Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Tri thức dân gian về xảm, trét ghe thuyền ở Hội An

Với vị trí là vùng cửa sông - ven biển, lại được tiếp nhận kỹ thuật của lớp cư dân trước đó và hơn thế nữa là trong bối cảnh nền thương mại biển phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVI-XVIII mà Hội An lúc bấy giờ là thương cảng thuyền buồm quốc tế bậc nhất khu vực nên nghề đóng sửa ghe thuyền ở Hội An có điều kiện phát triển, hình thành làng nghề chuyên đóng sửa ghe thuyền như làng mộc Kim Bồng. Về sau này, bên cạnh trung tâm đóng sửa ghe thuyền ở làng mộc Kim Bồng, những trại đóng/xưởng đóng ghe thuyền ở khu vực lân cận cũng được hình thành, song gốc thợ hoặc được học nghề đều xuất phát từ làng Kim Bồng. Tại Kim Bồng, nghề đóng sửa ghe thuyền có sự phân hóa chuyên môn sâu, ngoài lực lượng thợ đóng sửa về phần gỗ, còn có đội ngũ thợ chuyên về xảm, trét. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An trong sách Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An - Quảng Nam, trước đây, để hoàn thành một chiếc ghe bầu trọng tải 80-100 tấn phải mất hết 4-5 tháng với lực lượng thợ chuyên môn gồm 1-2 thợ xẻ gỗ, 1-2 thợ xảm, 1-2 thợ làm bánh lái, 6-8 thợ đóng chính, 2-4 thợ phụ, 1 thợ cả.
Trong từng công đoạn để đóng hoàn thành một chiếc ghe, bên cạnh việc nắm vững kỹ thuật, quy trình, người thợ còn tích lũy hệ thống kinh nghiệm - tri thức hết sức phong phú giúp việc thực hiện công việc nhanh và hiệu quả hơn. Đó là việc đúc kết thành những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ,... để chỉ cách làm, cách nhận biết các loại gỗ, cách sử dụng công cụ cho từng công đoạn... Xảm, trét là công đoạn quan trọng để hoàn thiện một chiếc ghe khi đóng mới, cũng là công đoạn chính yếu khi tu sửa, bảo dưỡng theo định kỳ. Vì vậy, người thợ không chỉ tìm kiếm, lựa chọn những nguyên vật liệu phù hợp để sử dụng mà quá trình thực hành còn được đúc kết thành quy trình với các phương pháp, cách thức, công cụ riêng.

Về lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu: Theo kết quả tham vấn cộng đồng và khảo sát thực tế, nguyên liệu chính truyền thống để xảm, trét ghe thuyền (gỗ) gồm có: Dầu rái, xơ tre, chai phà. Ngoài ra còn có các nguyên liệu như dầu phụng, dầu tràm, vôi, dầu hỏa để phụ gia và giúp công việc được thực hiện thuận lợi hơn. Với đặc tính là loại nhựa đông cứng khi khô, dầu rái được trộn với chai phà hoặc với xơ tre để bịt kín khoảng hở giữa các be với nhau, giữa be với long cốt, lô, và một số vị trí khác trên ghe, chống thấm nước vào bên trong ghe. Dầu rái để trét vừa bảo vệ vỏ ghe trong môi trường nước vừa tạo độ bóng đẹp của chiếc ghe làm tăng niềm tin của chủ ghe về sự an toàn, phát đạt khi hành nghề.

Ngoài ra, một nguyên liệu chính để trét thúng/ghe được đan bằng nan tre trước khi trét dầu rái là phân trâu/bò tươi. Theo một số người đan thúng chai, dùng phân bò để trét tốt hơn phân trâu bởi lẽ phân bò mịn hơn, trét ăn sâu và bền hơn. Trân/bò là loại gia súc ăn cỏ nên trong phân có nhiều bột mịn bằng chất xơ và chất kết dính được tiết ra từ dịch dạ dày. Việc dùng phân tươi trét thúng/ghe nan, bột mịn bằng chất sơ sẽ lọt được vào sâu các khe nan đan và chất keo dính giúp bám chắc vào nan khi khô. Sau đó, dùng dầu rái trét nhiều lớp bên ngoài sẽ giữ được độ bền của nan và lớp lót bên trong.

Hiện nay, người thợ sử dụng nhiều vật liệu mới để xảm, trét ghe thuyền như xi măng, sợi ni lông, sơn, composite. Tuy nhiên, những vật liệu mới này chỉ dùng hiệu quả trong sửa chữa ghe thuyền, khi đóng mới chỉ xảm, trét bằng xơ tre, chai phà và dầu rái mới tốt. Theo thợ ghe Kim Bồng, dùng sơn để sơn ghe làm gỗ mau thối/hư hơn khi dùng dầu rái.
         
Về công cụ để sử dụng: Để tạo nên bộ công cụ phục vụ hiệu quả trong việc xảm, trét ghe thuyền là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm trong việc tìm tòi, lựa chọn, sáng tạo nên những công cụ có kiểu dáng, kích thước, chất liệu, độ sắc bén... phù hợp với từng công đoạn và vị trí thực hiện như trành xảm, trành kiệu, đục lá, búa, móc xảm, que hồ,… Việc sử dụng vỏ dừa gáo khô làm xơ dừa để chà/trét ghe thuyền là sự lựa chọn sáng tạo của người thợ. Bởi lẽ vỏ dừa gáo khô có độ bền cơ học cao, sợi xơ nhiều đủ để thấm giữ dầu, đồng thời sợi xơ nhỏ nhưng không quá mềm, đảm bảo khi chà lên bề mặt gỗ, sợi xơ có thể đưa dầu thấm sâu vào thớ gỗ. Hiện nay việc sử dụng thêm vải mùng hoặc khăn bông, con lăn để chà/lăn dầu rái nhanh hơn nhưng không tốt bằng dùng xơ dừa, dầu không thấm sâu vào thớ gỗ, không giữ được độ bền của gỗ lâu dài.
 
Dung cu xam tret ghe thuyen

Bộ dụng cụ dùng trong xảm, trét ghe thuyền - Ảnh: Phước Tịnh
 
Về thực hành xảm, trét ghe thuyền: Xảm và trét ghe là 2 hoạt động biệt lập. Ghe thuyền khi đóng mới, hoạt động xảm được tiến hành trước, sau đó mới trét; khi sửa chữa, nếu xảm ở triên không hư hỏng thì chỉ có hoạt động trét. Xảm ghe do thợ đóng ghe hoặc thợ xảm thực hiện. Trét ghe hầu hết do chủ ghe thực hiện.

Xảm: Hoạt động này chỉ tiến hành ở ghe thuyền bằng gỗ. Ngoài việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu tốt, chất lượng của đường xảm phụ thuộc vào trình độ tay nghề, kinh nghiệm của người thợ được thể hiện ở việc mở triên đúng kỹ thuật, trộn các nguyên liệu một cách hợp lý và tỉ mẫn trong quá trình xảm, kiệu. Chiếc ghe được xảm và trét xong 2-3 ngày có thể hạ thủy sử dụng. Đây là khoảng thời gian cần thiết để lớp hồ của đường xảm khô cứng chắc chắn. Theo kinh nghiệm dân gian, ghe đóng mới nhưng chưa sử dụng (chưa hạ thủy để dùng) thì người thợ xảm không trát lớp hồ già bên ngoài đường xảm. Đợi đến khi cần sử dụng, người thợ dùng trành kiệu và búa đóng chặc đường xảm một lần nữa rồi mới hồ, để 2-3 ngày hạ thủy sử dụng. 
 
Thao tac xam tret

Thao tác xảm ghe thuyền - Ảnh: Phước Tịnh
 
Trét ghe là việc dùng xơ dừa gáo chấm dầu rái rồi chà/quét lên bề mặt gỗ các thành phần của ghe để bảo quản gỗ được lâu bền, khi sử dụng chiếc ghe đi/lướt nhanh hơn, đồng thời cũng tăng độ bóng đẹp của chiếc ghe, tạo niềm tin trong quá trình sử dụng. Hoạt động này không chỉ thực hiện ở khâu hoàn thiện chiếc ghe trước khi hạ thủy mà còn tiến hành ở một số công đoạn khác như giáp ghim. Để bảo quản lô, long cốt, trước khi giáp ghim, người thợ thường trét ít nhất 2 lớp dầu rái tại vị trí này. Lớp thứ nhất trét xong, đợi khô mới trét lớp thứ hai.

Xảm, trét là công đoạn quan trọng để hoàn thiện một chiếc ghe, cũng là hoạt động chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đó là hệ thống tri thức dân gian được tích lũy, chắc lọc qua quá trình lịch sử lâu dài. Trong điều kiện hiện nay, việc sưu tầm, nghiên cứu giá trị tri thức dân gian nói chung, trong nghề thủ công truyền thống nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần phát triển khoa học kỹ thuật, tăng cao hiệu quả sản xuất.
 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây