thì mưa”.

          Về cây có cũng có một số kinh nghiệm để đoán trước thời tiết mưa, bão lụt. Hàng năm người dân Hội An thường quan sát các mụt măng của các bụi tre để đoán năm ấy có bão hay không. Hễ năm nào mụt măng mọc vào phía bên trong chính giữa bụi tre thì năm ấy có bão, mụt măng mọc ra phía bên ngoài thì năm ấy không bão hoặc bão nhỏ. Lại xem các cây lau, sậy mọc ở ven núi, ven sông, nếu cây trổ bông thì năm ấy sẽ hết lụt. Người dân ở Cù Lao Chàm lại có kinh nghiệm nhìn bông cây ngô đồng, một loại câu đặc hữu mọc nhiều ở hòn Lao để đoán biết khi nào mùa mưa bắt đầu. Vào khoảng tháng 7, 8 thì cây trổ bông màu đỏ, rực cả núi rừng. Lúc hoa của câu Ngô Đồng rụng hết, sẽ cho ra 2 hột hai bên và một lá màu trắng ở giữa. Khi chiếc lá trắng này bay đi thì cũng là lúc những trận mưa đầu mùa kéo đến Cù Lao Chàm.

          Người dân miền biển Hội An còn có khả năng đặc biệt trong việc dựa vào màu sắc của nước biển, sự chuyển động của sóng gió để phân biệt các luồng lạch khi ra vào cửa biển, để xác định các khu vực có nước xoáy, có rạn đá ngầm, bãi cát để lái ghe thuyền né tránh. Một số kinh nghiệm được đúc kết thành lời như: “Dội Lá thì vô, dội Khô thì ở lại”. Khi thấy sóng dội (đập mạnh, tung bọt trắng) ở hòn Lá thì có thể đưa thuyền vào cửa vì ít nguy hiểm, khi sóng dội ở hòn Khô thì phải ở lại Cù Lao Chàm hoặc chạy ra hướng Đà Nẵng để vào bờ chứ không thể vào Cửa Đại được.

          Hoặc khi đưa thúng chai ra vào bãi biển để hành nghề người dân Hội An có câu: “Ra ao vô cồn”. Ao là nơi lòng biển trủng xuống, nước sâu, sóng đến đó thường giảm cường độ, dễ đưa thúng ra biển. Cồn là nơi lòng biển có cồn cát, sóng đến đó thường mạnh nên có thể dựa vào đó để đưa thúng lên bờ.

          Về kỹ thuật lèo lái ghe thuyền, kỹ thuật hải hành, những người dân biển Hội An vốn là những tài công, thủy thủ dày dạn kinh nghiệm, gan dạ và sẵn sàng đối mặt với sóng gió. Họ thường bảo nhau: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Thuyền ngược ta khiến gió Nam, Thuyền xuôi ta khiến gió Nồm thổi lên”. Họ biết khi nào thì căng buồm, hạ buồm, khi nào thì nới lèo đón gió, khi nào thì phải ganh để giữ cân bằng ghe.v.v… Họ cũng là những người nắm vững kỹ thuật điều khiển những chiếc ghe bầu, ghe buồm chạy ngược gió - một kỹ thuật lái ghe đặc biệt của những người dân đi biển Hội An. Khả năng lèo lái này đã làm cho những nhà hàng hải châu Âu phải khán phục. Điều này thể hiện qua một ghi chép của thuyền trưởng George Windsor Earl khi dẫn lộ một thương thuyền đến Singapore vào thế kỷ 18: “… Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền của chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm. Thời tiết đã tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển chúng tôi chợt nhận ra 6 chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam đang giương kết mọi cánh buồm tiến thẳng tới trước… Tôi nghĩ mấy người Việt đó đang lèo lái những con thuyền bé nhỏ mà cách thức vận chuyển để vượt sóng lượn gió thật là tài tình. Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào của toàn khu vực Âu Châu. Đoàn thuyền bé tí tẹo đó không có một chiếc nào vượt qua 50 tấn, vậy mà những người đi biển này có thể đè bẹp cả sóng gió biển Đông vào giữa mùa bão tố. Đã qua 20 năm rồi, rất ít thương thuyền nào của công ty chúng tôi dám thử hải hành trong giữa mùa biển động như vậy

           Chính do là những người có kinh nghiệm và kỹ năng về hàng hải nên tại Hội An đã hình thành nên một đội ngũ những người đi biển, đi buôn bằng ghe bầu, thuyền buồm nổi tiếng từ Nam chí Bắc, trong đó đặc biệt có những tài công, hoa tiêu, thủy thủ giỏi giang mà tên tuổi của họ ngày nay vẫn còn được nhắc đến:
Nồi Rang nhứt Tế nhì Sềnh
Dưới gành chú Chắt non trên anh Dừa
Làm nghề mà giữ tích xưa
Đừng có chưa nhóc đã sợ, chưa lừa đã run
 
            Kho tri thức về biển đảo nói chung, về thời tiết, khí hậu gắn với biển đảo nói riêng ở Hội An rất phong phú, đa dạng, chứng tỏ rằng các thế hệ cư dân ở đây đã sớm có quá trình tiếp cận tương tác với biển đảo để vươn ra làm chủ biển khơi. Kho tri thức này là bộp phận di sản văn hóa phi vật thể quý giá, gắn với đặc trưng sinh thái – văn hóa địa phương cần phải được sưu tầm, tập hợp, phổ biến để phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ ở Hội An mà còn có ý nghĩa trên phạm vi cả nước./.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây